Gặp lại ca sĩ Tùng Dương, tôi không còn nhận ra hình ảnh người đàn ông cạo trọc tóc ma mị trong một album cách đây 5 năm. Bước sang tuổi mới, Tùng Dương đang cựa mình, thay đổi từ diện mạo đến nội tâm, để rũ bỏ lại tất cả những nghi hoặc, bồng bột và vụng dại,... để chào đón tuổi 30 – tuổi của người đàn ông trưởng thành.
|
Tùng Dương từng được nhắc tới với sự "quái" cả trong âm nhạc và trang phục. |
Những cuộc tri giao
Mới đây, sau concert Độc Đạo, anh có viết trên facebook cá nhân rằng: “Chúng ta đi xa bao nhiêu trong đời ít quan trọng bằng những người chúng ta gặp dọc đường...”. Tôi có chung niềm đồng cảm ấy. Xin hỏi, cuộc gặp với Nguyên Lê giúp anh thỏa mãn điều gì ở trong mình?
Bản chất người nghệ sĩ rất nhạy cảm. Khi hai tâm hồn nghệ sĩ gặp nhau, và tìm thấy sự đồng điệu thì dù không gặp gỡ thường xuyên vẫn có thể coi là tri giao. Cuộc gặp gỡ giữa tôi với Nguyên Lê là một cuộc tri giao như thế.
Nhưng không phải đến khi gặp Nguyên Lê, tôi mới biết đến thứ âm nhạc này, mà thứ nhạc anh Lê theo đuổi, đã ở trong tâm thức của Tùng Dương từ rất lâu rồi. Tôi đã trải qua nhiều sự tìm kiếm, và thực sự không thể tưởng tượng nổi, một ngày mình có thể cất lên tiếng hát trong không gian âm nhạc ấy, với một thần tượng mình từng nghĩ khó có thể gặp ở ngoài đời.
Anh vừa nói, bản thân đã phải tìm kiếm rất nhiều để nhận ra, cuộc gặp với Nguyên Lê là một cuộc tri giao. Vậy những cuộc tìm kiếm trước đây có điều gì khiến anh nuối tiếc?
Cuộc sống luôn xảy ra những điều luyến tiếc. Có những giây phút mình phải nói “giá như” để có lúc nhận ra sự không trọn vẹn trong hạnh phúc. Nhưng tôi thấy mình may mắn vì những cuộc gặp dường như chưa bao giờ lỡ nhịp. Bởi nếu gặp anh Nguyên Lê sớm hơn chắc chắn tôi không làm được những điều như hiện tại. Khi ấy, có thể sự từng trải chưa đủ, sự tìm tòi chưa đủ để thấu suốt những thứ trong mình.
Tôi thấy, điều quan trọng nhất của những cuộc gặp trong đời là tính thời điểm. Và nhìn lại, tôi thấy những cuộc gặp gỡ trong âm nhạc của mình đều có được yếu tố thiên thời ấy. Tôi gặp anh Lê Minh Sơn ở cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn” - đúng thời điểm anh ấy thăng hoa rực rỡ với những ca khúc dân gian đương đại. Tôi gặp Trần Tiến hơi muộn, nhưng lại khai thác được mảng âm nhạc tâm linh của vị nhạc sĩ này: Mưa bay tháp cổ, Sen hồng hư không. Cuộc gặp với nhạc Đỗ Bảo cách đây mấy năm đã khai phá được phần khuất nhất, gai góc nhất trong anh ấy.
Xem những clip cũ qua youtube, tôi từng nhiều lần thảng thốt về cách trình diễn, cách ăn mặc của chính mình. Tôi không hiểu sao có thời mình lại cạo trọc tóc, hát những ca khúc kiểu như Nhức nhối và Nỗi khát… Tại sao có giai đoạn mình lại đi chân đất hát Con cò… Bây giờ nếu bắt làm lại, tôi không làm được
Sau này, gặp anh Nguyễn Công Phương Nam làm “Liti”, tôi được đánh thức chính bản thân mình khi đối diện với những công nghệ hiện đại nhất. Trong nghệ thuật người ta thường nhắc tới những cuộc gặp gỡ định mệnh. Tôi thấy mình cũng không nằm ngoài quy luật đó khi tạo được dấu ấn với nhiều nhạc sĩ. Sự gắn kết đó không đến từ lý trí, mà là sự gặp gỡ của cảm xúc, và vì thế tôi trân trọng!
Từng trải qua những giai đoạn chống chếnh.
Anh nói bản thân không có những nuối tiếc, tôi khó tin lắm. Bởi nếu không thấy mình sai, chưa thấy mình dại, tôi không tin người ta có thể trưởng thành?
