Chiều 25/8, tại cuộc giao ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về công tác dự án, quản lý và hoạt động của bảo tàng Hà Nội, các vấn đề về chậm tiến độ, vắng khách, kiến trúc bảo tàng Hà Nội giống bảo tàng Trung Quốc,.. đã được đưa ra để bàn luận.
Về vấn đề kiến trúc bảo tàng Hà Nội giống bảo tàng nghệ thuật đương đại Trung Quốc, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho rằng mô típ kiến trúc hình kim tự tháp ngược khá phổ biến, không của riêng ai, từ mô típ này các kiến trúc sư đã thiết kế rất nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới. Riêng về Bảo tàng Hà Nội, mọi quy trình thiết kế, thi công đều có sự thẩm định kỹ càng, sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban, ngành từ TW đến địa phương nên rất khách quan.
Lý giải nguyên nhân chậm trưng bày hiện vật, ông Đồng Huyền Ngọc, Giám đốc Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội (Sở Xây dựng) cho biết, quá trình xây dựng bảo tàng có nhiều thay đổi khiến việc chuẩn bị nội dung cũng thay đổi.
Trước đây, dự án được thành phố giao Sở Văn hóa làm chủ đầu tư, song năm 2008 lại giao cho Sở Xây dựng. Khi lập dự án, đã tính đến đề cương trưng bày hiện vật, song do thay đổi địa giới hành chính (Hà Tây sáp nhập Hà Nội năm 2008) nên đơn vị soạn thảo đã phải thay đổi toàn bộ nội dung, chỉnh lý đề cương chi tiết.
Hơn nữa, khâu chuẩn bị kịch bản trưng bày cũng mất nhiều thời gian khi cần ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lịch sử, bảo tàng học... Nhưng đây là quy trình không thể thiếu được khiến quá trình triển khai nội dung chậm.
Giải thích về việc số lượng khách tham quan sụt giảm mạnh tính từ thời điểm khánh thành (năm 2010) và tiến độ trưng bày quá chậm, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết, Bảo tàng Hà Nội vắng khách một phần do công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa được đẩy mạnh vì thiết kế trưng bày hiện vật chỉ là tạm thời. Trong khi đó, thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập chưa được rõ ràng.