- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị có thể chia sẻ những ấn tượng của mình về Tết Việt Nam xưa?
- Trong ký ức ngày thơ bé của tôi, Tết là khoảng thời gian rất thiêng liêng, cả nhà quây quần chờ đợi đến giây phút giao thừa. Ngày ấy, mọi thứ không đủ đầy như bây giờ, nhưng cứ đến ngày 26 Tết là đã thấy háo hức lắm. Bọn trẻ chúng tôi hẹn nhau đi chơi, rồi tham gia các chương trình biểu diễn thiếu nhi, giặt sẵn những bộ quần áo để đến Tết diện.
Những gì tôi nhớ nhất về Tết là khoảng thời gian khi bà nội còn sống. Bà là người rất truyền thống nên việc đi chọn lá dong về gói bánh chưng, rồi tới công đoạn rửa lá, đãi đỗ, vo gạo, bà đều tự tay làm tất cả. Dường như nó không còn là một công việc nữa mà mang tới niềm vui nhiều hơn. Khi đó, các cháu xung quanh cũng không giúp được mấy, chỉ nghịch là chính nhưng tất cả màu sắc của Tết đấy đều vẹn nguyên trong tâm thức của tôi và không bao giờ mất đi. Ngày xưa, việc chuẩn bị cho ngày Tết nó mang tính thiêng liêng còn bây giờ không giống như thế nữa, nó giống một ngày vui nhiều hơn.
|
Dù vào Nam sinh sống nhưng cô Bống vẫn luôn giữ nét truyền thống Bắc Bộ. |
- Kỷ niệm về Tết mà chị vẫn nhớ tới tận bây giờ?
- Có năm, thời tiết ngày giáp Tết mưa nhiều nên trời nồm ẩm. Ở nhà tôi có 5 băng pháo để chuẩn bị đốt giao thừa. Sợ ẩm, bà đã cho nó lên một cái mâm to để hơ trên một cái bếp dầu mở lửa nhỏ để hong khô cho giòn. Dù vậy, chẳng ai ngờ là nó bị bén lửa và cả nhà đều giật mình bởi tất cả 5 băng pháo đã cháy sạch chỉ trong có mấy giây, tiếng nổ ầm ĩ và cả nhà đặc khói. Tết đấy, nhà tôi không có băng pháo nào để đốt mà chỉ có một băng pháo tép mà trẻ con vẫn thường gỡ ra để nổ riêng.
- Khi chuyển vào Nam sinh sống, việc đón Tết của chị thay đổi thế nào?
- Trong miền Nam, thay vì mua đào thì mọi người đa phần đều chọn cây mai. Vì tiết trời khá nóng nên không khí Tết ở TP HCM theo kiểu sôi nổi, tưng bừng của một lễ hội hơn. Còn Tết ở miền Bắc có tiết trời se lạnh kèm mưa xuân nên thích hợp với kiểu quây quần đầm ấm bên gia đình. Chủ yếu là ở chỗ đấy, còn các tập tục thì vẫn như vậy, vẫn có bánh chưng, bánh tét rồi mọi người đi thăm hỏi chúc Tết, lễ chùa cầu may...
- Ở thời điểm hiện tại, khi đón Tết trong Nam, chị gìn giữ nét văn hóa truyền thống ngày Tết thế nào?
- Những ngày giáp Tết, bạn bè, đồng nghiệp như Quang Dũng, Phương Linh, Hà Anh Tuấn, Huy Tuấn... thường tập trung ở nhà tôi để gói bánh chưng. Khi gói xong thì chúng tôi luộc ngay trong đêm, đến sáng hôm sau, bánh của ai thì người đó sẽ tới mang về nhà. Đó là phong vị Tết miền Bắc mà tôi vẫn muốn duy trì dù đón Tết ở TP HCM.
- Chị có hay vào bếp ngày Tết?
- Có lẽ ở thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị mâm cỗ Tết không được đầy đủ như xưa. Nhưng tôi vẫn tự tay làm những món ăn đặc trưng trong mâm cơm ngày Tết của người Bắc như một nồi măng nấu với chân giò cùng một nồi canh bóng, không thể thiếu món bánh chưng, thịt đông.
Điều quan trọng là mọi thứ đều bổ trợ cho nhau một cách rất tinh tế, như ăn bánh chưng thì phải có tí dưa hành mới đỡ ngán, rồi ăn thêm ít thịt đông cho mát và canh ăn đỡ khô. Một yếu tố nữa giúp mâm cơm ngày Têt thêm phần đậm đà chính là sự quây quần bên gia đình. Có điều là ăn Tết xong tôi thường hay tăng cân. Như Tết năm ngoái, tôi ăn Tết cả tuần và lên 2 kg.
|
Trong dịp Tết Nguyên đán, Hồng Nhung thường dành toàn bộ thời gian bên gia đình. |
- Không như các ngành nghề khác, với nghệ sĩ, Tết vẫn là thời điểm chạy show, thậm chí có phần bận rộn hơn cả ngày thường. Còn chị thì thế nào?
