2 công nhân bị điện giật: Lộ sai phạm ngành điện?

Google News

(Kiến Thức) - Theo lời khai của hai công nhân, họ đào trúng dây điện cách mặt đất khoảng 20cm, trong khi quy chuẩn lắp đặt cáp điện ngầm phải từ 1-1,5m.

Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết, làm đường điện ngầm dưới lòng đất phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt.
Khoảng cách an toàn thông thường giữa dây cáp điện ngầm và mặt đất là 80cm -120cm.
Các mối đấu nối với nhau phải đảm bảo có sự cách nước, va chạm…, để làm được điều này phải có hầm ngầm (tên gọi kỹ thuật là tuynen) đưa các dây điện vào bên trong.
Nơi 2 công nhân bị điện giật khi đang đào vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn, Hà Nội.
Ngoài ra, khi chôn cáp điện dưới lòng đất phải lát lớp cát cách điện, cát chống xê dịch và kèm theo các tấm biển chỉ dẫn có dây điện phía dưới.
Khi làm xong các công đoạn đó phải có máy dò (máy đo điện) xem điện có rò rỉ ra ngoài hay không, vì chôn cáp điện dưới lòng đất là mang điện xuống nước.
Về khoảng cách an toàn, tại Nghị định 106/2005 của Chính phủ có quy định, đường cáp điện ngầm phải cách 1m so với mặt đất (loại đất ổn định) và 1,5m (đất không ổn định). Theo lời khai của 2 công nhân, họ khoan trúng dây điện cách mặt đất khoảng 20cm, như vậy chỉ đạt 1/5 so với quy chuẩn.
2 công nhân ngã lăn ra đất sau khi bị phóng điện.
Chiều ngày 31/7, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Điện lực Cầu Giấy cho biết: “2 công nhân bị điện phóng bỏng khi đào vỉa hè đường thuộc về Ban dự án quận Cầu Giấy. Ban dự án thuê đơn vị thi công làm, không liên quan gì đến ngành điện của quận”.
Khi đề cập đến “sai phạm” lắp cáp điện ngầm chỉ cách mặt đất 20cm, vị Giám đốc Điện lực Cầu Giấy, phân trần: “Đường cáp đó thuộc Bộ Công an quản lý và thuộc an ninh quốc phòng (?)”.
Được biết, đây là tuyến cáp ngầm trung thế 22kV cấp điện từ trạm biến áp 110kV Nghĩa Đô về trạm biến áp Bộ Công an.
Bên cạnh việc khoan trúng đường điện cách mặt đất 20cm, thì việc không mặc quần áo bảo hộ lao động, cũng là nguyên nhân khiến hai công nhân này bị điện giật bỏng nặng.
Theo điều 6, Nghị định 06/1995 về an toàn lao động thì, người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy cách và chất lượng theo tiêu chuẩn, danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định.
Công nhân Doãn Văn Hùng (43 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) đang được điều trị tại BV Xanh -Pôn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Mai Đức Tân - Công ty Luật hợp danh INCIP (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Vụ việc xảy ra với 2 công nhân bị điện phóng cháy xém chưa thể quy trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đơn vị thuê 2 người công nhân đào vỉa hè đường để thi công (công nhân thời vụ) phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng với 2 nạn nhân này”.
Nguyên nhân vụ 2 công nhân bị điện giật đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.
Tiến Dũng

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Quang -

Tăng giá điện
Nếu như tăng giá điện đồng nghĩa với chất lượng điện và sự an toàn trong thi công, lắp đặt đường điện, lưới điện thì đó là điều mong đợi của nhân dân.

Hiển thị thêm bình luận