Biệt thự cổ bị sập từng được đề nghị phá dỡ nhiều lần

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan vụ sập nhà cổ Trần Hưng Đạo, phản pháo lại Sở Xây dựng HN, Lãnh đạo ngành Đường sắt cho biết, đã nhiều lần xin phá dỡ nhưng không được chấp nhận.

Sáng 23/9, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố về sự cố sập nhà cổ Trần Hưng Đạo, Hà Nội, quy trách nhiệm vụ sập biệt thự cổ thuộc Tổng công ty Đường sắt VN.
Tuy nhiên, chiều 23/9, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2008 và 2009, ngành Đường sắt đã có nhiều văn bản báo cáo UBND, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đề nghị cho di dời dân cư trong khuôn viên khu biệt thự để phá dỡ biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, xây trụ sở làm việc mới nhưng UBND TP Hà Nội không chấp nhận, do tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc diện biệt thự cổ phải bảo tồn.
Biet thu co bi sap tung duoc de nghi pha do nhieu lan
 Căn biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bất ngờ bị sập trưa 22/9.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khu đất 107 Trần Hưng Đạo - Hà Nội nằm trong quần thể khu vực Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội), được khởi công xây dựng năm 1900, hoàn thành năm 1905 có diện tích đất 2.800,4 m2, gồm 7 ngôi nhà với tổng diện tích sàn xây dựng 2.669 m2 làm trụ sở làm việc và nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Tổng công ty đã ký hợp đồng thuê nhà, đất tại 107 Trần Hưng Đạo với thành phố Hà Nội. Trước năm 2000 là đóng tiền thuê nhà, từ những năm 2000 đến nay là nộp tiền thuế sử dụng khu đất này.
Do thời gian sử dụng đã lâu, công trình (ngôi số 1) bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm, do đó, Tổng công ty đã có nhiều văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho phép di dời các hộ gia đình trong khuôn viên 107 và phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (văn bản số: 2642/ĐS-CSHT ngày 26/11/2008, số 510/ĐS-CSHT ngày 26/3/2009).
Năm 2013, Bộ Tài chính có văn bản thống nhất để ngành Đường sắt giữ ngôi nhà lại, tiếp tục làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố, liên hệ với Sở Xây dựng để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ngày 5/8/2015, ngành Đường sắt có văn bản xin ý kiến của Sở Xây dựng trả lời dứt điểm có phải là tài sản công theo chỉ đạo của Bộ Tài chính không; nếu tài sản của ngành Đường sắt thì được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các cơ quan của Hà Nội chưa trả lời, chưa có văn bản của TP Hà Nội xác nhận quyền sở hữu ngôi nhà này thuộc ngành Đường sắt.
“Tổng công ty muốn di dời các hộ dân hợp pháp ra chỗ khác và đầu tư xây dựng tại 31 Láng Hạ làm khu tái định cư, dành cho đường sắt đầu tư trụ sở làm việc ở khu đất 107 Trần Hưng Đạo. Hà Nội đồng ý cho ngành đường sắt đầu tư xây dựng tại số 31 Láng Hạ, nhưng tại số 107 Trần Hưng Đạo thì thủ tục pháp lý tòa nhà còn vướng mắc vì là bảo tồn cổ nên lãnh đạo thành phố Hà Nội chưa chấp thuận và Sở Xây dựng cũng không phản hồi dù VNR đã có nhiều văn bản gửi đi,” ông Hoạch khẳng định.
Hồng Liên (Tổng hợp)