Có 3 người con gái thì cả 3 đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người nói bà là người được phúc từ con cái, bà có thấy vậy không?
Tôi được cái phúc từ con cái. Đi xem tử vi người ta nói số tôi tiền vận sướng, trung vận cháo không có mà ăn, còn hậu vận, qua 40 thì an nhàn cho đến tận lúc chết. Đúng thế thật, dạo nhỏ sống cùng bố mẹ không phải lo lắng gì, đến khi lấy chồng có con cuộc sống khó khăn, nhiều khi phải đi đong gạo chịu, đúng là cháo không có mà ăn, nhưng giờ thì con cái trưởng thành, cuộc sống sung túc, tôi cũng được thảnh thơi, an nhàn.
|
Cuộc sống thảnh thơi của NSƯT Lê Mai trong căn nhà nhỏ trên phố Phan Đình Phùng. |
Dạo đó, Vy đang còn nhỏ lắm, cứ suốt ngày hỏi: “Năm nay mẹ bao nhiêu tuổi rồi?”. Vy hỏi nhiều tới mức tôi phát bực, bảo sao con hỏi tuổi mẹ nhiều thế làm gì? Vy trả lời, xem đến tuổi mẹ được sướng chưa.
Có lẽ cuộc sống của tôi khó khăn quá nên trời bù lại cho 3 đứa con gái, đứa nào cũng ngoan ngoãn, thương mẹ. Nhiều lúc khổ quá tôi đùa với bạn bè rằng, nếu không được bù lại bằng 3 đứa con này chắc tôi ra sông Hồng tự tử rồi.
Trong 3 người con ai là người khiến bà phải chăm lo nhiều nhất?
Tôi sinh Lê Vân năm 1958,
Lê Khanh năm 1963, Lê Vy năm 1967. Khanh mới sinh trông rất đáng thương, sinh thiếu tháng nên chỉ nặng 1,8 kg, đến mức có người dại miệng nói rằng con bé đó chỉ cho vào hộp bánh quy mà đem chôn. Hết thời gian nghỉ đẻ, tôi mang cả Vân và Khanh đi diễn ở Quảng Ninh. Qua Hải Phòng gửi bà ngoại nhờ trông giúp vì cháu đang còn yếu, ban đầu bà ngoại nhận lời, nhưng hôm sau bà trả lại: "Thôi cô mang nó đi theo, tôi nuôi nhỡ nó bị làm sao thì tôi chết”. Lên ca nô nhiều người còn ái ngại, lắc đầu.
Khanh bé quá, da non, mỏng đến mức bị lây ghẻ còn nhìn còn rõ con ghẻ trắng chạy dưới da. Ra đến Quảng Ninh, ba mẹ con đi tắm biển, bị lây ghẻ xấu hổ, phải chọn một khoảng riêng tắm. Thấy tôi cho Khanh xuống nước cho đỡ ghẻ, nhiều người không hiểu xì xào, tưởng tôi dìm chết con bé.
Mang con đi diễn, lúc có vai tôi nhờ người trong đoàn trông hộ, đến khi cô ấy cũng lên diễn không gửi được cho ai, bí quá để luôn Khanh ở bên cánh gà. Khanh bé tí lọt thỏm trong đống trang phục đồ diễn. Thậm chí, có người không biết, khi vào thay đồ còn ném quần áo lên cả người Khanh. Diễn xong lúc vào tìm, không thấy Khanh đâu tô còn phát hoảng. Thế nhưng số Khanh được làm người nên vẫn sống, còn ngày càng phổng phao, xinh đẹp.
Khanh lớn thêm một chút tôi đem Vân và Khanh gửi ở vườn trẻ của Bộ Văn hóa (cách điểm diễn cả vài chục km). Được nghỉ diễn tôi lại đạp xe mấy chục cây số sang thăm con. Vân khi ấy mới 6 tuổi, một mình đội mũ rơm ngồi học trong hầm tránh bom thấy mà thương vô cùng. Lúc về, Vân tiễn mẹ còn bảo, “Mẹ ơi, sao mỗi lần con tiễn mẹ về trong bụng con cứ làm sao ấy”.
