Bão tan, mưa vẫn lớn... nguy cơ lũ, ngập, sạt lở

Google News

(Kiến Thức) – Bão số 2 đổ bộ vào các tỉnh Bắc bộ tối 23/6, tình trạng mưa hoàn lưu xảy ra trên diện rộng, gây nguy cơ lũ vùng núi và ngập vùng trũng.

20h tối qua 23/6, bão số 2 đã đổ bộ vào các tỉnh Bắc bộ. Tâm bão đi vào địa phận Vĩnh Bảo - Tiên Lãng - Đồ Sơn (Hải Phòng) với cường độ mạnh cấp 8. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực vùng núi đông bắc.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 1h ngày 24/3, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

 Sóng đánh tràn bở kè Cát Cò, Cát Bà - Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải Phòng

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km suy yếu và tan dần. Vùng áp thấp còn tồn tại trong ngày 24/6 trên lãnh thổ nước ta, sau đó di chuyển lên phía bắc đông bắc sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên ở Vịnh Bắc Bộ sáng nay (24/6) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 – 120mm; một số nơi có mưa to hơn như Văn Lý (Nam Định) 130mm; Con Cuông (Nghệ An): 209mm; Đô Lương (Nghệ An) 319mm; Hòn Ngư (Nghệ An) 356mm; TP.Vinh 319mm; TP.Hà Tĩnh 298mm…

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8; trên vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11…

Ngay sau khi bão đi qua, tình trạng mưa hoàn lưu xảy ra trên diện rộng gây nguy cơ lũ ống, lũ quét ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Hải Phòng: Ngập lụt cục bộ ở Đồ Sơn

 Mưa lớn và triều cường gây ngập đến ngang ngực người dân. Ảnh: Tuổi Trẻ 

Từ 14h-17h chiều 23/6, hoàn lưu trước bão đã gây mưa và gió lớn tại nhiều khu vực thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, tại một số địa phương ven biển như Cát Hải, Đồ Sơn do triều cường và sóng biển dâng cao đã gây thiệt hại nhiều vị trí đê kè, mọi tuyến đường và khu dân cư bị ngập lụt cục bộ.

Tình hình triều cường vượt đê biển tràn nước vào khu vực du lịch và khu dân cư quận Đồ Sơn diễn ra phức tạp.

Quảng Ninh: Nước biển tràn qua đê

Đầu giờ chiều 23/6, do ảnh hưởng của bão số 2 kết hợp với triều cường nên khoảng 50 mét đê biển Quan Lạn (huyện Vân Đồn) có hiện tượng nước biển tràn qua đê. Tuy nhiên, đến 18h chiều qua, triều cường có dấu hiệu giảm.

Tại Cô Tô vẫn còn khoảng 500 khách du lịch chưa về được đất liền. Chính quyền của Huyện đảo đã bố trí sắp xếp cho số khách du lịch trên ở lại đến khi bão tan.

Nam Định: Sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở

Mặc dù bão số 2 không gây gió quá mạnh nhưng trong chiều 23/6 do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với gió bão, nhiều khu vực ven biển bị nước đánh tràn qua đê. Tại khu vực đê trong bãi tắm Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở 20m.

Chịu ảnh hưởng của tàn dư bão số 2, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong 1-2 ngày tới còn có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tiểu Phong