Béo và nghèo là hai cái tội
Sinh ra trong một gia đình nghèo nên từ khi còn nhỏ, Nguyên Khang đã được mẹ dạy rằng, chỉ có học mới có thể thoát nghèo. Có mẹ là giáo viên, lại sẵn tính chăm chỉ, chịu khó nên ở lớp, Nguyên Khang luôn là học sinh đứng đầu bảng.
Học giỏi nhiều môn, nhất là Toán - Lý - Hóa nhưng Nguyên Khang chưa bao giờ thấy vui vì điều đó. Anh sớm nhận ra rằng, càng học giỏi càng cô đơn và nghèo chính là một cái tội.
Đã vậy, Nguyên Khang càng thêm tự ti hơn khi có ngoại hình mập ú với biệt danh "heo sữa". "Có nhiều người cũng nghèo, cũng béo nhưng họ không đến mức tự ti như tôi. Vì tôi ăn nói kém duyên, lại nhút nhát nữa nên bạn bè ngại chơi là phải", MC Nguyên Khang nói.
|
MC Nguyên Khang (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Những năm THPT là khoảng thời gian khiến Nguyên Khang bi quan và chán nản nhất. Nhìn Nguyên Khang bây giờ lúc nào cũng vô tư, lạc quan, nhưng ít ai biết rằng, năm lớp 11 Nguyên Khang từng có ý định tự tử. Anh chia sẻ: "Tôi thấy cuộc đời lúc đó thật tẻ nhạt. Nhưng biến đổi tâm lý của tuổi mới lớn không có người tâm sự, sẻ chia càng khiến tôi rơi vào bi kịch, mông lung với suy nghĩ mình phấn đấu là vì cái gì?".
Nguyên Khang trùng hẳn giọng khi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn này: "Nhà vốn nghèo, tôi không thấy khổ nhưng nhìn thấy mẹ vất vả, tôi buồn lắm. Ba tôi tối ngày chỉ biết uống rượu rồi chửi mắng vợ con, không đỡ gì cho mẹ cả. Nhà có ba đứa con nhưng ngay cả việc họp phụ huynh, ba tôi cũng chưa bao giờ làm. Mỗi kỳ đầu năm hay cuối năm, mẹ lại tất tả "chạy sô" cả ba nơi họp cho con. Tôi chỉ mong một điều giản dị là có một ngày ba đi họp phụ huynh cho tôi, nghe cô giáo nói về thành tích học tập thì chắc ba sẽ vui hơn, không chửi mắng con trai mình nữa. Rồi mỗi khi nhìn thấy cảnh các bạn được ba đưa đến trường, cùng các con đi ăn sáng là tôi chỉ muốn khóc". Tất cả những điều này Nguyên Khang chỉ để trong lòng, vì nói ra lại sợ mẹ buồn.
Vượt qua những "sang chấn" về tâm lý và hoàn cảnh, Nguyên Khang thi đỗ hai trường đại học thuộc top đầu. Nhưng rồi anh quyết định chọn ĐH Bách khoa TPHCM thay vì ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn. Anh cho rằng, dân kỹ thuật vốn khô khan, mình học ở đây sẽ dễ được "cảm thông" khoản ăn nói kém. Nhưng học rồi anh mới biết, hóa ra mình đã nhầm. Học được một năm, Nguyên Khang thấy mình không hề có chút hứng thú nào với các môn học ở trường. Anh nhớ lại: "Lúc đó trong đầu tôi luôn có câu hỏi: Chẳng nhẽ cuộc đời mình cứ nhàn nhạt như thế này mãi sao? Kết thúc một kiếp người như vậy thì rất là tệ...".
Thay đổi để cứu mình
"Chẳng ai giúp mình bằng bản thân mình đâu", nghĩ vậy nên MC Nguyên Khang quyết định thay đổi cuộc sống của mình bằng cách tạo cho mình một môi trường giao tiếp mới. "Tôi xin vào học tiếng Anh ở một CLB thành phố, nói chuyện với người nước ngoài vì họ không biết mình là ai, nói chuyện cũng đỡ ngại hơn. Buổi học có các chủ đề, được nói ra các quan điểm, suy nghĩ giúp tôi giải phóng được năng lượng. Cuối mỗi buổi học, nhóm lại ôm đàn ghi-ta ra công viên hát các ca khúc tiếng Anh để tăng vốn từ. Tôi thấy cuộc sống của mình trở nên tích cực hơn. Trình độ tiếng Anh cũng giỏi hơn. Từ một anh chàng chỉ biết "hello" và bập bõm như vịt nghe sấm thì kết thúc năm thứ tư đại học, tôi đã nói chuyện được với người nước ngoài một cách trôi chảy".
