Truyền hình thực tế: hay và dở

Google News

“Phải có đàn ông, cuộc đời tôi mới có hạnh phúc!”, một người phụ nữ mang biệt danh New York sau khi xem chương trình ElimiDate thốt lên.

Giờ đây, dường như mỗi khi mở Tivi lên,  khán giả lại bắt gặp sự xuất hiện của một loạt các Reality TV - chương trình truyền hình thực tế mới, chủ yếu bắt nguồn từ các nước phương Tây có nền công nghiệp truyền hình giải trí phát triển. Không phủ nhận là có những chương trình hay, có tính trí tuệ cao – nhưng rõ ràng là có rất nhiều chương trình ngớ ngẩn, nhạt nhẽo, phản giáo dục đến khó hiểu. Bất kỳ một chương trình truyền hình nào cũng có điểm hay và dở, vậy ta nhìn nhận nó như thế nào để thấy được mặt tích cực và chưa tích cực của nó?
Nấm mọc sau mưa
20 năm trước, nếu bạn nói “Tôi muốn xem MTV !”, có nghĩa là bạn muốn được xem những video clip ca nhạc. Nhưng giờ đây, trên những kênh giải trí của MTV, các video ca nhạc đó đã lùi lại phía sau, nhường ngôi cho các chương trình thực tế phô diễn cả ngày lẫn đêm. Trên kênh MTV cũng như các kênh truyền hình khác hướng tới đối tượng thanh thiếu niên, định dạng của các chương trình thực tế trước đây đều đã được xây dựng lại nhằm phục vụ nhu cầu của lớp khán giả trẻ tuổi hơn. Chúng ta đang được xem những gì? Các chương trình hẹn hò, làm quen, những câu chuyện tình yêu, những cuộc thi hát, khiêu vũ...
Chương trình truyền hình thực tế Dancing with the Stars. 
Tính giải trí của những chương trình truyền hình thực tế đem lại là không thể phủ nhận, tuy nhiên những hạt sạn trong nội dung những chương trình đó thì không hẳn ai cũng thấy được. Phần lớn các reality show đều có khá nhiều “vấn đề”, không chỉ với những người chịu trách nhiệm sản xuất và tham gia vào chương trình mà cả với khán giả, những người đang hàng ngày bị gắn chặt vào màn hình bởi sức hút vô hình của chúng. Bạo lực, lời lẽ thô tục, bóp méo sự thật, những trò chơi mạo hiểm, ngu ngốc và các chiêu thức quảng cáo rẻ tiền… là những gì khán giả nhận được khi thưởng thức cái gọi là “món ăn tinh thần” mà nhiều chương trình truyền hình thực tế hiện nay mang lại.
Trò lố hay những hạt sạn…
Không chỉ gây ảnh hưởng tới từng cá nhân, nhiều show truyền hình thực tế còn làm méo mó nhận thức của cả xã hội về một vấn đề nào đó. Hãy xem chương trình The Real World, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh một người đàn ông da đen với thái độ cáu kỉnh, một phụ nữ da trắng yếu đuối, dễ dao động, hay một cậu thanh niên trai trẻ lúc nào cũng ở trong trạng thái “hứng tình”. Show Flavor of Love cũng tương tự như vậy - chương trình này xây dựng hình ảnh một người đàn ông da đen xuất hiện liên tục với món gà rán nhồm nhoàm trong miệng hay rượu bia đổ lênh láng ra sàn nhà như một cách để thể hiện tâm trạng buồn bực. Mặc dù hiển nhiên, đây không phải là những hình ảnh tiêu biểu mang tính đại diện, nhưng vô hình chung, nó đã tạo nên một nhận thức lệch lạc, nhất là đối với đông đảo tầng lớp khán giả “trẻ người, non dạ” về lối sống, suy nghĩ và văn hoá của những thành phần khác nhau trong xã hội hay của những nền văn hoá xa lạ khác trên thế giới.
 Chương trình truyền hình thực tế Flavor Of Love. 
Hơn thế nữa, một vài chương trình truyền hình thực tế thậm chí còn tỏ ra cổ xúy cho một vấn đề nhạy cảm như hiện tượng phân biệt đối xử về giới. Bạn sẽ thấy hình ảnh các phụ nữ xuất hiện trong một số show như Next hay ElimiDate bị biến thành những con người yếu đuối, thụ động và phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới ra sao khi chứng kiến cảnh họ tìm mọi cách “giành giật” cho được một người đàn ông. Thậm chí một phụ nữ mang biệt danh New York đã từng đăng kí tham gia tới ba chương trình hẹn hò và tìm kiếm tình yêu để tìm cho được một người đàn ông ưng thuận cô, bởi như cô phát biểu: “Phải có đàn ông, cuộc đời tôi mới có hạnh phúc!”. Rõ ràng, đối với những cô bé, cậu bé mới lớn, kiểu chương trình như vậy hoàn toàn không hề phù hợp mà ngược lại còn ảnh hưởng tiêu cực tới cách nghĩ và lối sống sau này của chúng.
Chương trình truyền hình thực tế EmiliDate gây tranh cãi. 
Chưa hết, khía cạnh “thực tế” của các reality show liệu có đáng phải xem xét lại không khi một mặt, các nhân vật tham gia luôn được yêu cầu phải thể hiện mình thật tự nhiên trước ống kính máy quay, mặt khác mọi yếu tố xuất hiện trong chương trình lại đều đã được dàn dựng sẵn từ trước: Sau khi được tuyển lựa (chứ không phải bốc thăm), người chơi được cung cấp sẵn thông tin về chương trình từ bạn chơi, địa điểm, tình huống cho đến các hoạt động cần có; các cảnh quay nhiều khi không diễn ra theo trình tự tự nhiên (nhằm mục đích tiết kiệm chi phí sản xuất). Trong những trường hợp đó, khía cạnh “thực tế” có lẽ cần được thay thế bằng cụm từ “thực tế được hư cấu” xem ra sẽ hợp lý hơn.
Nguồn: Truyền hình An Viên (http://truyenhinhanvien.vn)