Ai chịu trách nhiệm quốc lộ, mặt cầu hằn lún ở VN?

Google News

(Kiến Thức) - Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng mặt đường quốc lộ, mặt cầu sụt lún, lượn sóng? Đơn vị, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm? - là câu hỏi nhức nhối trong dư luận.


 Quốc lộ 5, vết hằn lún xuất hiện ở khắp nơi. 
Dù nguyên nhân nào thì cũng sai phạm!
Trước thực trạng hằn lún đang xảy ra trên nhiều tuyến quốc lộ, ngành GTVT đã vào cuộc tìm nguyên nhân. Ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam nhận định: Dựa trên các cơ sở nghiên cứu, nguyên nhân trực tiếp gây nên hiện tượng hằn vệt bánh xe là do chất lượng các lớp bê tông nhựa mặt đường (yếu tố vật liệu nhựa, cốt liệu, chất lượng thi công, giám sát,…); lưu lượng, tải trọng xe và cường độ vận chuyển; nhiệt độ cao ứng với khu vực đặc trưng và công tác quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ.
“Tại mỗi vị trí, từng công trình cụ thể, nguyên nhân chính gây hằn lún khác nhau, do vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu, kiểm định thêm để đánh giá”, ông Thắng cho biết.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hằn lún vệt bánh xe là do nhiều xe tải trọng lớn chỉ được phép chạy ở khai trường nhưng vẫn được phép chạy trên quốc lộ.
"Về vệt hằn lún bánh xe trên các quốc lộ là rất nghiêm trọng, phải giải quyết triệt để, đồng bộ. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa từ xưa đến nay chúng ta sử dụng rất nhiều nhưng việc hình thành vết hằn chỉ diễn ra khoảng 5 - 7 năm gần đây. Điều này liên quan nhiều đến các phương tiện xe quá tải gia tăng. Trong điều kiện khai thác như thế cộng với yếu tố thời tiết bất thường, chênh lệch trong mùa nóng, mặt đường phổ biến lên đến 50- 60 độ phổ biến từ nhiều năm nay. Nhưng trước không có phương tiện tải trọng lớn, mật độ không cao như vậy nên không xảy ra lún hoặc xảy ra có xảy ra nhưng không nhiều", ông Nguyễn Ngọc Long cho biết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hằn lún nhưng đều do con người gây nên. 
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, dù nguyên nhân nào thì cũng đều là vi phạm nên phải làm rõ.
“Đường thi công xong lún, đây là vấn đề nhức nhối của ngành giao thông, người dân cho rằng, đường làm xong hỏng thì tiền của dân đổ xuống sông nên có ý kiến là đúng. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Tuy nhiên, khả năng rút ruột công trình là rất ít xảy ra, bởi thời gian qua Bộ GTVT đã mạnh tay xử lý những vi phạm liên quan nên không đơn vị nào dám rút ruột công trình. Ngay vấn đề chất lượng công trình không đơn giản là cứ xuống cấp, hằn lún là do thi công, mà nó là tổng thể các khâu như thiết kế công trình, thi công, thời tiết… Ngay cả nguyên nhân do xe quá tải cũng có nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố. Xe được cấp phép 20 tấn nhưng tăng lên 40 tấn thì đường chắc chắn bị hằn lún nhưng đó không phải là nguyên nhân chính”, ông Bùi Danh Liên nhận định.
Theo ông Bùi Danh Liên, hiện tại chưa nên vội quy trách nhiệm cho ai bởi phải chờ kết luận của các nhà khoa học trong việc tìm nguyên nhân chính. Nhưng dù nguyên nhân gì thì chắc chắn có vi phạm. Nếu sai phạm dẫn đến đường bị hằn lún thì chắc chắn đơn vị liên quan phải bị xử lý.
"Sống trâu", "sống khủng long" đầy rẫy
Ghi nhận của PV Kiến Thức trên nhiều tuyến quốc lộ, hiện tượng hằn lún diễn ra khá phổ biến. Tại QL5 Hà Nội - Hải Phòng, mới được cải tạo nâng cấp và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn nhưng hiện tượng hằn lún diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là đoạn từ km 94 đến 104, do Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ) làm chủ đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp QL5. 
Cụ thể, những “sống trâu”, “sống khủng long” chạy dài theo vệt bánh xe, khiến mặt đường như ruộng bậc thang lồi lõm chênh lệnh từ 5cm đến 15cm. Do mặt đường lồi lõm, phương tiện xe lưu thông nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn không hề nhỏ. Cũng trên QL5, đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương cũng đã xuất hiện nhiều đoạn bị hằn lún vệt bánh xe khiến phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn.
Nhiều rãnh sâu 10 cm xuất hiện trên quốc lộ 5.
Tại QL3 mới (từ Km 54+560 - Km 62 +450), xuất hiện các vệt lún, phạm vi ảnh hưởng khoảng 1.900 m (tương đương 5.700 m2), nằm cả bên trái và bên phải tuyến. Ngay đoạn Km 41+800 – Km 42+100, Km 50+900 – Km 52, Km 50+900 – Km 52; Km 58+500 – Km 59+350; Km 60+100 – Km 60+800… do các đơn vị như Vinaconex, Tổng công ty xây dựng Thăng Long và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO8) thi công, dù mới đưa vào sử dụng nhưng "thảm họa" cũng xảy ra. Các đơn vị chức năng ngành GTVT đang xác định nguyên nhân, khắc phục mặt đường hư hỏng. Tuy nhiên, theo các chủ xe cơ giới cho biết, đường mới thi công mà đã hỏng, cần quy trách nhiệm cho những ai liên quan.
Ngoài ra, hiện tượng hằn lún còn xuất hiện trên nhiều tuyến quốc lộ khác có lưu lượng, tải trọng xe lớn như QL1, từ đoạn Hà Nội - Lạng Sơn; Phủ Lý - Hà Nam; đoạn qua Ninh Bình (mới được thi công cải tạo, nâng cấp và còn chưa bàn giao hết thời gian bảo hành), mặt đường đã xuất hiện sự cố không hề nhỏ.
“Hiện tượng hằn lún đã xảy ra phổ biến khắp các công trình, dự án”, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Ðường bộ Việt Nam Nguyễn chua chát cho biết.
Như vậy, trong khi các nhà khoa học, các chuyên gia đang nghiên cứu tìm nguyên nhân cụ thể thì hàng ngày, trên nhiều tuyến quốc lộ tình trạng hằn lún vệt bánh xe vẫn xảy ra nghiêm trọng. Dư luận cho rằng, dù nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này, gây hỏng đường, ảnh hưởng đến giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông thì cũng đều có sai phạm do con người. Bộ GTVT cần sớm làm rõ và quy trách nhiệm cho những đơn vị, cá nhân có liên quan. Dù trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thẳng thắn: “Chất lượng công trình trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành GTVT”!
Hải Ninh