Nhiều người cũng đi thăm con nhưng giữa đường thì bị bom chết, lại có người đến thăm con, nhà trẻ bị bom phải về tay không. Mỗi lần gặp bom như thế tôi cứ tấp xe đạp vào gốc cây đứng trốn, may cái chết cũng chừa mình ra.
|
Lê Vân - Lê Khanh - Lê Vy |
Hai vợ chồng đều là nghệ sĩ, đồng lương ít ỏi, lại một nách 3 con, bà đã trải qua những ngày tháng khó khăn đó thế nào?
Thời kỳ ấy nhà nào cũng khó khăn, chứ không phải mình gia đình nhà tôi. Lương ít ỏi, nhiều người trong đoàn kịch còn phải bò nghề đi bán hàng nước. Tôi cũng thuộc diện bị phê bình, “chân ngoài dài hơn chân trong”. Chính tôi lại đi bán đá cho người đồng nghiệp bán nước ấy. Cũng may tôi còn có cái tủ đá để làm đá mà bán. Thậm chí có đá cũng không dám dùng phải để dành bán vì khi nhận lời với người ta rồi thì phải giao cho đủ. Hết nhận làm đá bán cho hàng chè, hàng nước, lại nhận thêm đan len, may vá …Từng cái nhỏ nhặt như thế cộng với số lương để lấy tiền nuôi con.
Cuối tuần người ta đi chơi thì mình cắm đầu vào may vá, đan len, rồi những lúc chưa tới lượt mình diễn lại mang len ra tranh thủ đan. Nhiều khi bị phạt, cắt thi đua khen thưởng cũng chỉ vì làm việc riêng trong giờ, nhưng khó quá đành phải liều vậy. Những lần đi diễn xa còn phải mang len đi, hễ có thời gian là trốn ra một chỗ đan trộm.
Cũng may là cả Vân, Khanh và Vy lớn lên một chút đều đi học các trường nghệ thuật nên tôi cũng nhẹ gánh. Dạo ấy, Vân học múa tận Mai Dịch, được cấp 22kg gạo theo chế độ "bồi dưỡng thanh sắc", ăn không hết Vân lại mang về cho mẹ. Vân lấy chiếc quần buộc ống lại rồi đổ gạo từ cạp xuống, sau đó cõng lên vai, nhảy xe mang về. Nhìn thấy con vừa tội vừa thương.
Ngày đó bà có chịu áp lực khi sinh con một bề?
Ngày xưa thì cũng buồn vì không có con trai, nhưng đến giờ thì thấy mừng quá. Nếu lỡ có một mụn con trai mà nó chơi bời, lêu lổng thì cũng khổ. Ngày ấy cũng không dám đẻ nhiều, mình không diễn thì không có tiền bồi dưỡng, có ai bầu bí còn vác bụng lên diễn được. Sinh con một bề nhưng trời ban phúc, 3 đứa đi học đều giỏi giang và hạnh kiểm lúc nào cũng thuộc hàng “miễn bàn”. Khi 3 đứa đi làm được đồng nào lại mang về cho mẹ. Dạo ấy còn tiêu tiền hào, trước khi đi ngủ tôi cứ để mấy đồng lên cạnh giường, sáng mai mấy đứa dậy đi làm chỉ lấy đúng tiền mua bát mì không người lái.
Tự truyện của Vân chỉ khiến người ngoài xôn xao thôi.
Chia tay chồng – NSND Trần Tiến – khi tuổi đời mới ngoài 30, tại sao bà không tìm cho mình hạnh phúc mới?
Dạo ấy mỗi khi tôi đi làm về là mỗi đứa một bên chạy ra quấn quýt, mẹ nằm giữa con cái xúm xít, ôm ấp xung quanh, thế nên tôi cứ nghĩ nếu đi bước nữa thì con cái thế này để cho ai. Ngẫm lại, đó cũng là cái số. Cuộc đời tôi có hai cái may, thứ nhất là sinh được 3 cô con gái, thứ hai là may không đi bước nữa. Giờ nghĩ lại thấy mừng, nếu như đi bước nừa thì không biết mọi chuyện giờ thế nào.
