32 người nộp lại quà: Làm gì có sự trung thực nào ở đây!

Google News

(Kiến Thức) - "Những người này họ không tự dưng đi nộp lại quà đâu. Họ nộp quà vì có một sự đổi chác ở đây chứ không phải vì sự trung thực...".

Ông Nguyễn Trọng Tỵ, luật sư, nguyên Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tỏ ra ngạc nhiên khi trò chuyện cùng phóng viên Kiến Thức về báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (20/10). Theo đó, năm 2014, cả nước có 32 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị chừng 800 triệu đồng.
Băn khoăn và lo lắng
Năm 2014, cả nước có 32 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị 791 triệu đồng, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Không biết cảm xúc của ông thế nào khi nghe thông tin này?
Ô, có 32 người nộp lại quà tặng thôi á? 
Sao ông ngạc nhiên thế?
Tôi thật sự băn khoăn và lo lắng về con số này. Tôi tin rất nhiều người quan tâm cũng có tâm trạng giống tôi.
Hóa ra ông ngầm bảo người ta làm báo cáo sai à?
Dĩ nhiên là tôi không có ý đó, vì người ta phải dựa trên báo cáo của các bộ, ngành, địa phương rồi tổng hợp lại mới cho ra được kết quả ấy. Nói cách khác, con số đó có thể logic trên mặt giấy tờ, nhưng tôi tin chắc một điều nó không phản ánh đúng tình hình thực tế. Chỉ có ngần ấy người nộp lại quà thì kể cũng lạ.
Tôi e là không có gì lạ đâu, nếu như ông để ý trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng "tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích",  thế nhưng cũng chỉ có 48 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng. Những con số 48 hay 32 kia cũng phù hợp vì "tham nhũng ngày càng tinh vi" đấy chứ?
Nó liên quan với nhau quá đi chứ. Nhưng nói thật, người ta báo cáo thì báo cáo thế thôi, chứ mấy ai tin. Đặt trong tình hình tham nhũng hiện nay thì việc xử lý như thế là quá ít, quá nương nhẹ rồi.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
Có dám công khai không?
Trong bối cảnh tham nhũng tràn lan, ngày càng tinh vi thì liệu việc người ta nộp lại quà tặng có thể hiện sự cố gắng để trở nên trung thực, thậm chí có khi còn phải tuyên dương họ nữa, thưa ông?
Tôi không nghĩ vậy. Tôi tin những người này họ không tự dưng đi nộp lại quà đâu.
Ông đang nhìn họ khắt khe quá?
Không. Rất có thể họ bị phát giác do tham nhũng, nhưng nhận được "chỉ thị" kiểu anh nộp lại quà tặng đi, tôi sẽ không xem xét xử lý hoặc sẽ giảm tội cho anh, thế nên người ta mới nộp lại quà. 
Nghĩa là, những người nộp lại quà tặng này chẳng qua không thể ỉm đi được nữa, chứ không phải bản thân họ muốn trung thực?
Đúng vậy. Họ nộp quà vì có một sự đổi chác ở đây chứ không phải người ta cố gắng để trở nên trung thực đâu. Bởi nếu người ta sống trung thực, có lòng tự trọng, có bản lĩnh thì họ đã chẳng nhận quà làm gì. 
Ông biết vậy hay nghĩ vậy?
Không ai biết được lý do cụ thể trừ chính những người nộp lại quà tặng và cấp trên của họ. Sở dĩ tôi đặt ra giả thiết đó (và tôi tin nó có cơ sở) là vì lâu nay, tất cả những báo cáo của chúng ta liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ đều chung chung, không cụ thể. Thanh tra Chính phủ có dám công khai danh tính, quà nộp lại là gì, nhận quà trong trường hợp nào, vì sao phải nộp lại quà, cách thức xử lý với người nộp lại quà như thế nào không? Chính vì họ không công khai nên dân chúng hoàn toàn có quyền nghi ngờ về động cơ nộp lại quà tặng kia.
Họ không công khai thì hẳn cũng có lý do đấy chứ?
Có thể người ta muốn giữ thể diện cho những người nộp lại quà. Nhưng chính vì thế càng cho thấy ngay chính những cơ quan tiến hành kiểm tra, giám sát này cũng có ý định che chắn cho người ta rồi. 
Không thể cứ nộp quà là xong