Việc đăng ký học tiếng Anh không chỉ giúp Nguyên Khang về ngôn ngữ mà nó còn là bước ngoặt tạo ra thay đổi lớn trong cuộc đời của anh. Năm thứ hai đại học, dù vốn tiếng Anh vẫn còn khiêm tốn, nhưng Nguyên Khang đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào chương trình đón đoàn tàu Đông Nam Á đến TP HCM với vai trò tình nguyện viên. Tiếp đó, đến Sea games, anh tiếp tục lọt qua vòng tuyển chọn để làm phiên dịch viên cho các đoàn thể thao. Cao hơn nữa là trở thành "sỹ quan liên lạc"- cũng như tình nguyện viên nhưng cao cấp hơn. Đó là phiên dịch cho các Bộ trưởng trong Hội nghị APEC tại Việt Nam vào năm 2006. Anh cho biết: "Chỉ có 15 sinh viên xuất sắc nhất toàn miền Nam được lựa chọn và tôi là một trong số đó. Tôi phiên dịch cho Bộ trưởng Hàn Quốc, sắp xếp các cuộc họp song phương, đa phương, các buổi tiếp khách và đi chơi, ăn uống cho đoàn”.
Nguyên Khang "lột xác", nhưng đó chỉ là phần "nội dung", còn hình thức thì vẫn là một anh chàng "heo sữa". Anh ý thức rằng, mình rất thích hợp với các hoạt động xã hội nhưng với ngoại hình mập ú thế này thì không ổn. Cần phải làm "cuộc cách mạng" để thay đổi ngoại hình. Không có điều kiện để tập trong các trung tâm thể hình, Nguyên Khang chọn cách "con nhà nghèo" là chạy bộ. "Nếu chỉ chạy như bình thường thì lâu xuống cân lắm, tôi nghĩ ra "tuyệt chiêu" là mặc áo mưa để chạy. Sẽ bị vã mồ hôi gấp đôi với người thường, lượng nước cũng giảm nhiều hơn", Nguyên Khang nói.
Thay đổi trọng lượng, ăn mặc cũng có "gu" hơn nên hình ảnh mập ú ngày nào đã được thay thế bằng một anh chàng thư sinh, bảnh bao và đầy năng lượng vui sống. Nguyên Khang lại nghĩ, sao mình không làm gì đó khác hơn thay vì chỉ chờ đến mùa hè để phỏng vấn tham gia các hoạt động xã hội? Vậy là bước ngoặt thứ hai trong đời đã đến với Nguyên Khang bằng một quyết định đầy táo bạo: Nộp đơn thi làm MC truyền hình. Thi cùng năm đó với Nguyên Khang còn có Trấn Thành. Và thật hữu duyên, cả hai giờ đều là MC nổi tiếng đắt show hiện nay. Tuy nhiên, khác với Trấn Thành, con đường trở thành MC của Nguyên Khang không mấy thuận lợi, khiến anh phải đi đường tắt. Nhưng nhờ đó mà anh cũng thu nạp được nhiều kinh nghiệm quý giá hơn cho sự nghiệp của mình.
Với những thành tích hoạt động xã hội tích cực, Nguyên Khang từng được chọn là đại diện cho Trường ĐH Bách khoa TP HCM tham dự chương trình lãnh đạo sinh viên châu Á tại Hàn Quốc và sau đó là Nhật Bản. "Dù là sinh viên nghèo, nhưng ngày đó tôi được đi nhiều lắm- như là đi du lịch mà không mất tiền vậy. Tôi lĩnh hội được nhiều cái hay cái đẹp và cả những thất bại để giúp mình lớn lên. Và quan trọng nhất là càng đi nhiều, tôi càng thấy có nhiều năng lượng và tinh thần lạc quan về cuộc sống. Nhìn lại những hành động của mình thời THPT, tôi thấy mình thật ngu ngốc", Nguyên Khang nói.
Theo Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội