Trong khi tại khắp các vùng biển Việt Nam, cá chết như ngả rạ, tình trạng ô nhiễm do xả thải của các nhà máy, khu dân cư ra biển đã ở tình trạng báo động, thì chúng ta có cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam, như một động thái góp phần tuyên truyền thiết thực bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng như người đẹp Top 5 Nguyễn Đình Khánh Phương đã trình bày trong phần thi ứng xử: “Đây là cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn cũng như trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam”, những người đẹp dự thi đều mong được tỏa sáng, giành ngôi vị cao để đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp hình thể của các mỹ nữ dự thi quả thật “không chê vào đâu được” theo những chuẩn khuôn vàng thước ngọc đã được ban tổ chức đưa ra, nhưng vẻ đẹp trí tuệ hình như chưa có quy chuẩn nào để đánh giá.
|
Á hậu 1 Nguyễn Thị Bảo Như trả lời "lạc" chủ đề. |
Bởi vậy nên phần thi ứng xử hoa hậu - phần thi được công chúng mong đợi nhất và cũng là phần thi quan trọng nhất, quyết định người đẹp nào sẽ được đăng quang – thì lại làm công chúng đi hết từ thất vọng này đến thất vọng khác.
Có thể nói, 5 người đẹp tham gia phần thi ứng xử, chưa một người đẹp nào trả lời đúng và đủ những câu hỏi được đặt ra cho mình. Khán giả cứ dỏng tai nghe, nghe mãi, mà vẫn cảm thấy có gì đó chưa trúng, chưa thỏa mãn, thậm chí là “tức anh ách” vì những câu từ sáo rỗng, trùng lắp và không có nội dung của các người đẹp. Song tệ nhất phải kể tới phần trả lời của hai người đẹp đạt ngôi vị cao nhất là: Hoa hậu Phạm Thùy Trang và Á hậu 1 Nguyễn Thị Bảo Như.
Trong khi Bảo Như hoàn toàn lạc đề khi nhận được câu hỏi về đảo Tuần Châu mà lại chỉ trả lời về vịnh Hạ Long; thì Thùy Trang lại có một câu trả lời ấp úng, lúng túng như “không thuộc bài” cũng về vịnh biển nổi tiếng này.
|
Hoa hậu biển Việt Nam 2016 Phạm Thùy Trang có phần thi ứng xử vòng vo, lủng củng chưa xứng tầm trí tuệ của một hoa hậu. |
Nếu như ngoại hình là một điểm cộng, thì ứng xử lại là một điểm trừ rất nặng làm hình ảnh của các người đẹp xấu đi trong mắt công chúng. Và thật tệ khi nói rằng các người đẹp có thể đại diện cho trí tuệ của người phụ nữ Việt.
Vẫn biết rằng dưới áp lực nặng nề của một cuộc thi, khó có người đẹp nào có thể “mười phân vẹn mười”, nhưng bên cạnh sự chăm chút cho nhan sắc, ngoại hình, thiết nghĩ, các người đẹp dự thi cũng nên dành sự quan tâm cho việc trau dồi kiến thức, tập luyện hùng biện... để không trở thành những “bình hoa di động” trên sân khấu, và đặc biệt là không để câu nói đầy mỉa mai “chân dài não ngắn” có cơ hội được chứng minh trên truyền hình.
Thi ứng xử ngây ngô, lạc đề... vốn là “căn bệnh khó chữa” của rất nhiều cuộc thi người đẹp trong nước. Ngày nay, các cuộc thi nhan sắc không còn “hữu danh vô thực” như trước, những người đẹp sau khi đăng quang đều phải có một trách nhiệm, đóng góp nhất định đối với xã hội, để làm được điều này, người đẹp phải thực sự “đẹp” cả về ngoại hình, tâm hồn, trí tuệ và năng lực ứng xử.
Người thưởng thức cái đẹp đã tiến bộ vượt bậc, đòi hỏi cái đẹp cũng phải được nâng tầm và những người đẹp, để xứng đáng với danh hiệu, vị trí của mình và sự kì vọng của công chúng, cần thể hiện được một trí tuệ xứng tầm.
>>> Xem phóng sự đồng hành cùng Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 (nguồn YouTube):
Theo Vũ Thi/ Phunuonline