Chỉ sợ có cũng như không
Ngày 29/5, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở. Theo đó, công chức văn phòng phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt nhân dân. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Rất đáng mừng là có một quy định như vậy, nhưng cơ chế kiểm soát thế nào? Hệ thống ghi âm theo dõi lắp đặt thế nào, còn nếu không thì cũng bằng không thôi, ai giám sát, ai kiểm tra được. Không có những cơ chế cụ thể đi kèm thì quy định nó cũng chỉ là quy định mà thôi, chẳng áp dụng cho ai cả.
Ông cũng đến các cơ quan công quyền, ông đã bao giờ chứng kiến cảnh công chức nói tục, chửi thề?
Tôi chưa thấy, nhưng tình trạng nói trống không với người hơn tuổi, quát nạt người dân thì rất phổ biến, gặp nhiều. Số người nói mất lịch sự là không ít đâu.
Vậy hẳn là việc đưa ra quy định này của UBND TP Hà Nội là cũng có lý do?
Thái độ cửa quyền, hách dịch, quan cách, đứng trên dân... khiến cho hình ảnh của người công chức không còn là công bộc của dân, phục vụ dân mà là quan ban phát cho dân. Năm nay là năm triển khai năm văn minh đô thị, việc Hà Nội đặt ra vấn đề này cũng nhằm thực hiện cho được điều đó.
Và cũng theo kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành thì có đến 88% người dân được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp, 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp. Con số này có khiến ông giật mình?
Tôi nghĩ đó là một con số đáng báo động, rõ ràng các “công bộc” của dân đang chưa làm đúng trách nhiệm của mình. Thực sự là báo động về tình trạng văn hóa ứng xử, văn minh công sở và sự tôn trọng người dân của cán bộ công chức.
|
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ. |
Giáo dục công chức đang có vấn đề
Theo ông thì nguyên nhân nào làm cho văn hóa công sở bị phàn nàn nhiều đến vậy?
Nhận thức về vai trò, công việc của cán bộ công chức nói chung có vấn đề. Họ không được giáo dục đến nơi đến chốn về vai trò và nhiệm vụ của mình, rồi kỷ luật công vụ cũng kém mới dẫn đến điều đó. Họ cho rằng mình có quyền coi thường người dân, xử sự không đúng vị thế của mình. Còn nếu họ có thái độ không chuẩn mực sẽ bị xử lý nghiêm thì chắc không ai dám. Chúng ta đã để tình trạng này nó trở thành bình thường, nên nhiều khi thái độ lịch sự, văn minh, lại được coi là điều lạ, điều bất thường.
Nhưng rõ ràng việc họ lựa chọn cách ứng xử thân thiện hay là quát nạt thì kết quả cuối cùng vẫn là công việc đó có được giải quyết hay không, vậy sao họ lại phải khó chịu, quát nạt?
Nó chính là vấn đề quyền lực bị thao túng bởi những người thực thi quyền lực. Họ thao túng vì quyền lợi của bản thân họ, không giải quyết công việc theo nhu cầu của người dân. Họ quát nạt hạch sách người dân, nghĩ rằng quyền hành trong tay mình, muốn làm thế nào thì làm, là bởi họ muốn có lợi ích của bản thân họ trong việc đó, hoặc dù có làm được thì họ cũng phải gây khó dễ một chút để thể hiện vai trò của mình.
Hay là vì lương của cán bộ công chức thấp quá mà công việc nhiều quá khiến cho áp lực công việc của họ tăng lên?
Không phải, nhiều người buôn thúng bán bưng, bán mặt cho đất bán lưng cho giời, quanh năm thiếu đói, mà họ đâu có như vậy. Huống hồ là công chức còn có lương, có các chế độ khác, cuộc sống không phải là quá khổ cực.
Vậy là cái lỗi là bởi nền giáo dục?
Nó là lỗi của công tác đào tạo cán bộ, lỗi của cả người lãnh đạo cơ quan đó. Trách nhiệm đầu tiên là lãnh đạo, họ phải quán triệt và tổ chức được bộ máy của mình văn minh, trong sạch.
Không thể đóng kịch mãi
Vậy theo ông thì sự khác nhau của công chức trong nền công vụ văn minh, coi công vụ là một dịch vụ xã hội, coi người dân là khách hàng phục vụ với nền công vụ đặt nặng vấn đề hành chính, thủ tục, công chức lạm quyền, sách nhiễu người dân là như thế nào?
Trước hết nó là kỷ luật. Công chức nhận lương cao, khi vi phạm thì sẽ mất hết quyền lợi mình đang được nhận. Thứ nữa là nhận thức của bản thân mỗi người, cán bộ của ta nghĩ mình có quyền, nên thích làm gì thì làm, nó khác hẳn với cách nghĩ của những công chức trong nền công vụ văn minh cao.
Giả sử tới đây sẽ trang bị toàn bộ hệ thống máy ghi âm ghi hình cán bộ công chức làm việc tiếp xúc với dân, liệu có đẫn dến một bước ngoặt mới trong nền công vụ của chúng ta?
Thay đổi trước tiên sẽ là thái độ làm việc của chính những cán bộ công chức đó. Tình trạng quát nạt, hỗn xược của một vài công chức nhất định sẽ phải thay đổi, sẽ có những biến chuyển. Ở một số trường mầm non, từ khi trang bị camera theo dõi thì tình trạng bạo hành trẻ nhỏ gần như mất hẳn. Ở đây cũng vậy, ghi âm ghi hình sẽ là một giải pháp để răn đe cán bộ.
Giữa hai thái độ thân thiện và khó chịu, nó có dẫn đến hiệu quả công việc khác nhau?
Nó có mối quan hệ chặt chẽ chứ, nếu nhận thức mình là người công bộc, ăn lương nhà nước để phục vụ nhân dân thì làm việc sẽ khác, hiệu quả công việc cũng sẽ khác. Còn nếu đóng kịch thì chỉ được dăm ba bữa thôi, chứ không ai đóng kịch mãi được đâu.
Theo ông thì với cán bộ công chức nói tục, hình thức xử lý nào là cần thiết?
Ngoài việc kỷ luật như bình thường thì nên có hình thức trừ lương, thưởng, đánh vào túi tiền trực tiếp thì sẽ có hiệu quả, sẽ mang tính răn đe. Người này nhìn thấy người kia bị xử lý thì sẽ không dám vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Theo kết quả điều tra của Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính còn dĩ hòa vi quý, bớt xén thời gian làm việc, có tâm lý sợ đấu tranh, ghen ghét đố kị với người hơn mình, nịnh trên, nạt dưới, bè phái cục bộ, dối trá, nói không đi đôi với làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ích kỷ, vụ lợi cá nhân. Nguyên nhân của những hành vi ứng xử không đúng là do việc đánh giá cán bộ thiếu công bằng, tuyển dụng bố trí không đúng người, đúng việc, kỷ luật mang tính hình thức...
Tô Hội (Thực hiện)