Tôi và ông Tiến khắc nhau, chia tay rồi nhưng chúng tôi thi thoảng vẫn gặp gỡ, ngồi ăn chung cùng con cháu, nhưng chúng tôi không trò chuyện cùng nhau. Cuộc sống không hợp, bần cùng lắm mới phải chia tay, khi đã chia tay rồi thì cũng chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa.
|
Gia đình NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai trong ngày xum họp |
Lê Vân từng gây xôn xao với cuốn tự truyện "Lê Vân Yêu và sống", trong đó có không ít chuyện "nhạy cảm" của gia đình. Sau lần "vạch áo cho người xem lưng" ấy, mối quan hệ trong gia đình bà có gì xáo trộn?
Người mình vẫn thế, cứ nghĩ viết như thế là vạch áo cho người xem lưng, nhưng tôi coi chuyện đó là bình thường. Không việc gì phải che đậy cả, vì có che thì người khác cũng biết. Tính Vân giống tôi thẳng thắn, có gì nói nấy, sống thế cho thoải mái. Cuộc sống không có ai là hoàn hảo, cái gì cũng có hai mặt, chỉ là mình có nói ra hay không mà thôi. Từ khi Vân ra tự truyện đến giờ gia đình tôi vẫn bình thường, không có gì giận nhau. Ông Tiến cũng thế, sinh nhật con cháu ông vẫn đến vui vẻ. Ông đấy sống thế nào thì người ta cũng biết hết mà, có giấu được đâu. Bên ngoài nhiều người cứ nghĩ sau chuyện đó, gia đình tôi chắc phải thế này thế kia, nhưng thực ra trong gia đình không có gì xáo trộn, vẫn rất vui vẻ, đầm ấm.
Ai trong ba cô con gái hợp với mẹ nhất?
Có lẽ là Vy. Từ nhỏ đến lớn suốt ngày Vy bám lấy mẹ. Khi không ở chung với ông Tiến tôi chuyển xuống bếp ở, Vy thấy vậy cũng ôm quần áo theo sau. Thậm chí, khi theo chồng về Pháp, Vy còn khóc lóc không muốn rời mẹ, đòi về. Tôi bảo “Nếu về thì bỏ chồng à, Vy trả lời, bỏ thì bỏ con cũng về và cứ khóc nức nở. Tôi phải khuyên ngăn, an ủi mãi Vy mới chịu nghe.
Vy sang Pháp, tôi ở một mình gần 2 năm trên Phú Thượng. Nhớ con có lúc vẩn vơ tôi làm thơ thế này: “Nhớ con ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ cháu rồi lại ngẩn ngơ ra vào/ Cơm ngon chẳng nuốt được vào/ Đành lấy xe máy lao vào Hồ Gươm/ Mười cây số phóng trên đường/ Thế là cũng đỡ buồn thương nhớ nhiều/ Café, phở đến tận chiều/ Lại mười cây số đỡ nhiều buồn thương”.
Giờ tôi chuyển về đây, có con cháu ngay sát cạnh còn nhà trên Phú Thượng lại để không, chờ vợ chồng Vy về...
Hiện nay cuộc sống của bà thế nào?
Rời gia đình chị Vân, tôi và gia đình Vy về Phú Thượng sống, đến khi Vy theo chồng sang Pháp, một mình ở trên đó không yên tâm nên Khanh đã bàn đưa tôi về Phan Đình Phùng cho tiện chăm sóc. Tôi bảo không muốn ở chung, thế là Khanh mua cho tôi một căn hộ nhỏ này, có bếp nấu riêng rất ưng ý. Cuộc sống giờ đây thoải mái không có gì phải lo lắng. Nhà Khanh ngay sát cạnh, Vân thì ở Thụy Khuê. Chỉ có Vy là ở xa nhưng không ngày nào là không gọi điện cho mẹ.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Nguyệt Cát