Vụ việc này một lần nữa báo động về sự tồn tại của những luật tục trong đồng bào dân tộc thiểu số trên đại ngàn Tây Nguyên.
|
Ma Kiệt và câu chuyện phạt vạ phó công an xã. |
“Ngồi lên người” là có ý đồ xấu
Kể chuyện với chúng tôi, một trong ba nhân vật của vụ việc trên là anh Ma Kiệt (36 tuổi, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã không ngại ngần tường thuật đầy đủ mọi chi tiết.
Anh Ma Kiệt cho biết vợ chồng anh sống bằng nghề buôn bán tạp hóa và sửa chữa xe máy. Anh vốn yêu thể thao nên anh đi đánh bóng chuyền trong huyện 3 ngày liên tiếp khiến chị Mí Kiệt (30 tuổi) buồn giận.
Khuyên chồng nhiều lần nhưng không được nên chị cũng chán nản bỏ bê công việc ở cửa hàng tạp hóa. Ma Kiệt chơi thể thao xong lại tham gia liên hoan nhậu nhẹt khiến vợ càng bực tức. Để hả cơn giận trong bụng, chiều ngày 10-11-2013, chị Mí Kiệt rủ hai người họ hàng đi… nhậu. Vừa nhậu chị vừa bảo đứa con trai 10 tuổi đi gọi chồng về xem.
Nghe con trai kể lại chuyện, Ma Kiệt thấy việc lạ lùng nên chạy về nhà. Về đến nơi thì chị Mí Kiệt đã say nên dìu vợ vào giường nằm nghỉ. Chẳng may chị Mí Kiệt lúc này bị trúng gió nên người chồng lấy dầu xoa và để vợ nghỉ ngơi. Khoảng 30 phút sau thì nhóm cán bộ xã Ia Rmok kéo đến quán gọi bia ra nhậu lai rai.
Cùng tham gia có Phó Công an xã là Ksor Dơr (35 tuổi, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Trong cái lạnh giữa cơn mưa đêm lất phất, sau khi uống hết hai thùng bia, đoàn cán bộ ngà ngà say nhưng vẫn gọi thêm thùng bia nữa ra uống.
Lúc này đứa con trai của anh Ma Kiệt bỗng dưng bị đau bụng, nôn mửa. Không biết con bị bệnh gì, Ma Kiệt hốt hoảng đưa con trai xuống huyện nhập viện đến mãi khuya mới về nhà. Khi cha về, đứa con trai 10 tuổi kể lại sự việc xảy ra lúc cha vắng nhà.
Theo lời cậu bé thì đám người cán bộ xã nhậu đến 21 giờ tối thì bỗng dưng mẹ vật vã lăn đùng xuống đất. Cậu bé lúc này đang ở trong nhà thấy vậy nên hốt hoảng chạy ra gọi các cán bộ vào giúp đỡ. Khi mọi người vào phòng thì thấy chị Mí Kiệt nằm trên nền nhà, miệng sùi bọt mép, mặt mày tím tái.
Xem kĩ lại thì mới biết nguyên nhân là Mí Kiệt đã bị trúng gió. Rủi thay, lúc vợ hoạn nạn, chồng chị lại không có ở nhà, đứa con trai mới 10 tuổi chỉ biết ú ớ. Nếu không “bắt gió” kịp thời thì Mí Kiệt sẽ gặp nguy hiểm.
Tệ hại hơn nữa trong đám người có mặt tại nhà chị Mí Kiệt lúc đó chẳng có ai biết cách cạo gió. Lo cho tính mạng người phụ nữ gặp nguy hiểm, lúc này anh Ksor Dơr tình nguyện vào để “bắt gió” cho Mí Kiệt. Lúc “bắt cái gió”, chẳng biết cố ý hay vô tình mà vị Phó Công an xã này đã ngồi lên bụng của người phụ nữ.
Khi Ksor Dơr “bắt gió” cho chị Mí Kiệt xong thì trời mưa to, điện bị cắt, nhà tối om. Ksor Dơr loay hoay tìm đôi dép để về nhưng lại vô tình đá dép văng vào gầm giường. Mò mẫm lúc lâu không tìm được dép, Ksor Dơr đành đi chân đất ra về.
Nghe con trai kể lại chuyện Ma Kiệt vẫn không tin được. Hỏi vợ thì chị Mí Kiệt vì lúc đó mê man nên chẳng biết trời trăng mây gió. Thấy cha mẹ không tin chuyện mình kể, cậu bé dắt cha vào phòng và chỉ tay xuống đôi dép cao su dưới gầm giường bố mẹ. Thấy quả là đôi dép của Phó Công an xã Ksor Dơ đã đi khi đến nhà mình nhậu ngày hôm trước, Ma Kiệt mới tin đó là sự thật.
