Trong chương trình BHYT, màn biểu diễn Ngẫu hứng sông Hồng của ca sĩ Hồng Nhung đã nhận được những phản ứng trái chiều, trong đó nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có cho rằng cách dàn dựng và biểu diễn tiết mục đã làm "tanh bành" ca khúc của Trần Tiến. Là người đạo diễn tiết mục, anh cảm thấy thế nào trước ý kiến này?
Cần tôn trọng mọi ý kiến của khán giả và cũng không nên biến một việc rất đỗi bình thường (một comment trên facebook vốn chỉ được coi là quan điểm cá nhân) thành một vấn đề (vì nếu các bên liên quan không cẩn trọng trong phát ngôn vô hình chung sẽ tạo ra một khủng hoảng về truyền thông không đáng có về một vấn đề cũng không đáng có).
|
Tiết mục Ngẫu hứng sông Hồng trong chương trình BHYT |
Anh có thể chia sẻ ý nghĩa những yếu tố anh sử dụng khi dàn dựng tiết mục như: chữ Thọ, đôi hạc và hai vũ công nam đeo mặt nạ và tại sao anh lại chọn những biểu tượng này để dàn dựng cho tiết mục?
Trong phạm vi chỉ một bài phỏng vấn này sẽ rất khó để trả lời về một vấn đề mà có lẽ phải cần đến cả một chuyên mục, chưa kể những gì tôi nêu ra xét trên khía cạnh phải thoả mãn được tất cả các quan điểm là bất khả thi vì mỗi người sẽ có một quan điểm nghệ thuật khác nhau.
Thêm nữa, rất khó để có được cảm nhận trọn vẹn về một tiết mục biểu diễn live trên sân khấu khi mà bạn không có mặt tại đó. Với công nghệ hiện đại chúng ta có thể ngồi ở nhà để xem trực tiếp các buổi liveconcert lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới nhưng mỗi khi có điều kiện chúng ta vẫn sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để được trực tiếp có mặt tại mỗi buổi trình diễn. Có thể đây là lý do tại sao một số khán giả xem truyền hình tiết mục Ngẫu hứng sông Hồng lại không có cùng cảm nhận với đa số những thành viên hội đồng bình luận và khán giả tại hiện trường.
Việc sân khấu hóa đối với Ngẫu hứng sông Hồng – một ca khúc giản dị viết về khung cảnh ở dải cát sông Hồng với thằng bé mặc quần cộc cởi trần chạy theo cha, đã khiến ca khúc trở nên xa lạ với công chúng và với chính bản thân nội dung ca khúc, anh nghĩ sao về điều này?
Mỗi người đều có một cách cảm riêng về một tác phẩm nghệ thuật và tìm cách thể hiện nó theo cách của mình chứ không nhất thiết lần nào thể hiện một ca khúc cũng phải giống nhau, miễn sao việc sáng tạo nghệ thuật không đi ra ngoài phạm trù văn hoá cho phép chưa kể các ý kiến dù khen hay chê chỉ đều dựa trên cảm tính.
Lời chê của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có khiến anh mất ngủ?
Như đã nói ở trên, không nên làm trầm trọng hoá một vấn đề hết sức bình thường đó chính là phản biện. Chúng ta cần cùng nhau hình thành một văn hoá phản biện và lắng nghe những ý kiến phản biện với một tinh thần cầu thị. Nhân đây tôi cũng xin được thay mặt ekip gửi lời cảm ơn tới nhạc sĩ Trần Tiến khi ông đã quyết định không tham gia vào vào việc bình luận những gì chúng tôi đã thực hiện với ca khúc của ông mặc dù ông có quyền làm điều đó.
|
Đạo diễn trẻ Việt Tú |
Không phải sự sáng tạo nào cũng mang lại kết quả và được chấp nhận, anh đánh giá thế nào về lần sáng tạo này của mình?
Với người nghệ sĩ, công việc của họ là phải sáng tạo, còn việc đánh giá nên dành cho khán giả thì mới khách quan. Nếu người làm công việc sáng tạo lúc nào cũng chỉ chăm chăm hướng tới điều an toàn, tròn trịa thì đời sống nghệ thuật sẽ rất buồn tẻ và thiệt thòi cho người thưởng lãm. Với riêng tiết mục “Ngẫu hứng sông Hồng” để có được đánh giá khách quan nhất là bạn có thể tập hợp các ý kiến thông qua Google cũng như xem lại phần review của truyền thông sau đêm diễn.
Là một nhà sản xuất âm nhạc, với anh điều gì là quan trọng?
Khán giả, thị hiếu khán giả là rất quan trọng. Vì vậy để có một môi trường âm nhạc tử tế cần sự chung tay góp sức của rất nhiều ngành nghề trong xã hội chứ không chỉ trông chờ vào giới làm nghệ thuật và các nhà sản xuất âm nhạc nói riêng.
Luôn tìm đến cái mới, làm theo cách khác người, có phải là điều mà anh hướng đến?
Tôi hướng đến những gì làm khán giả của mình hài lòng, còn mới hay cũ, khác người hay không chỉ là công cụ mà thôi.
Từng chia sẻ, nghề của mình mạo hiểm và đầy rủi ro như ... cưa bom, vậy điều gì khiến anh gắn bó với nghề "nguy hiểm" này đến như vậy?
Vì ngoài công việc “nguy hiểm” này ra thì tôi chẳng biết làm gì khác cả.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Nguyệt Cát