Tôi không tiếc nuối, vì tôi thấy vấp váp, sai lầm là chuyện tất yếu phải trải qua trong cuộc sống. Ngay cả lúc này, tôi vẫn đón nhận cả những thành công và sai lầm. Tôi đã từng trải qua những giai đoạn thực sự chống chếnh. Chẳng hạn thời điểm thu âm Những ô màu khối lập phương (2008), tôi cảm thấy mình đang đi một con đường hẹp và cô đơn.
Nhưng đi qua giai đoạn đó tôi nhận ra, cuộc sống nghệ sĩ có thế giới ảo của riêng mình, con người khi ấy có giai đoạn chân không chạm đất, nhưng mình buộc phải đối diện với những mộng mị riêng để một ngày thiết thực hơn. Như bây giờ, tôi vẫn ở trong thế giới ảo đó, nhưng đã có cái nhìn bao quát hơn, để thay vì ngồi nuối tiếc, mình nhận thấy những thứ trải qua là tất yếu. Đời con người ta luôn là “dại rồi mới nên khôn”, nhưng tôi lại muốn mình mãi có thể trong sáng. Dù thực tế, con người phải chấp nhận ngày càng già dặn hơn, từng trải hơn.
|
Tùng Dương bây giờ ngày càng lịch lãm, cái quái bên ngoài đã nhường chỗ cho sự quái trong tư tưởng. |
Thời gian gần đây tôi nghe album mới của Sting (ca sĩ, nhà soạn nhạc, diễn viên người Anh, từng được Tạp chí Âm nhạc Billboard tặng giải thưởng “Thế kỷ”), tôi nhận ra, con người ta không thể lấy lại thời gian được nữa. Trong đời, có những người luôn tạo ra những giá trị mới, sự sáng tạo lũy tiến theo thời gian và tôi mong ước một ngày mình cũng làm được như con đường Sting đang đi. Đến một tuổi nào đó, mình thực sự nổi loạn trong suy nghĩ, tư tưởng của mình. Sự nổi loạn khi ấy không còn chỉ là cái nhìn thấy, mà phải là cái cảm thấy.
Định luật bảo toàn năng lượng đã chỉ ra mọi thứ luôn không mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Ở trường hợp Tùng Dương, trước đây người ta hay nhắc tới sự “quái” vì anh ăn mặc lập dị, biểu diễn khác người. Bây giờ anh đã tiết chế hơn, vậy cái “quái” đó giờ đã chuyển hóa đi đâu?
“Quái” theo khái niệm là những thứ khác thường. Tôi là người luôn tạo ra những style khác biệt. Nhưng “quái” trong tư tưởng nó mới gần với bản ngã của mình hơn. Và cái “quái” đó mình phải tự khơi ra cho chính bản thân mình, thông qua sự tác động của những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, tôi bỗng như tìm thấy những nhánh rẽ khác trong mình như một cái cây đang lớn.
Còn cái “quái” bề ngoài mà ai cũng nhìn thấy, tôi cho rằng, tôi không khác biệt với bao người trẻ khác, cũng trải qua những giai đoạn ngông cuồng, thay vì chọn lối đi an toàn, tôi phá cách. Nhưng trong phá cách ấy cũng có sự điều chỉnh dần dần. Chẳng thế mà bạn tôi bảo: “Cái quái trong ông đã chuyển sang cấp độ mới”. Nghĩa là mình vẫn thế thôi, nhưng không còn phô hết mọi thứ ra bên ngoài nữa, mà đã tìm được cách biểu đạt từ bên trong. Bây giờ, tôi nghĩ cái “quái” đó đã đi vào bên trong.
Giờ nhìn lại, anh có cảm thán gì về cái “quái” bề ngoài, khi anh còn trẻ rất trẻ và rất ngông cuồng ấy?
Xem những clip cũ qua youtube, tôi từng nhiều lần thảng thốt về cách trình diễn, cách ăn mặc của chính mình. Tôi không hiểu sao có thời mình lại cạo trọc tóc, hát những ca khúc kiểu như Nhức nhối và Nỗi khát (các ca khúc của Ngọc Đại, phỏng thơ Vi Thùy Linh). Tại sao có giai đoạn mình lại đi chân đất hát Con cò ( ca khúc của Lê Minh Sơn). Bây giờ nếu bắt làm lại, tôi không làm được.
Tôi biết, không phải ai cũng dám phủ nhận chính mình. Tôi không phủ nhận hoàn toàn bản thân mình, vì con người mình vẫn ở đấy, nhưng tôi nghĩ phải có một lý trí sáng suốt để trước tiên thấu đáo chính mình.
