Hôm nay (2/12), phiên tòa xử phúc thẩm bầu Kiên và đồng phạm trong vụ án kinh tế tại
Ngân hàng ACB bước vào ngày làm việc thứ 3.
Trong phiên xét xử sáng nay, HĐXX tập trung thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên để làm rõ vai trò bị cáo trong các Công ty.
8h38 sáng nay, mở đầu phiên tòa, HĐXX nhắc, hôm qua, đại diện UBCK NN, Bộ KH-ĐT hẹn hôm nay có văn bản trả lời HĐXX, hôm nay có văn bản chưa. Tuy nhiên, đến giờ tòa làm việc vẫn chưa có đại diện của các cơ quan này ở Tòa.
Bắt đầu phần thẩm vấn, HĐXX hỏi bị cáo Kiên: Trong 6 công ty, bị cáo đại diện pháp luật cho những công ty nào?
|
Bầu Kiên ngoái nhìn vợ chiều 1/12 trước khi về trại giam.
|
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trả lời: Tôi đại diện cho 5 công ty, trừ Thiên Nam. Tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất với 5 công ty này. Nếu để xảy ra vi phạm tôi là người chịu trách nhiệm, và tôi cũng không muốn ai phải chịu trách nhiệm thay tôi.
Cuối phiên xử buổi sáng qua (1/12), bầu Kiên phải xin phép HĐXX được ngồi để trả lời các câu hỏi của tòa. Trong khi đó, tại phiên sơ thẩm, dù được cho phép ngồi, bị cáo này đã từ chối, xin được đứng để thể hiện sự tôn trọng HĐXX.
Cũng trong hôm qua, luật sư cho biết bầu Kiên đã sụt giảm 25 kg so với thời điểm bị bắt.
Trong phiên làm việc hôm qua, HĐXX đã tập trung thẩm vấn các bị cáo, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan và đại diện các cơ quan Nhà nước để làm rõ vai trò của bị cáo Kiên và các bị cáo khác trong các công ty, trong các hoạt động kinh doanh, hoạt động kinh doanh trạng thái vàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu ngân hàng…
|
Hình ảnh vợ bầu Kiên trong sân tòa hôm 1/12. |
Sau gần hết buổi bị cách ly, bị cáo Kiên được HĐXX mời vào phòng xét xử. Tuy nhiên, để đảm bảo sự liền mạch, hệ thống trong quá trình thẩm vấn, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo, HĐXX đã cho phiên tòa nghỉ để bắt đầu phần thẩm vấn bị cáo Kiên vào sáng hôm sau (2/12).
Sáng 1/12, toà tập trung nội dung kinh doanh vàng trái phép. Cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ… song hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái.
Công ty này đã ký thoả thuận với Ngân hàng Vietbank để nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng uỷ thác tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB. Theo đó, tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn gọi là kinh doanh vàng trạng thái hoặc kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản).
Quá trình doanh nghiệp này kinh doanh trái phép, tuy bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, song lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp.
Mặc dù bị cáo Kiên, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng giá vàng cũng là hàng hóa và doanh nghiệp được phép kinh doanh hàng hóa, song theo quy định của pháp luật hoạt động kinh doanh vàng thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép.
Để giải thích rõ cho mô hình kinh doanh “vàng trạng thái”, Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB, so sánh: “Như cá độ bóng đá, nếu không có bóng đá thì không có cá độ bóng đá; không có kết quả xổ số thì không có lô đề… Nó dựa vào kết quả xổ số nhưng lại không phải là xổ số”.
Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Kiên đã thông qua 6 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21,5 nghìn tỉ đồng.
Minh Hiếu (Tổng hợp)