|
Lý Hùng, ngôi sao màn bạc một thời. |
“Thời thế tạo anh hùng” – anh có thấy câu này đúng với trường hợp của mình?
Cũng có thể. Tôi không phủ nhận mình may mắn rơi đúng thời điểm vàng của điện ảnh, nhưng không thể dựa hết vào “cái thời”, nếu không thật sự có tài. Tôi tự hào vì đã có một thế hệ cùng thời với tôi được khán giả tin yêu, công nhận và nhớ mãi. Thời đại bây giờ, có rất nhiều phương tiện PR để một nghệ sĩ trẻ dễ dàng nổi tiếng, nhưng giữ điều đó cho ngày mai, ngày mốt, năm sau, mới là điều khó.
Khi anh là siêu sao, hàng triệu người ngưỡng mộ, thậm chí "xin chết" trước "tượng đài Lý Hùng", giờ thì sự xuất hiện của anh đôi khi chỉ còn là tiếc nuối cho hình tượng quá vãng. Quy luật "thời thế" quả khắc nghiệt, đúng không anh?
Nếu vào thời điểm huy hoàng nhất (những năm 90'), tôi thấy mình ở địa vị cao sang, đi xe đời mới, ăn nhà hàng năm sao, không tiếp xúc với ai hết,… thì bây giờ những cái đó không còn nữa, tôi sẽ tiếc nuối. Nhưng tôi không phải người như vậy. Lý Hùng của ngày hôm qua vẫn là Lý Hùng của hôm nay, vẫn sống cuộc sống bình thường, đơn giản. Điều tôi luôn cố gắng là không bao giờ đánh mất tên tuổi trong lòng khán giả.
Bằng cách anh đi hát, đóng những bộ phim chỉ đọng lại những cảm xúc nhạt nhòa, để thế hệ từng ngưỡng mộ anh phải thốt lên "Ôi thời oanh liệt nay còn đâu"!
Chẳng sao cả! Tôi hiểu rất rõ mình không phải ngôi sao ca nhạc. Điện ảnh tôi được 10 phần thì ca hát chỉ được 6, 7. Tôi cũng chỉ trở lại với phim ảnh trong những vai chính, ở những bộ phim đáng để nhận lời. Còn dậy sóng trong lòng khán giả chỉ có một thời. Rõ ràng, từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây, rất hiếm có cuộc đời được hai lần khoác áo ngôi sao.
"Chỉ đóng vai chính" - đó là cách anh níu giữ thanh thế của mình?
Tôi thấy còn tự tin, còn khả năng mới dám nói câu đó. Đó cũng là cách tôi tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng tên tuổi của mình. Tôi chỉ chọn những vai tâm trạng, có chiều sâu, đất diễn, chứ không phải làm để lấy tiền, để “xẹt qua, xẹt lại” cho vui. Các đạo diễn đã mời tôi đều biết tôi không dễ tính. Trước tiên phải gửi kịch bản cho tôi xem. Thấy hay tôi mới nhận lời. Và năm vừa rồi, tôi đã đóng 4, 5 phim truyền hình dài tập – toàn vai chính, và là những vai rất nặng ký.
Dù anh có trở lại như thế nào và bằng cách nào, thì tôi tin vẫn có những tiếc nuối, kiểu giá như Lý Hùng đừng quay lại, đừng đi hát, có lẽ ánh hào quang của ngôi sao sẽ mãi lung linh và trọn vẹn trong lòng những người từng ái mộ Lý Hùng?
Tôi còn nhiệt huyết, còn đứng vững, còn đam mê với nghệ thuật, tại sao lại cứ bắt tôi phải sống nhờ quá khứ? Chỉ khi nào tôi muốn làm mà không ai muốn mời thì hãy góp ý "Anh Hùng ơi, anh nên nghỉ đi!". Mà khỏi cần góp ý, tôi cũng nghỉ, bởi nếu tự mình phải đi kiếm việc, phải xin vai thì tủi nhục lắm. Không nên! Nhưng các đạo diễn vẫn mời tôi. Phim Mỹ nhân Sài Gòn chuẩn bị bấm máy, tôi được mời đóng cùng Hoa hậu Diễm Hương. Rồi có những chương trình ca nhạc mỗi đêm một ngôi sao, đêm trước Đàm Vĩnh Hưng, đêm sau Tuấn Hưng, rồi đêm nữa là Lý Hùng,.. Cát xê người ta trả dù không đến mức “khủng” như xưa, nhưng cũng có thua kém ai đâu. Vậy tội gì tôi không làm chứ?!
Nhân chuyện anh nhắc đến cát xê, tôi xin trích nguyên văn câu nhà báo đã viết về anh: “Thói đời bao giờ cũng thế, có vượng thì có suy. Khi thời thịnh vượng qua đi là lúc những cơn bĩ cực đến, và đó cũng là lúc Lý Hùng biết ngoài điện ảnh anh vẫn còn những tài năng khác chưa từng nghĩ sẽ sử dụng đến để mưu sinh”. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Tôi đồng ý với quan điểm có làm mới có sống. Tiền ai cũng cần, nhưng không phải vì tiền mà cái gì tôi cũng làm. Có dạo, một hãng phim Hồng Kông qua Việt Nam nghe tên tuổi Lý Hùng đã tìm đến, mời tôi đóng vai thanh niên diễn cảnh đánh nhau trong quán cà phê với diễn viên chính của họ. Tôi trả lời thẳng: Không bao giờ! Dù tôi nhớ không lầm họ trả 10 ngàn đô/1 ngày. Tôi không bao giờ dùng tiền đánh đổi đam mê. Có khi đang đi hát ở tỉnh, thấy vai diễn hay quá, tôi bỏ về đóng phim. Dù so với đi hát, đóng phim cực khổ vô cùng, quay từ 6 giờ sáng cho tới khuya mệt lả người, mà cát xê chưa chắc đã tương xứng.
|
Lý Hùng trong một cảnh phim. |