Liên quan đến
vụ việc xảy ra ở Bắc Ninh, khi cha đẻ nhẫn tâm đánh con ruột của mình một cách dã man và hậu quả cuối cùng là cháu bé đã tử vong, báo Kiến thức đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH, người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em về vấn đề này.
Thưa ông! Qua sự việc một người cha dùng vật cứng đánh con đẻ của mình một cách dã man và hậu quả là cháu bé đã tử vong gây rúng động dư luận trong những ngày qua, ông đánh giá như thế nào về sự việc trên nói riêng và tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay nói chung?
- Tôi rất buồn khi biết tin, bố đẻ dùng điếu cày đánh đập chính con đẻ của mình rất dã man ở Bắc Ninh ngày 15/3 và tôi đau lòng hơn khi hôm qua nghe tin cháu Lộc đã tử vong tại bệnh viện Việt Đức.
Đây là trường hợp rất thương tâm nhưng đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên; bởi chuyện trẻ bị đánh đập do hàng xóm làng giềng, do cha mẹ đã xảy ra rất nhiều và bây giờ vẫn tiếp tục xảy ra.
Qua vụ việc này, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải gióng lên hồi chuông cảnh báo một bộ phận không nhỏ người lớn nói chung và chính các bậc làm cha, làm mẹ nói riêng đối với trẻ em và đối với chính con em mình.
|
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH. |
Theo ông, để xảy ra việc đau lòng trên, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai?
- Đối với vụ việc của cháu Lộc thì trước hết cần phải xem xét lại trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân xung quanh và mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Trong suốt 2 năm cháu bé về ở với bố đẻ, cháu thường xuyên bị bố đánh đập, nếu chính quyền địa phương phát hiện và can thiệp kịp thời thì chắc không xảy ra chuyện ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta cần phải xem lại công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em chúng ta ở các địa phương hiện nay?
Chính bản thân tôi đã có mặt tại Bắc Ninh vào đúng ngày hôm xảy ra vụ việc trên, tôi thấy một điều rõ ràng rằng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương là châm trễ.
Bởi thế, trách nhiệm của những người lãnh đạo, của những người làm công tác bảo vệ trẻ em và chính quyền là rất lớn. Trách nhiệm này đã được chính phủ quy định rõ: “Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, thì người đứng đầu chính quyền đó phải chịu trách nhiệm”.
Nhưng thực tế, hiện nay rất nhiều vụ bảo hành trẻ em xảy ra trên cả nước nhưng chưa hề có một lãnh đạo chính quyền địa nào bị kỷ luật hay khiển trách.
Một vấn đề còn tồn tại ở tỉnh Bắc Ninh đó là việc, đầu tư kinh phí cho vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tỉnh Bắc Ninh là một trong nhưng tỉnh đầu tư cho chăm sóc, bảo vệ trẻ em rất ít. Qua quá trình theo dõi, tôi nhận thấy con số đầu tư của tỉnh cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em là thấp nhất so với cả nước. Hiện tỉnh Bắc Ninh có khoảng 600.000 trẻ em nhưng đầu tư ngân sách chỉ có khoảng 2 tỷ đồng. Thử hỏi chia đầu người ra thì sẽ được bao nhiêu?
Ngoài những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, thì một điều cũng rất đáng lên án đó chính là sự vô cảm và sống thiếu tình người của hàng xóm láng giềng. Nói vậy là vì, có nhiều người biết cháu bé bị đánh nhiều lần mà vẫn dửng rưng không hề can ngăn hay khai báo với chính quyền.
Trước tình trạng bạo lực trẻ em ngày càng gia tăng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng hệ thống đường dây nóng bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, đường dây nóng đó là gì? thì rất ít người biết. Vậy ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Điều đó là hoàn toàn đúng! đường dây nóng đã đi vào hoạt động nhiều năm nay và nó cũng đã phát huy rất hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động còn rất hẹp.
Tôi phải dám khẳng định, không phải ai cũng biết về đường dây nóng này, nhất là ở các tỉnh và vùng nông thôn. Bởi thế, trong thời gian tới chúng ta cần tuyên truyền và lan rộng hơn nữa để toàn xã hội đều biết đến.
Hơn nữa, muốn đường dây nóng hoạt động được hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng đặc biệt là công an và y tế. Bởi Cục chăm sóc và Bảo vệ trẻ em chỉ là bộ phận tiếp nhận phản án. Nên không phải cứ gọi đến đường dây nóng là có người của cục đến cứu.
|
Cháu Đõ Doãn Lộc, nạn nhân của vụ bạo hành do chính cha đẻ gây ra |
Là một người công tác lâu năm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vậy theo ông trong thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để hạn chế đến mức tối đa tình trạng bạo hành trẻ em?
- Trước hết phải nhanh chóng xây dựng và phát triển mạng lượng bảo vệ trẻ em trong toàn thể cộng đồng, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh một cách đồng bộ. Đồng thời cũng phải xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và kỹ năng .
Hiện, cả nước chỉ có khoảng hơn 50.000 cộng tác viên làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong khi số lượng xã phường trên cả nước là rất lớn, nên việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, phải có sự phối hợp và can thiệp kịp thời giữa các ban ngành đoàn thể và kể cả là người dân để ngăn ngừa nhưng hành động bạo lực đối với trẻ em, chứ ko thể đợi đến khi sự việc xảy ra rồi, lúc đó ngành chính quyền mới biết.
Tiếp theo, bảo vệ trẻ em phải làm đúng như khẩu hiệu chúng ta thường hay nói là: “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em”…Vì thế phải có sự ăn nhập giữa đầu tư ở các cấp chính quyền với khẩu hiệu đối với trẻ em, để cho trẻ em được sống 1 cách an toàn và lành mạnh, để không còn trường hợp thương tâm nào, như trường hợp cháu Lộc vừa rồi.
Lê Phương