Ngày bà ra đi, nhiều đồng nghiệp, học trò đáng tuổi con đã tiếc thương cho một đời nữ nhi, tài giỏi mà bất hạnh
Ba người đàn ông và những chữ…”không”
Có mối tình đầu đời nồng nàn với cố nhạc sĩ Tử Phác, đạo diễn Bạch Diệp được coi là “nàng thơ” để ông viết nên những ca khúc Mưa bay, Lá reo, nhưng cuộc tình này đã không mang đến một kết thúc đẹp. Không ai biết rõ lý do nhưng sau khi chia tay, nhạc sĩ tài hoa lấy một người phụ nữ khác, và tên bà được nhạc sĩ lấy đặt cho con gái mình.
Với Xuân Diệu, dù mang tiếng là người vợ duy nhất của nhà thơ nhưng bà đã không có “đời sống vợ chồng” thực sự. Lấy Xuân Diệu ở tuổi 27, lúc ấy đối với phụ nữ cũng đã là cao tuổi lắm nhưng Bạch Diệp vẫn vô tư và hồn nhiên. Khi về sống chung một nhà bà mới vỡ lẽ...
Chuyện quá khó nói, Bạch Diệp không biết kể cùng ai nên đành về khóc với bố. Bố nghệ sĩ Bạch Diệp chính là người đứng ra tháo gỡ mối quan hệ khó nói của hai người, ông chủ động nói chuyện với con rể và để hai người chia tay nhau. Sau này, bà vẫn kể với mọi người rằng dù chia tay nhưng bà vẫn thương Xuân Diệu rất nhiều, song không thể sống cùng nhau vì vấn đề tế nhị khó nói.
|
Đạo diễn Bạch Diệp
|
|
Bà Bạch Diệp và nhà thơ Xuân Diệu hồi trẻ.
|
Sau chia chia tay với nhà thơ nổi tiếng, đạo diễn Bạch Diệp lên duyên vợ chồng chính thức với một người không làm nghệ thuật, ông Nguyễn Đức Tường vào năm 1975. Ở mối tình này, Bạch Diệp được yêu thương và hưởng những ngày tháng mặn nồng.
Nhưng đời sống vợ chồng của Bạch Diệp với chồng không kéo dài được bao lâu. Sau 15 năm sống chung, ông bị ung thư và mất. Họ không hề có một người con chung bởi sau một lần sảy thai, nghệ sĩ Bạch Diệp đã không thể có con nữa. Tính đến nay đã hơn 20 năm sau ngày chồng mất, bà phải sống một mình. Tuy thế, tình yêu của bà dành cho chồng vẫn nguyên vẹn. Theo nghệ sĩ Minh Châu, trong mọi câu chuyện kể của bà bao giờ cũng được bắt đầu bằng “Chú Tường ngày xưa”, khiến Minh Châu dù chưa được gặp người đàn ông ấy ngoài đời vẫn cứ cảm thấy đó là một người thân thiết.
Cũng theo nghệ sĩ Minh Châu, dù là người thuộc thế hệ cũ nhưng Bạch Diệp có quan niệm về tình yêu rất hiện đại. Có lần bà hỏi Minh Châu: “Nếu có một người đàn ông kém Châu mười mấy tuổi muốn lấy Châu, Châu có lấy không? Trong khi tôi trả lời là “không dám” thì cô Bạch Diệp lại gật đầu: “mình dám chứ”.Thế nhưng bà vẫn sống cô đơn từ sau khi chồng qua đời.
Người “nửa đêm gọi là... đi”
Là một người có khoảng cách tuổi tác rất xa với Bạch Diệp nhưng NSND Minh Châu rất gắn bó với vị đạo diễn này trong giai đoạn cuối đời. “Với tôi, Bạch Diệp là một người bạn, một người mẹ”.
NS Minh Châu nhớ lại thời gian bắt đầu trở lại làm phim: “Khi ấy tôi nghĩ mình sẽ dừng đóng phim vì thực ra tiền làm phim không đủ cho mình uống nước”. Nhưng lúc đạo diễn Trọng Trinh là mang kịch bản phim Nguyễn Thị Minh Khai tới, tôi đã nhận lời bởi ngoài việc được hóa thân vào nhân vật nữ anh hùng, phim này còn do vị một người tôi trân trọng làm đạo diễn”. Cũng từ đó giữa họ tồn tại một “mối tình” đặc biệt.
