Ngày 28/11, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xử vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và nhóm cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB). Các bị cáo bị xử về các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Phòng xử của tòa phúc thẩm khá chật hẹp nên những người tham dự phiên tòa được bố trí ngồi ở hai phòng khác nhau, một bên phải theo dõi qua màn hình tivi.
Bác đề nghị triệu tập nhân viên VietinBank
Gần 9h sáng, bầu Kiên được đưa vào phòng xử án. Bị cáo gầy xọp, dáng mệt mỏi, giọng nói không còn đanh gọn, sang sảng như ở phiên tòa sơ thẩm. Trong đơn kháng cáo cũng như tại tòa, bầu Kiên khẳng định kháng cáo toàn bộ nội dung bản án về cả tội danh và hình phạt.
|
Bầu Kiên sau buổi xử chiều 28/11. |
Nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải ban đầu cho rằng mình không có hành vi cố ý làm trái và không gây hậu quả. Sau đó, bị cáo này lại đề nghị xem xét toàn bộ nội dung vụ án và nếu “có tội gì đó” thì đề nghị xem lại hình phạt, vì mức án tám năm tù dành cho bị cáo là quá cao. Ông Hải cũng cho rằng các bị cáo trong vụ án này không phải là những người có chức vụ, quyền hạn do Nhà nước bổ nhiệm nên không thể bị xử tội cố ý làm trái.
Các bị cáo Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn cũng thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Lê Vũ Kỳ, trong đơn kháng cáo cũng như tại tòa, chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Kết thúc phần thủ tục, bầu Kiên kiến nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ Tư pháp, bởi trong quá trình xét xử vụ án đang có những cách hiểu khác nhau về cùng một quy định pháp luật. Bầu Kiên cũng đề nghị triệu tập đại diện Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT của một số tỉnh, thành nơi các công ty của bầu Kiên đặt trụ sở, triệu tập ông Trần Mộng Hùng, một trong hai cổ đông lớn nhất của ACB… Tòa cho biết đã triệu tập và sẽ xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.
Luật sư của bầu Kiên đề nghị tòa triệu tập thêm những nhân chứng của VietinBank có liên quan đến hành vi cho vay tiền của Huỳnh Thị Huyền Như. HĐXX không chấp thuận yêu cầu này vì xét thấy không cần thiết.
Cãi nhau về chỗ ngồi của luật sư
Luật sư của bầu Kiên và Lý Xuân Hải nêu ý kiến về việc chỗ ngồi của các luật sư. “Ba luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên hôm nay đang ngồi ở ba góc khác nhau. Chúng tôi đề nghị các luật sư bào chữa cho một bị cáo được ngồi gần nhau để tiện trao đổi, cử người đại diện phát biểu để khỏi mất thời gian của HĐXX” - một luật sư nói.
Đáp lại, HĐXX cho rằng pháp luật tố tụng hình sự không có quy định này. “Việc bố trí chỗ ngồi của các luật sư phụ thuộc vào các điều kiện và yêu cầu của việc xét xử vụ án. Trong phòng xử án, các luật sư đều theo dõi, nắm bắt được toàn bộ diễn biến. Do vậy, HĐXX không chấp nhận yêu cầu này” - một thẩm phán nói.
Luật sư giải thích: “Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi có phân công nhau trình bày để khỏi chồng lấn lên nhau. Trong hoàn cảnh hội trường chật hẹp thế này, chúng tôi không muốn chạy từ bên này sang bên kia để trao đổi rằng câu này tôi nói, câu kia anh nói, như vậy sẽ rất ảnh hưởng.
Tòa: “Việc chuẩn bị bào chữa cũng như việc trao đổi, phối hợp trong quá trình bào chữa cho các bị cáo, các luật sư phải thực hiện ở ngoài phạm vi mà HĐXX đang hỏi, đang tranh luận. Luật sư có thể trao đổi trong giờ nghỉ giải lao hoặc khi hết giờ… Khi HĐXX đang hỏi, bất cứ ai cũng không có quyền đi lại trong phòng xử án, không ai có quyền nói chuyện riêng”...
Cũng tại phiên tòa, bầu Kiên đề nghị HĐXX không cách ly mình nếu không thấy thực sự cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp nhận. Cuối giờ chiều, HĐXX bắt đầu xét hỏi và bầu Kiên bị dẫn sang phòng khác để cách ly.
Theo Pháp luật TP HCM