3 công nhân chìm hầm: Có dấu hiệu vi phạm hình sự

Google News

(Kiến Thức) - Vụ 3 công nhân mất tích vì bị lũ cuốn vào hầm thủy điện La Hiêng 2 có dấu hiệu vi phạm hình sự; trong đó, cần xem xét chủ đầu tư, đơn vị thi công về vi phạm quy định về an toàn lao động.

Liên quan đến vụ 3 công nhân bị chìm trong hầm thủy điện La Hiêng 2 và đến giờ chưa tìm thấy thi thể, nhiều người cho rằng, sự việc cần được các cơ quan chức năng, pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân và xử đúng người đúng tội, để lần sau không còn xảy ra những việc đau lòng như vậy nữa.
Nhà máy thủy điện La Hiêng 2.  
Trong vụ việc trên, có nhiều chi tiết cho thấy nguyên nhân khiến 3 công nhân bị lũ cuốn vào hầm và mất tích có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan đáng chú ý.
Cụ thể, theo nhận định của nhiều người, mặc dù đường hầm đã thi công được hơn 1.700m, nhưng đơn vị thi công mới chỉ đổ bê tông được hơn 20m tính từ miệng hầm, gây mất an toàn lao động. Mặt khác, trong khi đường hầm còn dang dở, mất an toàn thì đơn vị thi công lại cho xây bờ tràn chặn dòng lũ với cửa thoát hiểm quá nhỏ, dẫn đến khi nước lũ tràn về, đổ dồn vào miệng hầm gây ra hiểm họa.
Ý kiến ban đầu của ban chỉ huy phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn tại địa phương cho thấy, nguyên nhân vụ tai nạn do nước lũ đổ về dồn dập, đạt đỉnh hơn 10m so với mực nước bình thường. Trong khi đó, cửa thoát lũ của đập tràn quá nhỏ, đê bao không đủ độ cao để ngăn nước, dẫn đến lũ đổ ập vào đường hầm, cuốn các nạn nhân vào bên trong. Khi nước lũ tràn vào, lực lượng tại công trường đã không kịp đóng cửa ngăn nước trước cửa miệng hầm.
Trao đổi với báo chí trước đó, chị Nguyễn Thị Thoa, chị ruột của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh – một trong 3 công nhân bị lũ cuốn chìm vào hầm, cho rằng, nếu người trực kịp đóng cửa van hầm ngăn lũ, thì anh Lệnh và hai người kia sẽ không chết.
Trong khi đó, kiểm tra tại hiện trường, đại tá Nguyễn Đình Triết, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên tỏ ra khá bức xúc và cho biết nguyên nhân khiến nước tràn vào hầm là do đơn vị thi công đã thi công xong đập dâng, trong khi cửa thoát lũ rất nhỏ, chỉ đủ xả cho lưu lượng nước bình thường.
Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, sự việc 3 công nhân bị lũ cuốn vào hầm thủy điện và mất tích trên có dấu hiệu vi phạm hình sự cần được xem xét đầy đủ. 
Luật sư Triển phân tích: Đường hầm đã thi công được hơn 1.700m nhưng đơn vị thi công mới chỉ đổ bê tông được hơn 20m cho thấy, chiếc hầm này đã không đảm bảo quy định về an toàn lao động. Đơn vị thi công xây hầm mà không có phương án bảo vệ an toàn cho người lao động cũng như người dân sống quanh khu vực. Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, cửa thoát hiểm nhỏ không đủ để xả một lưu lượng nước lớn khi lũ về, thì lỗi là do đơn vị thiết kế. Các lỗi trên đều có thể bị khởi tố về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, quy định trong điều 227 Bộ Luật hình sự. Tội này có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng. 
Theo luật sư Triển, vấn đề ở đây là phải điều tra nghiêm túc để làm rõ đơn vị nào, cá nhân nào là người phải chịu trách nhiệm. "Tôi nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cũng nên yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công cung cấp toàn bộ hồ sơ thiết kế thi công công trình hầm thủy điện La Hiêng 2 để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, trong đó có chủ đầu tư", luật sư Triển nói.
Điều 227. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Đông Nhiên