“Ai cũng nói Bạch Diệp nóng nảy, thực ra cô ấy là người vô cùng tình cảm. Cô ấy là một người nửa đêm tôi gọi là đi”. Cũng như vậy, khi có chuyện buồn, nửa đêm cô cũng sẵn sàng dựng Minh Châu dậy để đi uống rượu. “Tiếng là uống rượu nhưng cô Diệp không phải là người biết uống, song nếu cần để có thể dốc hết tâm can thì cô Diệp chẳng bao giờ ngại. Chúng tôi đã cùng nhau nhiều đêm lang thang ở Hà Nội”, Minh Châu kể.
|
Nghệ sĩ Minh Châu là người bạn vong niên gắn bó với đạo diễn Bạch Diệp ở chặng cuối đời.
|
Làm phim với Bạch Diệp, Minh Châu mới phát hiện ra rằng, vị đạo diễn nổi tiếng nóng nảy này thực ra là người rất cả tin và dễ thương. Bà có thể đánh ụp cả một thùng bát đĩa người làm đạo cụ mới mượn mang về vì chưa ưng ý, nhưng cũng ngay lập tức xin lỗi lại anh ta. Dù nóng nảy nhưng nếu cứ mượn những chuyện thương cảm để “lừa” thì bao giờ Bạch Diệp cũng đầu hàng vô điều kiện. Chẳng hạn, một người làm ánh sáng hay đạo cụ vì lý do nào đó chưa chuẩn bị được đồ khi phân cảnh phim cần đến, Minh Châu lại sáng tác ra một lý do: gia đình anh ấy có chuyện buồn, anh ấy nghèo lắm hoặc anh ấy vừa gặp chuyện không may thì Bạch Diệp sẽ bảo: “Ồ, thế à, sao thương thế” và cho qua lỗi.
Người nữ tướng trên phim trường trong mắt Minh Châu thật ra là một đứa trẻ đầy tình cảm. Nghệ sĩ Minh Châu kể, khi phát hiện ở ngực mình ra chất nhầy nhầy rất lâu bà mới kể cho chị. Nghe xong, nhiều lần chị bắt bà đến bệnh viện khám nhưng Bạch Diệp đều gạt đi. “Cô ấy bảo: Bạn bè ở bệnh viện đầy, bọn nó nói chỉ là viêm đường tuyến sữa thôi”. Nhưng một lần Minh Châu đã mang ô tô đến trước nhà, rồi ép Bạch Diệp vào bệnh viện. “Tôi đưa cô ấy đến Bệnh viện K, mang cô ấy lên thẳng phòng Phó giám đốc Bệnh viện và ăn vạ ở đấy”. Ngay lần đầu tiên đi khám, bác sĩ ở Bệnh viện K đã phát hiện cô ấy bị ung thư vú cấp độ 2 và được xếp lịch phẫu thuật nhanh chóng sau đó.
Khi ra viện, bác sĩ cho rất nhiều thuốc nhưng cô Bạch Diệp đều mang cất đi không uống. Vì thế mỗi lần đến thăm, Minh Châu lại phải dọa: “Em bé Diệp ngoan nhé, thầy thuốc cho thuốc phải uống đầy đủ. Nếu không uống thuốc Minh Châu không đến nữa đâu”. Và mỗi lần như vậy thì bà đều bảo: “Uống chứ, uống chứ” nhưng rồi cũng chỉ được vài ngày.
Theo lời người bạn vong niên, nghệ sĩ Minh Châu: Sự cô đơn là thứ khiến Bạch Diệp có lúc phát điên. “Cô ấy nhiều lần kêu ầm lên rằng muốn chết, muốn chết”, Minh Châu kể. Cũng giống như ngày xưa, cô ấy hay đùa ở phim trường “vĩnh biệt, vĩnh biệt” mọi người.
Và giờ người nghệ sĩ ấy đã ra đi, ở bên kia, hy vọng những hạnh ngộ sẽ giúp bà tìm được hạnh phúc bên những người đã yêu thương bà và bà đã yêu thương họ.
(Bài viết dựa trên lời kể của NSUT Minh Châu)
Bạch Diệp tên thật Nguyễn Thanh Tâm (1929 – 2013 ở Hà Nội) sinh ra trong trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Từ năm 6 tuổi, bà đã được đưa theo học ở trường tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng.
Năm 1959, bà theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa Thông tin mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Bà tốt nghiệp năm 1963, sau đó về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, chuyển thể từ chèo, sau được trao giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai.
Những bộ phim tiếp theo của bà ra đời: Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982)... Nổi bật nhất là hai bộ phim Ngày lễ thánh (dựa theo cuốn tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn) và Huyền thoại mẹ, đều do nghệ sĩ nhân dân Trà Giang đóng vai chính, đều giành được giải thưởng Bông sen bạc.
Năm 1992 bà về hưu nhưng vẫn được mời làm phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam. Bà còn làm phim cho các chuyên mục Điện ảnh chiều thứ 7 và Văn nghệ chủ nhật.
Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ (Theo Nguồn Wikipedia)
Thủy Liên