Nội dung chia sẻ của Hà Anh trên facabook:
"Tố, rút ngắn của động từ "tố cáo" nhằm diễn tả hành động của một cá nhân, hay tổ chức - phơi bày những điều mà họ cho rằng sai sự thật, chưa đúng đắn, hay thậm chí là những hành vi lừa đảo của một cá nhân hay tổ chức đối với một hay nhiều cá nhân khác. Đây là định nghĩa mà tôi tự hiểu, còn chính xác thế nào, mời các bạn tự đi tìm hiểu từ điển tiếng Việt!
Trước hết, tôi xin nhấn mạnh rằng, trong bài viết này tôi sẽ không để cảm xúc cũng như suy nghĩ của bản thân ảnh hưởng đến, cũng không hề ám chỉ hay đứng về phía bất kể ai.
Bởi, có những sự thật nên phơi bày, cần có trách nhiệm phải phơi bày, nếu như nó làm ảnh hưởng tới nhiều người khác (ví dụ như những người không bị phơi bày sẽ tiếp tục đi lừa đảo người khác hay làm lũng đoạn cả một hệ tư tưởng, thông tin về một ngành nghề, hay sự việc).
Tuy nhiên có những sự thật không cần nói ra bởi bản thân ta, là một người trưởng thành, phải biết chấp nhận hệ quả, chịu trách nhiệm trước hậu quả do quyết định cá nhân của mình.
Có những "sự thật" nghe có vẻ hiển nhiên nhưng cũng chỉ là những chỉ điểm vô căn cớ! Nói tóm lại, trong xã hội, thực chất đi vạch trần và bị vạch trần những điều không tốt đẹp cũng chẳng phải là điều hay ho vui vẻ gì!
Người ta lại càng không nên sử dụng ngôn luận, vai trò của kẻ ngoài ánh sáng, người trong bóng tối để tố bừa bãi. Mua hàng chưa kịp trả tiền cũng tố, nợ nhau chút tiền cũng tố, thấy thiên hạ đi làm gái cũng tố, mua chiếc túi tặng người yêu sau này hết yêu cũng tố...
Tóm lại, nếu tố mà có mục đích rõ ràng, nói có sách, mách có chứng thì hẵng tố! Còn nếu không, vô tình chỉ biến mình thành câu chuyện tám bên bàn cà phê, hay để xã hội nhìn vào và thêm dè bỉu về "bọn diễn viên người mẫu" mà thôi!.
Người nổi tiếng, biết điều thì sống cho tử tế, kẻo có ngày bị tố! Nhưng rồi có người đang yên đang lành cũng bị kẻ nào đó làm con tốt thí điểm xông vào tố cáo! Làm gì ai biết sự thật, vì làm gì có công an vào cuộc, toà án xét xử- tung vài cái email loằng ngoằng, tin nhắn tự tạo lên cũng được coi là "bằng chứng" rồi! Người đọc, tai được tai mất, chẳng biết ai đúng ai sai, người bị tố dù gì cũng bị mang tiếng! Khổ!.
Nhưng thôi, hôm nay chúng ta không bàn về chuyện đúng sai của sự Tố! Chúng ta hãy bàn về "Thế nào là một tố cáo hiệu quả".
Bởi tôi đọc quá nhiều lời tố cáo, dài có, ngắn có, tóm lại cái nào cũng bức xúc và tâm huyết, nhưng tóm lại đều không rõ ràng. Có nhiều lời tố thì hoàn toàn chẳng có cơ sở dẫn chứng cụ thể gì! Mất công người đọc! Đọc xong chẳng biết "phân xử" ra sao! Tôi nói là người đọc phân xử vì sở dĩ làm gì có luật pháp gì ở đây để phân xử!
Tố- hãy nhớ những bước sau đây:
Thứ nhất là mục đích tố: Xác đinh mục đích tố cáo là gì. Đa số mọi người sẽ gào lên rằng "để tìm công bằng" nhưng thực sự tìm công bằng ở đây có nghĩa là gì?: Đòi lại khoản tiền bị nợ; Để phơi bày sư thật để những người khác không tiếp tục bị lừa; Để trả thù, hả hê vì bị người kia làm tổn thương; Để làm hại thanh danh người khác; Để đánh bóng tên tuổi của mình...
Tôi khuyên rằng, nếu vì những mục đích cuối, thì đây không phải là cách hay. Hận thù không nên trả hận thù- sẽ tiếp tục tổn thương chính bản thân mình mà thôi. Nếu như để đòi lại được tiền hay để cảnh báo người khác khỏi bị lừa hãy suy nghĩ, phần trăm thành công của mình là bao nhiêu?. Mình có bao nhiêu phần trăm sự thực và bằng chưng xác thực để thực hiện điều này?
Sau khi hiểu rõ mình muốn gì hãy bắt đầu bằng: Tôi viết bức thư này nhằm đòi lại khoản tiền thuộc về tôi; để cho mọi người biết sự thật về một sự việc/ con người nhằm tránh các sự hiểu nhầm đối với cá nhân tôi; thức tỉnh mọi người có thể bị lừa bởi con người, sự việc này...
Sau đó bạn có thể đề cập một chút về sự sửng sốt, buồn bã, thất vọng, lo lắng, đau khổ, bất bình của bạn, và vì sao - nhưng hãy nhớ đừng quá dài dòng- không phải người đọc không thông cảm với tâm sự của bạn, mà khi bạn viết, nhiều cảm xúc và bối rối sẽ khiến sự thật và mục đích trở nên cảm tính và sự thật bị lấn át!
Thứ hai là xác định ai là người bị tố, quan hệ cụ thể và chính xác của bạn và họ như thế nào.
Thứ ba là câu chuyện bạn đã bị lừa ra sao: Thời gian; Địa điểm; Hành động bạn cho là lừa đảo cụ thể là gì; Hậu quả cụ thể là gì.
Cuối cùng, khi kết luận một lần nữa, nhấn mạnh mục đích của bạn.
Siêu mẫu cũng khuyến cáo: KHÔNG bịa đặt, bôi nhọ không căn cứ, dài dòng kể lể!".