- Thường tôi chỉ nhận lời biểu diễn vào dịp Tết tây, đến Tết Nguyên đán thì tôi không tham chạy show mà dành toàn bộ thời gian bên gia đình để lo một cái Tết sum vầy. Nhất là khi có con nhỏ, tôi càng muốn dành sự yêu thương cho chúng vào những ngày lễ ý nghĩa này.
- Dự định của chị trong năm mới Ất Mùi là gì?
- Cuối tháng 4 tới tôi sẽ ra album mới theo thể loại nhạc chill out và bao gồm những ca khúc mới về Hà Nội do các bạn trẻ sáng tác. Sau đó, tôi dự định sẽ tham gia với vai trò giám khảo trong một chương trình.
- Viên mãn ở tuổi 45 và có một mái ấm hạnh phúc bên chồng và con cái, nhưng dường như hiếm khi chị chịu chia sẻ chuyện tình cảm của mình trên mặt báo?
- Tôi ít khi nói về chuyện tình cảm vì nó là chuyện riêng. Hơn nữa, đối với người của công chúng, việc chia sẻ về điều đó lại càng ngại. Nhiều khi lúc là khoe tình cảm trên truyền thông, hôm sau lại bỏ nhau, tương lai chẳng ai nói hay được.
Vợ chồng tôi đều đã ở độ tuổi chín chắn trong cuộc đời, thành ra với xã hội, chúng tôi thể hiện thái độ trân trọng chứ không dám khoe khoang nhiều. Chỉ biết là đến giờ phút này, tôi đã có một gia đình nhỏ, tới bữa ăn thì cả nhà quây quần bên nhau. Trước đây, hai bé nhà tôi ngồi bàn riêng thấp ở bên dưới. Còn giờ xếp gối cao lên thì các em ngồi được ở bàn người lớn và tỏ ra thích thú khi dùng bữa cùng bố mẹ. Điều hạnh phúc nhất đối với tôi và ông xã là chia sẻ tình cảm cho hai bé Tôm và Tép. Những gì gọi là lãng mạn thì cũng đều dành hết cho con.
- Trong gia đình, chị là người phụ nữ gốc Hà Nội, ông xã chị lại là người Mỹ. Sự khác biệt văn hóa giữa hai nước ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của vợ chồng chị?
- Anh Kevin là người rất thích văn hóa châu Á và đặc biệt thích những hoạt động truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra, ông xã nhà tôi có tác phong sống chín chắn so với tuổi của mình. Hơn nữa, vì thích văn hóa phương Đông nên anh thiên về mặt nhẹ nhàng, kín đáo hơn. Tính cách đó cũng có phần giống tôi nên dù cả hai có sự khác biệt văn hóa nhưng không gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, chúng tôi tìm thấy điểm tương đồng trong cách suy nghĩ. Ví dụ như trước đây, hai cháu nhà tôi học trường mẫu giáo quốc tế. Sắp tới, tôi sẽ cho các cháu đi học tại trường mẫu giáo Việt Nam và anh Kevin cũng rất ủng hộ.
- Với chị, sự khác biệt về văn hóa có tác động thế nào trong việc giáo dục con cái?
- Vì hai cháu có một nửa dòng máu là Việt Nam và nửa Mỹ nên tôi hướng làm sao để các cháu luôn nhớ đến gốc gác của mình. Những ngày lễ truyền thống của Việt Nam như Trung thu, Tết Nguyên đán hay Noel, lễ Phục sinh... các cháu đều được tổ chức ở nhà hoặc đến chơi nhà bạn. Bây giờ, các cháu còn nhỏ nên tôi chưa thể giải thích ý nghĩa của từng ngày lễ, nhưng chúng vẫn cảm nhận được sự chuẩn bị sôi nổi trong nhà. Tết năm ngoái, cả hai cũng biết nhận bao lì xì để cất đi, rồi cũng biết tranh nhau, tức là phần nào nhận thấy không khí lễ hội.
- Chị từng chia sẻ, Tôm là một bé trai hiền lành, còn Tép lại có tính cách khá hiếu động. Chị cảm nhận thế nào về sự đối lập này trong cuộc sống gia đình?
- Vì là hai đứa trẻ bằng tuổi nhau nên chúng thường quấn quýt, lúc nào cũng đi cùng nhau. Ví dụ đi học mà một em ốm thì em kia cũng nhất định không đi học một mình. Thế nhưng phần lớn thời gian còn lại là chí chóe, tranh giành với nhau một món đồ. Hoặc suốt ngày thấy bạn này đang ngồi trên ghế là bạn kia phải đòi bằng được cái ghế đấy, cãi cọ hay dứt tóc nhau, kéo cưa là chuyện rất bình thường.
Trong nhà, bé Tép đanh đá hơn. Còn Tôm thì rất hiền và hay bị trêu là ăn chay vì em chỉ thích ăn cơm với muối vừng, không thích ăn thịt. Cũng vì Tôm hiền như vậy nên thường bị em gái bắt nạt.
Theo Zing