Nghe tin nhạc sĩ Tô Vũ - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam vừa mới qua đời, nhạc sỹ An Thuyên không khỏi bất ngờ.
|
Nhạc sĩ Tô Vũ. |
Ông chia sẻ: "Nhạc sĩ Tô Vũ được xem là cây đại thụ trên các mặt trận, kể cả sáng tác, đào tạo và nghiên cứu, lý luận, cho nền âm nhạc nước nhà. Cùng với nhóm Đồng vọng, nhạc sĩ Tô Vũ là một trong những người tạo ra nền tân nhạc của Việt Nam, là thành viên đi đầu trong nhóm nhạc mới ấy. Bên cạnh đó, ông cũng là người đặt nền móng sáng lập trường Âm nhạc Việt Nam (nay đổi tên là Nhạc viện Quốc gia).
Công lao to lớn của nhạc sĩ Tô Vũ là đào tạo rất nhiều thế hệ nhạc sĩ, kể cả trong lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu lý luận âm nhạc. Các công trình khoa học của nhạc sĩ có giá trị kể cả với nền âm nhạc dân gian và âm nhạc bác học".
Về mặt tác phẩm, cùng với bề dày sáng tác, theo nhạc sĩ An Thuyên âm nhạc của nhạc sĩ Tô Vũ độc đáo, ngắn gọn, súc tích: "Ông là người ứng dụng hình thức sáng tác của văn minh châu Âu nhưng hơi thở lại đậm chất Việt Nam. Trong đó phải kể đến tác phẩm Như hoa hướng dương...".
|
Nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ về cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. |
Là cây đại thụ của nền âm nhạc, trong đời thường nhạc sĩ Tô Vũ sống hiền hậu, giản dị, là một tấm gương sáng cho các thế hệ nối tiếp. "Ông là người tri thức sống thanh bạch, giản dị. Nhạc sĩ Tô Vũ là người tôi luôn kính trọng, ông giống như một người thầy, người anh, người cha chú của mình" - nhạc sĩ An Thuyên xúc động nói.
Cũng giống nhạc sĩ An Thuyên, bất ngờ trước thông tin cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam qua đời,
nhạc sĩ Nguyễn Cường hỏi dồn: "Ông mất lâu chưa?".
Cha đẻ của hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng viết về Tây Nguyên đã dành những lời kính trọng khi nhắc đến nhạc sĩ Tô Vũ: "Nhạc sĩ Tô Vũ là người tri thức lớn của âm nhạc Việt Nam. Cùng với trường Âm nhạc Quốc gia ông còn là một trong những người sáng lập trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Tô Vũ phải kể đến: "Cấy chiêm", "Nhớ ơn Hồ Chí Minh"...".
Với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Tô Vũ là người vui vẻ, dễ gần. Anh chia sẻ: "Nhạc sĩ Tô Vũ cùng thế hệ với cha tôi - nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông sinh năm 1923, cha tôi sinh năm 1922. Bởi vậy, mỗi lần gặp ông tôi chào bác, ông đều cười rất tươi, bảo rằng chỉ gọi là chú thôi, vì chú ít tuổi hơn bố cháu.
Dạo ấy tôi lên 7, 8 tuổi, học cùng với Hoàng Hoa - con gái nhạc sĩ Tô Vũ, bởi vậy, tôi có nhiều dịp đến chơi nhà nhạc sĩ. Tôi còn nhớ khi ấy ông sống trong một ngôi nhà thanh bình tại phố Ngọc Hà. Ông là người luôn vui vẻ, hoạt bát, đặc biệt là có trí nhớ rất tốt. Khi về già ông vẫn nhớ những chuyện thời xưa, kể cả đợt lên Việt Bắc cùng Văn Cao...".
Đánh giá những đóng của nhạc sĩ Tô Vũ với nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: "Nhạc sĩ là người nổi tiếng sớm, những tác phẩm của ông khi ra đời đã được nhiều người yêu thích, đón nhận. Không chỉ sáng tác ca khúc theo âm hưởng dân tộc, nhạc sĩ Tô Vũ còn soạn rất nhiều nhạc cho hòa tấu nhạc chèo, tuồng, cải lương. Trong đó, tác phẩm "Nông thôn đổi mới" viết năm 1960, cho đến nay vẫn là một tác phẩm có giá trị.
Bên cạnh đó, có thể nói nhạc sĩ Tô Vũ là một người thầy theo đúng nghĩa, một người thầy tận tụy. Sau này, rất nhiều học trò của ông đã trở thành nhưng nhà âm nhạc hàng đầu của Việt Nam".
"Nhạc sĩ Tô Vũ là một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt. Ít có người toàn năng, toàn tài, toàn tâm, toàn ý với âm nhạc được như ông. Rất may sau này, những người con của nhạc sĩ Tô Vũ đều theo nghiệp cha cũng hết lòng vì âm nhạc" - nhạc sĩ Hồng Quân chia sẻ.
Với những đóng góp to lớn của mình cho nền âm nhạc nước nhà, sự ra đi của nhạc sĩ Tô Vũ đã để lại niềm kính trọng, tiếc thương trong nhiều thế hệ nhạc sĩ và những người yêu nhạc trong cả nước.
Sau thời gian lâm bệnh nặng, nhạc sĩ Tô Vũ qua đời vào 3g30 phút sáng 13/5 tại nhà riêng. Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 8g đến 15g ngày 14/5, sau đó linh cữu nhạc sĩ được đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa lúc 17g cùng ngày.
Nguyệt Cát