Quay trở lại với con số khoảng 800 triệu đồng là tổng giá trị quà tặng của 32 người nộp lại cho Nhà nước. Tôi nhớ trước đây, có cán bộ nộp lại cả tiền và quà tặng lên tới cả tỷ đồng. Hình như bây giờ kinh tế khó khăn nên quà tặng cán bộ nhận được cũng "hẻo" hơn thì phải?
Tôi không tin. Ai dám chắc rằng những người này chỉ nhận được số quà bằng ấy tiền? Họ nhận quà tới tiền triệu thì cũng có thể có người tặng họ quà cả chục triệu nữa chứ.
Do đó, cần phải có một cuộc điều tra thêm với chính những người này?
Đúng vậy. Phải điều tra lại xem người ta nộp quà đã đúng chưa? Có quà nào nhận mà chưa nộp lại không. Dù có hay không thì họ vẫn cần phải bị xử lý chứ không thể cứ nộp quà là xong đâu.
Dường như với những người nộp lại quà này cũng có lý do để thông cảm cho họ, rằng chẳng qua họ... không may thôi, chứ biết đâu còn nhiều "đồng chí" của họ vẫn chưa bị lộ?
Cái đó thì chắc chắn rồi, vì tham nhũng tràn lan, "tinh vi" thế cơ mà. Nếu tin rằng còn rất nhiều người nhận quà, thậm chí nhận số quà lớn gấp mấy lần tổng số quà của 32 người này nhận được nhưng vẫn bình chân như vại thì đúng là 32 người này cũng đáng để cảm thông (cười).
Họ che chắn cho nhau giỏi quá!
Năm 2013, cả nước có 364 trường hợp nộp lại quà tặng. Năm nay, con số này là 32. Theo ông thì điều gì làm nên sự chênh lệch này?
Có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, có thể điều đó cho thấy công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta năm ngoái tốt hơn năm nay, vì chúng ta đánh động được 364 trường hợp khiến họ phải tự chui ra. Khả năng thứ hai là "tham nhũng ngày càng tinh vi" nên năm nay chỉ có 32 người "bị lộ" thôi, cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng ngày càng gian nan.
Thế theo ông đâu mới là lý do mấu chốt để ta cứ hô hào phòng chống tham nhũng thì tham nhũng vẫn ngang nhiên tồn tại?
Là bởi vì, họ che chắn cho nhau giỏi quá. Đảng ta cũng muốn trong sạch đội ngũ để lấy lại lòng tin trong dân chúng, vậy nhưng có những cái không phải cứ muốn là làm được. Chúng ta đã thừa nhận có những "nhóm lợi ích" rồi đấy thôi, nó là một chuỗi mắt xích mà nếu ai đó bị phát hiện tham nhũng thì chỉ mình họ chịu chứ mấy khi họ lôi những người còn lại ra ánh sáng nổi đâu.
Vậy bây giờ, ta cứ chấp nhận sống cùng tham nhũng trong sự bất lực mãi như thế à?
Thế thì hãy công khai, minh  bạch đi, kể cả trong tuyển chọn cán bộ. Chỉ còn cách đó thôi. Làm được như thế thì hãy mơ đến việc phòng chống tham nhũng hiệu quả. Đó là mong mỏi của cả xã hội đấy!
Cảm ơn ông và kính chúc ông sức khoẻ. Trân trọng!
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, sau 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện gần 32.000 tỷ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.000 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỷ đồng. Thanh tra các cấp kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với khoảng 1.700 tập thể, gần 3.000 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ; phát hiện 54 vụ việc với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, tổng số tiền gần 69 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách. Có 32 trường hợp nộp lại quà tặng, riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng.
Vũ Thủy (Thực hiện)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Huệ Nguyễn Viết -

Cảm ơn báo Kiến thức và Ông Nguyễn Trọng Tỵ, luật sư, nguyên Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho độc giả một bài phỏng vấn rất hay và hết sức trung thực, phản ánh đúng vấn nạn tham nhũng hiện nay và giải pháp tuyệt vời để phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Hiển thị thêm bình luận