Những dòng bộc bạch cảm động về Ba của ĐD Dũng “khùng”

Google News

(Kiến Thức) - Đạo diễn “Mỹ nhân kế” tiết lộ, ba mình, NV Nguyễn Quang Sáng hay chúc: “Chúc sống cho đến lúc chết” và ông đã sống không hề trải qua bệnh tật trước lúc qua đời.

Trong “Một vài điều về ba” đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bắt đầu bằng chuyện chúc Tết , chúc Thọ và quan niệm sống của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Ba hay chúc: Sống đến lúc chết và ông đã sống như vậy
Anh tự nhận, mình giống Ba mình ở chỗ không quen chúc những câu thói quen mà người ta vẫn hay chúc. Không phải anh muốn tìm thứ đặc biệt, chỉ có là thấy không đúng với lòng hoặc không hợp lý nên tự nhiên nói không được. Đó là lý do, mọi người thường thấy anh chúc rất khô và ngắn kiểu như: Chúc mạnh khoẻ và vui vẻ. Theo Nguyễn Quang Dũng, phải có sức khoẻ và niềm vui mới làm được việc khác. Còn có bao nhiêu thứ khác thì cũng chẳng đổi được 2 điều đó.
 Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh thời.
Nhưng với Ba mình, đạo diễn thấy có một một câu chúc thấy hay và đúng. Anh viết: “Ba hay chúc các bạn bè như vầy: Chúc sống cho đến lúc chết!”. Theo lý giải của Nguyễn Quang Dũng, ba anh không thích câu chúc “sống lâu 100 tuổi”, vì theo ông 100 tuổi xa vời nghe vô lý. Thêm nữa, sống đến 100 tuổi mà vặn vẹo thì cũng chán.
Điều lạ là, câu chúc đó lại đúng với chính Ba anh – nhà văn Nguyễn Quang Sáng. “Ông đã thật sự sống đến lúc chết”, Nguyễn Quang Dũng viết. “Hôm đám tang, anh Lê Quang và chú Mỹ Hà có nói ba mình là Sinh - Tửu - Lão - Tử. Bỏ qua đoạn bệnh. Mà thiệt Ba không có bệnh. Hôm nào anh trai của mình sẽ scan xét nghiệm tổng thể của Ba vài tháng trước khi mất”
Nếu uống rượu chỉ nói chuyện vui
Về chuyện uống rượu của Ba, Nguyễn Quang Dũng cũng tìm ra nhiều điều thú vị. Ông luôn nói với bạn bè: “Tao sẽ uống đến lúc chết”. “Mà cũng đúng thiệt. Ba uống vài ly sau đó đi ngủ thì mất”, Dũng “khùng” xác nhận.
Đó là lý do Ba anh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong mỗi dịp sinh nhật hay tết đều chúc bạn: "chúc anh 5 uống dài dài" hay "chúc anh 5 mạnh khoẻ". “Ông già mình chỉ nói "tao chỉ cần uống đến lúc chết là được", Nguyễn Quang Dũng viết.
Khi Ba 70 tuổi Ba nói với các con rằng: “Bây giờ Ba sống ngày nào là lời ngày đó nha, tụi bây không được bắt Ba kiên cử gì cả, nếu kiêng mà sống được thêm 10 năm thì Ba thà sống 5-7 năm mà vui chơi thoải mái. Tụi con không cần nuôi cơm Ba, lâu lâu nộp rượu cho Ba là được rồi”
Cả đời uống rượu, nhưng theo Nguyễn Quang Dũng, Ba anh có hai nguyên tắc mà lúc đi nhậu chung ông hay nhắc mọi người: Thứ nhất: uống rượu mà nói xấu người vắng mặt, rượu là thuốc độc; Thứ hai: ông hay nói: “Mỗi lần cầm chai rượu ngon chuẩn bị mở nhớ tới thằng nào là thằng đó là bạn thân".
Nhắc về chuyện uống rượu của ba, Nguyễn Quang Dũng nhớ tới một câu chuyện khác: “Ông từng có một người bạn rất thân, rất dễ thương, nhưng không hiểu vì sao có thời gian chú đó mỗi lần uống rượu là hay cà khịa, gây chuyện với người này, người kia trong bàn, chắc lúc ấy chú ấy đang trong giai đoạn bất mãn gì đó. Nhiều lần như thế, Ba mình quyết định "treo ly", tức là không nhậu với chú ấy một thời gian, chừng nào bỏ tật thì thôi. Bởi vì Ba nghĩ nhậu là phải vui”.
Vậy nên, hôm đám tang, nhạc sĩ Lê Quang ông là Tửu Đạo.
 Đạo diễn Quang Dũng, con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong đám tang cha.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng muốn hỏa táng vì… không muốn phiền con
Cũng theo Nguyễn Quang Dũng: “Lúc Ba khoẻ hay nói mai mốt chết như thế nào lắm. Nhưng lúc yếu Ba lại không dặn dò gì khi Ba mất cả. Tôi nghĩ Ba tôi là người cảm nhận về sức khoẻ bản thân rất rõ ràng. Và có lẽ Ba không nói khi cảm nhận điều đó làm cho gia đình lo lắng.
Cũng trong những dòng tâm sự về Ba, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ về mong muốn trước khi ông mất: “Khi còn sống, Ba dặn rằng: Mai mốt Ba chết đám ma không có tụng kinh (dù Ba rất thích đạo Phật), hoả táng xong đem về sông ở quê thả, lúc đó chưa có tượng, sau khi có bức tượng của bạn tặng thì Ba lại đổi ý là để cốt vào tượng để ở nhà, để bạn bè đến uống rượu, vì nếu để trong chùa thì không uống rượu được, rồi đặt người ta làm cái tượng cho Má”.
Lý do nhà văn Nguyễn Quang Sáng không muốn chôn được con trai lý giải: “Mình nghĩ lý do mà Ba không muốn chôn là không thích phiền toái. Vì Ba có chế độ ở nghĩa trang thành phố nhưng sợ phải làm giấy tờ đi xin, khổ gia đình, mắc công gia đình đi thăm viếng xa xôi, mà lúc đó cũng chẳng khá giả gì nên chắc cũng chẳng nghĩ đến chuyện mua đất nghĩa trang để chôn. Nhân đây cũng xin cám ơn Nghĩa trang Bình Dương đã ngõ lời tặng mộ phần Ba tôi nhưng vì lời Ba đã dặn nên không thể làm trái. Vì hồi nhỏ mình không nghe lời Ba nhiều quá rồi”.
Châu Giang