Khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.

Google News

Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.

Bạn nói có thể chị đàn bà đứng nức nở trên phố Hoàng Diệu ấy vừa đóng quầy may sẵn ở chợ Đồng Xuân, bạn đã bị chị mắng một lần vì “nói giọng miền Nam mà còn mặc cả”. Có thể người đàn ông mếu máo đặt mấy bông cúc vàng ở hàng rào ngôi nhà số 30 kia vừa chạy xong cuốc xe ôm, bạn đã từng bị anh chở đi đường vòng để lấy tiền cho ngọt. Nhưng những va quệt đã từng gặp phải trên đất Hà Nội đã trôi hết, xí xoá hết trong bạn vì những người đã đến khóc trước nhà vị tướng vừa qua đời, trong bản tin tối".
 
"Bạn nói có thể chị đàn bà đứng nức nở trên phố Hoàng Diệu ấy vừa đóng quầy may sẵn ở chợ Đồng Xuân, bạn đã bị chị mắng một lần vì “nói giọng miền Nam mà còn mặc cả”. Có thể người đàn ông mếu máo đặt mấy bông cúc vàng ở hàng rào ngôi nhà số 30 kia vừa chạy xong cuốc xe ôm, bạn đã từng bị anh chở đi đường vòng để lấy tiền cho ngọt. Nhưng những va quệt đã từng gặp phải trên đất Hà Nội đã trôi hết, xí xoá hết trong bạn vì những người đã đến khóc trước nhà vị tướng vừa qua đời, trong bản tin tối.
Tivi trong quán ăn tiếng được tiếng mất, nhưng bọn tôi chừng như nghe được tiếng nước mắt chảy. Không chỉ từ những gương mặt lướt qua trên màn hình, mà còn từ những người không xuất hiện trên tivi như bạn, hay từ trong lòng những người giả bộ mình cứng cỏi, như tôi. Tự nhận là già rồi, nghi ngờ cả nước mắt, nhưng bạn nói lần này bỗng tin những người kia cảm động thật lòng. Mà ông tướng đó cũng không phải ruột thịt, hay họ hàng xa, hay láng giềng ở cạnh nhà. Ông giỏi thì khỏi nói, cái đó cả thế giới chịu rồi, “nhưng tụi mình đâu phải thương chỉ mỗi chuyện đó”, bạn quệt cùi tay chùi nước mắt, nói “nghĩ tới ông như là nghĩ tới ông nội mình, không hề có cảm giác xa xôi vĩ đại”. Bàn bên mấy anh đòi nợ mướn cũng thôi chửi thề một con nợ khó nhằn, một anh buột miệng “nhìn ổng hiền như con cọp ăn chay”. Màn hình đông chừng mười lăm giây nụ cười hồn hậu của ông tướng. Tự biết trong lòng người dân, hình ảnh ấy còn đọng lại rất lâu.
  Ông Giàng Seo Phả, cựu chiến binh ở Điện Biên Phủ, người dân tộc Mông lặn lội xuống Hà Nội, viếng Đại tướng.
Bạn tôi tin hồi tại thế ông sống như mình có, không cố ý sống sao cho dân phải khóc khi lìa cõi tục. Tự nhiên từ khí chất. Thấy ông tưới phong lan, cũng lui cui như ông già kế bên nhà. Thấy nụ cười, biết rằng những oan khuất nhục vinh đã bị ông phẩy tay bỏ lại. Chỉ dân là ông không quên, khi thỉnh thoảng gửi báo những bài viết tâm huyết đóng góp cho chính sách dân sinh.
Mấy hôm trước cà phê sáng với nhau bạn còn kêu xã hội nhìn đâu cũng rẽ chia xáo xác. Sẵn sàng cãi nhau vì một cuốn sách, ông xài điện thoại Mỹ tôi dùng điện thoại Hàn, vì em mê nhạc sến anh thích sang. Đi bên bờ vực ai không chịu được nấy rơi, tưởng không có gì ngăn lại được dòng người chèn lấn. Bỗng tất thảy họ dừng lại chỉ vì một hơi thở vừa dứt vô phương nối lại. Bạn rươm rướm nói, ông tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành. Họ, cũng như bọn tôi, ẩn nỗi tiếc thương ông già rực rỡ đó, thấy tâm hồn mình bỗng dưng liền sẹo, bâng khuâng vì ý nghĩ mình cũng còn khả năng khóc cho một người dưng.
Cách khóc mỗi người mỗi khác, có người tận nhà ông già cúi đầu đặt bó hoa, người ở xa ngồi trước tivi lén kéo chéo áo lau đuôi mắt, người nuốt trộng vào lòng, người lại thở hắt ngậm ngùi “rồi ai cũng về, người ở đến gần một trăm lẻ ba năm chớ đâu ít ỏi gì, mà sao ai cũng tiếc”. Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.
...Cúi đầu trước ông...".
Theo Sài gòn tiếp thị