Những bài ca từ máu lửa….sáng lòa
Có lẽ không ai hạnh phúc bằng NS Thuận Yến. Bởi khi hay tin ông dời cõi tạm mà đi, những đồng nghiệp thân thiết và học trò đều chia sẻ về ông bằng những lời đầy cảm phục. NS An Thuyên cho rằng: “Thuận Yến là một nhạc sĩ xuất sắc của nền âm nhạc cách mạng VN. Một người có những bản tình ca vào loại hay nhất. Và không ai vượt qua ông về số lượng ca khúc viết về Bác Hồ mà nổi tiếng”. Còn người vinh dự từng được biên tập những bài hát của NS Thuận Yến gửi từ trong bom đạn về Hà Nội, NS Phạm Tuyên thì khẳng định: “Anh Thuận Yến mất đi, không ai thay thế được anh trong nền âm nhạc nước nhà”.
Những ca khúc Mỗi bước ta đi, Người mẹ miền Nam tay không thắng Mỹ, Màu hoa đỏ của vị nhạc sĩ, chiến sĩ ấy, với An Thuyên đã góp sức vào công cuộc bảo vệ và giải phóng dân tộc. Và nền âm nhạc VN phải ghi ông vào lịch sử, vì Thuận Yến chính là người viết ra những bài ca tuyên truyền mà đầy chất lượng nghệ thuật. Có lẽ vì thế, NS Phạm Tuyên từng kể, ngày phát những ca khúc của ông trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “rất nhiều người trong ban biên tập chúng tôi đã khóc”.
Thế hệ NS đi sau như Lê Minh Sơn thì bảo: “Thuận Yến là một nhạc sĩ đáng được tôn trọng và đáng được ngưỡng mộ”. Anh cũng hạnh phúc khi là người đi sau, tiếp nối, viết những bản tình ca từ chất liệu dân gian được NS Thuận Yến đánh giá cao.
Để lại những “mùa hoa đỏ” để tạm biệt hoàng hôn trong hạnh phúc
NS Thuận Yến ra đi ở tuổi 83 sau 3 năm bị bệnh suy giảm trí nhớ alzhiemer. Những năm tháng cuối đời, dù đã không còn nhận biết được xung quanh nhiều, ông vẫn được sống vui vầy bên vợ, hai con và các cháu. “Mẹ tôi không có gì phải ân hận về cha” là chia sẻ ca sĩ Thanh Lam đã nói trong giây phút ông ra đi.
Cả hai người con ông, NS Trí Minh và ca sĩ Thanh Lam, sau khi ông tạ thế đều chia sẻ một điều giống nhau: “Ông nói rất ít trước khi ra đi, dù con cháu đều có mặt ở bên ông lúc ấy”. Thực ra, thì ông không cần phải nói gì nhiều nữa, bởi cả những điều ông cho đi và nhận lại được đều tràn đầy, cho đến giây phút ông dời xa. Và ngay cả khi ông đi rồi, tình yêu với ông vẫn còn ở lại, con đường ông đi vẫn tiếp tục được nối dài, bởi nói như NS Lê Minh Sơn: “Phần đẹp đẽ hơn nữa ông để lại cho cuộc đời là 2 người con: ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Trí Minh. Cả hai đã tiếp tục thừa hưởng tinh hoa, sự giáo dục và mỹ cảm của ông, và họ đang có những cống hiến rất đáng nể cho nền âm nhạc VN”.
Hiếm có người nghệ sĩ nào đã sống một cuộc đời viên mãn trong hạnh phúc như ông. Khi ông “rất xấu” (ngôn ngữ NS Thanh Hương nói về chồng) nhưng lại được yêu và sống trọn vẹn một đời bên người đàn bà đẹp Thanh Hương. Và người đàn bà đẹp ấy, sau khi chồng vào chiến trận đã xung phong ra trận, bởi chỉ mong nếu có thể sẽ được gặp chồng bất chấp mưa bay, đạn lạc. Họ coi như đã “vào sinh, ra tử” cùng nhau và tình yêu ấy kết thành trái ngọt khi con gái, diva của làng nhạc Việt ra đời giữa bom đạn và bão lửa ấy giữa Trường Sơn. Chính cô con gái ấy sau này đã nối dài sự nghiệp của NS tài danh, bởi cô là người thể hiện hay nhất những bài ca của cha mình viết dành tặng mẹ. Những Em tôi, Chia tay hoàng hôn sau này chính Thanh Lam đã là người mang đến với công chúng.
|
Hình ảnh đẹp của NS Thuận Yến và vợ trong đêm nhạc của chính mình. |
Người yêu nhạc Thuận Yến sẽ mãi mãi lưu trong mình hình ảnh con gái đứng trên sân khâu rưng rưng, ở dưới cha nắm chặt tay mẹ trong đêm nhạc Thuận Yên – Tình yêu không lời được tổ chức năm 2009. Theo chia sẻ của Thanh Lam, chị và em trai Trí Minh dự định tổ chức cho cha thêm một đêm nhạc nữa vào tháng 11.2014 này. Nhưng dự định chưa kịp thực hiện thì cha đã ra đi.
Nhưng có hề gì, bởi nói theo cách của Hồng Nhung thì: “Việc ông mất đi là một sự nuối tiếc, nhưng Hồng Nhung nghĩ ông đã sống hạnh phúc đến giây phút cuối cùng bên những người thân yêu”. Và cô Bống cũng cho rằng, NS Thuận Yến đã chia tay hoàng hôn trong tình yêu trọn vẹn. Sống hạnh phúc và ra đi như ông là được trời Phật rất thương”.
Đúng 10h sáng nay 27/5 lễ viếng NS Thuận Yến được cử hành tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng. Lễ truy điệu ông được tổ chức lúc 12h30. Và 15h30 chiều nay, gia đình sẽ đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Vĩnh Hằng. Hình như, cả gia đình đã đợi đến hoàng hôn để đưa ông về nơi chỉ còn những tình yêu và hạnh phúc.
An Thủy