Best Products “lừa” tiền người tiêu dùng: Có vi phạm luật?

Google News

(Kiến Thức) - Best Products "lừa" tiền người tiêu dùng bằng chiêu trò trúng thưởng nhìn qua thì không có gì là sai phạm nhưng về bản chất thì cần phải xem xét.

Liên quan đến việc Best Products "lừa" tiền người tiêu dùng Việt bằng chiêu trò trúng thưởng "khủng" - một hình thức lấy “lợi ảo” để câu người tiêu dùng trả tiền thật, Báo điện tử Kiến Thức đã có buổi trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Vi phạm điều cấm của pháp luật?
Theo ông Tiến thực chất đây là loại hình khuyến mại theo hình thức: “Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố” quy định tại khoản 6 Điều 92 Luật Thương mại năm 2005.
Nhìn qua thì việc đăng tin quảng cáo chương trình khuyến mại của công ty Best Products không có gì là sai phạm, song khi áp dụng theo công thức mà công ty này đưa ra là cộng năm sinh với tuổi mình rồi trừ đi số đuôi của năm hiện tại của bất kỳ ai cũng đều cho ra kết quả đúng là 110 thì cho thấy, hành vi này chỉ mang cái vỏ của hình thức chương trình khuyến mại mang tính may rủi nhưng bản chất lại không phải.
Best Products “lua” tien nguoi tieu dung: Co vi pham luat?
 Thể lệ chương trình khuyến mại của Best Product.
Theo quy định về nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại tại Điều 96 Luật thương mại và hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện khuyến mại tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, khi thực hiện chương trình khuyến mại, thương nhân phải đăng thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến Sở Công thương. Nếu công ty Best Products đã gửi thông báo đến Sở Công thương thì có thể căn cứ vào nội dung thông báo đó để xác định có hành vi sai phạm hay không.
Trong trường hợp công ty này chưa gửi thông báo đến Sở Công thương thì đầu tiên xác định được hành vi sai phạm của công ty này trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại, hay nói cách khác, chương trình khuyến mại này là không hợp pháp.
Ngoài ra, tại điều 100 Luật thương mại có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại, trong đó có cấm hành vi “hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng”. Trong nội dung phản ảnh, bà Quyên có nếu Bà làm theo cách tính của nhãn hàng này thì ra kết quả bằng 110. Bà Quyên tưởng mình trúng thưởng nên gọi điện cho tổng đài của nhãn hàng thì được yêu cầu cung cấp thông tin: tên, tuổi, địa chỉ và nói 2-3 hôm tới sẽ gửi bưu kiện. Tuy nhiên, công ty Best Products không hề gửi đến bưu kiện là xe máy SH như đã đăng trên quảng cáo và theo như lời hẹn của nhân viên tổng đài của công ty. Như vậy, công ty này có hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật.
 Trang chủ Best Products.
Luật lỏng lẻo, thiếu tính răn đe
Cũng theo luật sư Tiến, các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho thương nhân kinh doanh nhưng vô hình chung lại khiến cho các thương nhân lợi dụng để chuộc lợi bất hợp pháp và lừa đảo khách hàng.
Mặc dù quy định của pháp luật về hạn mức “Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại” (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 37/2006/NĐ-CP) song trên thực tế rất khó tính rõ ràng. Trường hợp thương nhân thực hiện nhiều hình thức khuyến mại trong một chương trình khuyến mại càng khó khăn và thiếu cơ sở pháp lý.
Pháp luật chỉ quy định “thương nhân có nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và cam kết với khách hàng” chưa đảm bảo sự trung thực của các thương nhân về giải thưởng trong các chương trình khuyến mại. Cơ quan nào sẽ kiểm soát được tính trung thực của thương nhân khi thực hiện khuyến mại? Việc kiểm soát hoạt động khuyến mãi hầu như không thực hiện được trong tình trạng số lượng doanh nghiệp tham gia khuyến mãi ngày càng nhiều.
Các thương nhân vi phạm quy định của pháp luật về khuyến mại cũng chỉ dừng ở mức độ đình chỉ bởi cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho chương trình khuyến mại đó (Điều 20 Nghị định 37/2006/NĐ-CP). Quy định về trách nhiệm của thương nhân trong hoạt động thương mại còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, chưa thực sự được quan tâm xuất phát từ các chế tài xử lý quá nhẹ, chưa có tính răn đe.
"Để tránh tình trạng trên, theo tôi nên bổ sung những cơ sở pháp lý cho việc xác định hạn mức tối đa. Cách thức tính cần minh bạch rõ ràng hơn, phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ đối với doanh nghiệp khi hoạt động khuyến mãi nhằm tránh tình tình để lọt lưới các vi phạm. Đồng thời ban hành cơ chế kiểm soát chặt chẽ." - Luật sư Tiến nói.
>>> Xem thêm video: Bẫy mua hàng giá rẻ trên mạng - VTC1:
Hồng Liên