1. Nghị quyết Trung ương IV về tự phê bình và phê bình
Ngày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Nghị quyết nhấn mạnh nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh…
Hoạt động tự phê bình và phê bình sau đó đã được thực hiện tới các chi bộ Đảng trong cả nước. Đồng thời, Nghị quyết trung ương 4 đã thu hút được sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, những ý kiến chân thành, tâm huyết.
2. Quốc hội thông qua nhiều Luật quan trọng
Hai kỳ họp Quốc hội trong năm (Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 3 ngày 21.3 – 21.6) đã thông qua nhiều Luật và dự án Luật quan trọng. Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến và thông qua một số báo cáo, nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua 13 dự án luật bao gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Luật lao động (sửa đổi); Luật giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam…
Tại Kỳ họp thứ 4, QH đã biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi…
3. Chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa
Năm 2012, Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm chủ quyền biển đảo, chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên án những hành động sai trái của của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nổi bật là ngày 24 tháng 7 năm 2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Công hàm khẳng định: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là vô giá trị”.
4. Phóng thành công VINASAT-2
Ngày 16.5, vệ tinh viễn thông VINASAT-2 đã được phóng thành công vào quỹ đạo bằng tên lửa Ariane 5 vào đúng 5 giờ 13 phút ở vị trí 131,8 độ Đông, gần vị trí phóng VINASAT-1.
Trước sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu cho rằng, việc phóng thành công VINASAT-2 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam. Thủ Tướng khẳng định: "Đây là dự án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ.
VINASAT-2 có tổng đầu tư lên tới 260-280 triệu USD, trong đó VNPT có 20% vốn và số còn lại là vay thương mại. Vệ tinh VINASAT-2 có tuổi thọ trung bình 15 năm. VNPT cho biết VINASAT-2 sẽ thu hồi vốn chỉ khoảng 10 năm sau khi đưa vào khai thác.
5. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Ngày 17/07/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.
Mục tiêu của Đề án là làm cho doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Một số nội dung nổi bật của đề án này là: Phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo 3 nhóm; Sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm từ 2012-2015; Chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015…
6. Khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La
Ngày 23.12, Thuỷ điện Sơn La khánh thành sau 7 năm xây dựng. Đại công trình này cán về đích sớm tới 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội.
Nằm ở bậc thang thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà, công trình có công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy (6 tổ x 400 MW). Điện lượng trung bình năm: 10,246 tỷ kWh (trong đó tăng cho thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh). Với công suất trên, Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.
Dù mới đi vào hoạt động, nhưng Thuỷ điện Sơn La đã đóng gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế VAT cho địa phương (chưa kể thuế tài nguyên). Hiện, trong tổng nguồn thu của Sơn La thì Thuỷ điện Sơn La đóng góp quan trọng nhất.
7. Năm “xuống dốc” của ngành ngân hàng
Ngoài những điểm sáng như lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định, thanh khoản của hệ thống được đảm bảo... thì bức tranh bao phủ ngành ngân hàng năm 2012 là màu xám. Đó là tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 20 năm, nợ xấu tăng vọt, loạn giá vàng, lợi nhuận sụt giảm, nhiều tổ chức tín dụng làm ăn thua lỗ, 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu; nhiều tổ chức tín dụng lỡ hẹn với kế hoạch tăng vốn hoặc lên sàn, nhân viên nhiều ngân hàng mất việc, cắt giảm lương, thưởng, thậm chí không có thưởng Tết, nhiều cán bộ ngân hàng rơi vào vòng lao lý…
8. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
Tai nạn giao thông là nỗi nhức nhối của toàn xã hội và Năm An toàn giao thông quốc gia được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát động. Việc thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng tại các thành phố lớn trong năm An toàn giao thông 2012. Các giải pháp này đã góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm mạnh số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương so với mục tiêu giảm 5-10% ở cả ba tiêu chí. Theo số liệu thống kê, tai nạn giao thông đã giảm 17% số vụ, giảm hơn 14% số người chết, giảm 20% số người bị thương. Cũng trong năm nay, lần đầu tiên cả nước đã cử hành Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông...
9. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Đây cũng là tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO vinh danh, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là biểu trưng cho triết lý nhân văn “con người có tổ có tông” của văn hóa Việt Nam. Đây là hiện tượng độc đáo nhất trên thế giới khi cả một quốc gia, một dân tộc tự coi mình có chung nguồn gốc.
10. Việt Nam đăng cai Asiad 2019
Chiều 8.11, tại phiên họp toàn thể Hội đồng Olympic châu Á (OCA) diễn ra tại Macao, Chủ tịch OCA ông đã thông báo kết quả cuộc chạy đua giành quyền đăng cai kỳ Asian Games lần thứ 18 năm 2019. Theo đó, Việt Nam vượt qua hai ứng cử viên là Surabaya (Indonesia) và Dubai (UAE) để lần đầu tiên trở thành chủ nhà của một kỳ Asiad.
Đề án tổ chức Asiad 2019 của Việt Nam đi kèm với kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất tổng thể của khu vực phía Bắc do Chính phủ phê chuẩn. Sự kiện Asiad 2019 dự kiến được tổ chức với kinh phí 150 triệu USD.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU
Ban Thời Sự