Chờ đợi cú “mở toang”
Anh hay kể về những chuyến đi, và các sản phẩm của Tùng Dương bao giờ cũng là kết quả của một chuyến đi, một cuộc gặp gỡ nào đó. Nhưng trong đời mình, có cuộc gặp nào khiến anh ở giây phút đó nghĩ rằng mình đã tiệm cận đến chân lý, nhưng khi đi qua anh mới nhận ra mình đã nhầm. Lần này, anh sẽ không khéo léo và vo tròn mình được chứ, để nói về một thất bại nào đó mà anh từng tung hô?
Khi tôi dấn thân vào âm nhạc Ngọc Đại với những bài hát âm tính, tôi cũng từng tưởng như gặp được mình. Rồi tôi nhận ra, những bài hát đó mới chỉ giúp mình thể hiện được cái gì đó mang tính bề mặt. Tới lúc này tôi nghĩ mình mới giao du với một nhạc sĩ tài hoa thôi chứ không nghĩ thế giới âm nhạc đó thuộc về mình. Dù thế giới đó Hà Trần rất thành công.
|
Từng hát các ca khúc Ngọc Đại thành công, nhưng Tùng Dương giờ đủ trưởng thành để nhận ra, đó không phải là con đường để khẳng định cái tôi của chính mình. |
Tôi nhận ra rằng, thế giới mình muốn khám phá không chỉ là tình yêu đôi lứa, dù tác phẩm của Ngọc Đại, phổ thơ Vi Thùy Linh là khát khao của người đàn bà yêu không giấu diếm, cũng là một giá trị bất biến, đáng trân trọng.
Mới đây, gặp lại Ngọc Đại, tôi nói với ông rằng: “Sau này chú viết một cái gì đó, trên hết tất cả những thứ đã viết đi. Những bài ca chú viết, hay kể cả như Thằng Mõ mới đây vẫn là những thứ mà chú đang dằn vặt. Khi nào chú “thoát xác” thì cháu sẽ lại hát ca khúc của chú”. Và tôi đang chờ đợi cú “mở toang” của Ngọc Đại.
Tôi nghĩ ai cũng muốn mình được mở toang, nhưng không phải ai cũng mở được những cánh cửa ấy cho mình. Với anh, ai, cái gì đã giúp anh mở được các cánh cửa trong mình?
Vẫn là những cuộc gặp, những chuyến đi. Khi tôi đi xem liveshow của một người khác, có thể tôi cũng học được một điều gì đó. Nếu chỉ nhìn vào một mình mình, con người sẽ chỉ thấy sự u tối. Rất nhiều người vỗ ngực nhưng họ không biết họ đã tụt hậu với thời thế, mà họ không nhận ra.
Còn bản thân mình, tôi từng thấy Những ô màu khối lập phương rất đẹp, nhưng tôi phải nhận thấy vẻ đẹp của giai đoạn đó qua rồi và mình phải đi tìm mình ở những ngả rẽ khác, con đường khác.
Vậy bước sang tuổi 30, anh tìm thấy điều gì ở những năm tháng trước, và có hy vọng gì ở phía bên kia, khi đã thực sự trưởng thành?
Tôi nghĩ tôi đã biết mình muốn gì. Và sau tuổi 30 bản thân không cho phép không biết mình muốn gì.
30 tuổi, tôi tìm thấy một con đường, đủ tự tin rằng, con đường ấy sẽ giúp mình mở toang các cánh cửa trong bản ngã, để có thể hiểu mình hơn, giúp mình nói lên tiếng nói của lý tưởng sống trong mình.
30 tuổi, tôi cũng đủ nhận thức để hiểu, tìm ra con đường đi rất quan trọng, nhưng nếu cứ mãi ở trên đó, một ngày mình sẽ thành người luẩn quẩn. Vậy nên, dù mỗi người đều có những giới hạn riêng của bản thân, nhưng thà mình đi hết giới hạn lý tưởng của mình, dù thất bại, và dù khi chết đi mình vẫn không chạm được đến điều mình tìm kiếm, thì khi đó cũng không gì còn hối tiếc.
30 tuổi, tôi sẽ đi tìm sự hoàn hảo ở chặng đường dài phía trước, cho dù không bao giờ tìm thấy thì ít nhất nó sẽ vẫn là một nhu cầu tất yếu, nhu cầu được sáng tạo, được khám phá bản thân của một người nghệ sĩ.
Và ở tuổi này khi gặp bất cứ vấn đề nào cũng không được cho phép mình đầu hàng hay bỏ cuộc. Tôi tin cuộc đời luôn nằm ở phía sau: Thì tương lai.
Cảm ơn những chia sẻ của Tùng Dương và chúc anh sang năm mới sẽ mở toang được nhiều cánh cửa cuộc đời!
Theo V.Style