Cho rằng trong lúc vắng nhà, Ksor Dơ đã dám ngồi lên người vợ mình anh chồng nổi cơn ghen. Ma Kiệt giận dữ kéo cả họ hàng đến nhà ông phó công an xã để “hỏi tội”. Sau một lúc hốt hoảng, Ksor Dơr mới biết mình bị nhà Ma Kiệt buộc tội “ngồi lên người” Mí Kiệt.
|
Ngôi nhà Rông nơi diễn ra phiên "xử án" |
Phạt vạ ân nhân cứu vợ
Trong ngày hôm sau đó, Phó Công an xã bị đám người nhà Mí Kiệt kéo ra giữa làng xử tội. Buổi phân xử Ksor Dơr và nhà Mí Kiệt được diễn ra trước sự chủ trì của già làng cùng người dân trong buôn. Ma Kiệt tố cáo rằng Ksor Dơr dám leo lên bụng vợ mình và có hành vi làm nhục Mí Kiệt.
Già làng hỏi Ksor Dơ có ngồi lên bụng Mí Kiệt không, Ksor Dơ đã thừa nhận mình có leo lên bụng bà Mí Kiệt. Vị Phó Công an xã cũng giải thích mình làm như vậy là để tiện việc “cạo gió”, ngoài ra không có làm gì gây đau đớn hay làm nhục chị này cả. Nghe vậy, Ma Kiệt buộc tội Ksor Dơ rằng “ngồi lên bụng cũng là làm nhục rồi”.
Trước tất cả lập luận, ông Phó Công an xã chỉ biết cãi rằng mình “bắt cái gió” là để cứu người mà cũng có tội à? Nghe vậy Mí Kiệt lại cãi cự: “Tao kêu mày cứu tao à?”. Đắng họng với gia đình nhà Mí Kiệt, Ksor Dơr đành chịu thua, đã chịu thua tức là có tội. Theo luật tục, việc Ksor Dơr ngồi lên người Mí Kiệt là phạm tội xúc phạm đến người phụ nữ và gia đình.
Để bồi thường danh dự cho gia đình Mí Kiệt, Ksor Dơ phải nộp cho họ 40 con bò. Vị Phó Công an xã nghe hình phạt mà rùng mình, bởi 40 con bò với giá ít nhất 10 triệu đồng một con thì anh làm cả đời cũng không kiếm đủ để nộp. Van xin, trả treo mãi Ksor Dơr mới xin Ma Kiệt giảm hình phạt xuống còn 4 con bò.
Kể lại buổi phân xử, ông Ma Chuông (Chủ tịch xã Ia Rmok) cho biết: “Chiều hôm đó, cán bộ xã trực để phòng chống cơn bão đang chuẩn bị vào. Trực từ sáng đến chiều chẳng có gió bão gì nhóm cán bộ xã rủ nhau đi đến tiệm tạp hóa của chị Mí Kiệt nhậu thì xảy ra chuyện.
Việc Ksor Dơr ngồi lên bụng Mí Kiệt để cạo gió là có thật, nhưng chỉ là để cứu người thôi. Gia đình Ma Kiệt lại dắt nhau đi kiện, buộc Ksor Dơr phải bồi thường đến 4 con bò. Hình phạt dành cho Ksor Dơr chẳng căn cứ luật pháp nào cả, tất cả cũng từ cái luật tục mà ra.
Mà luật tục thì xưa nay đã có vậy rồi, chẳng có văn bản giấy tờ gì cả nhưng ai cũng phải tuân theo”.
Phó công an xã “vay” bò của mẹ vợ để nộp phạt
Sau hơn 3 tháng xảy ra câu chuyện bi hài nhưng mỗi lần nhắc lại người dân xã Ia Rmok đều tiếc nuối cho một cán bộ trong xã có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn không thể cãi lại luật tục. Nhà nghèo, Ksor Dơr phải về nhà mẹ vợ xin bò về nộp phạt.
Gặp vị Phó Công an xã mới thấy được nỗi buồn hiện ra rõ trên nét mặt chân chất của anh. Anh cho biết, cuộc sống gia đình anh bình thường vốn đã khó khăn khi với lương cán bộ chưa lo đủ cái ăn cái mặc cho gia đình. Vợ chồng cưới nhau từ 10 năm mới tằn tiện được ít tiền dựng căn nhà nhỏ. Thế nhưng từ ngày bị phạt vạ, cuộc sống của gia đình vị Phó Công an xã này chìm trong nỗi buồn u uất.
Kể lại chuyện về nhà mẹ vợ để xin bò đi nộp phạt, Ksor Dơ buồn rầu không nói nên lời. Gia đình bên anh vốn nghèo nên chẳng có trâu bò cũng chẳng có tiền cho anh. Đền 4 con bò cũng phải mất đến 40 triệu đồng, số tiền này anh không dám mơ chứ đừng nói là có hay không.
Vậy nên vác mặt về nhà mẹ vợ với anh là bất dắc dĩ. May mắn cho anh khi nghe câu chuyện của anh kể lại, gia đình mẹ vợ cũng thấu hiểu. Hơn thế nữa gia đình cũng không muốn con gái mình phải khổ nên đành buộc bụng bán rẻ bò cho con rể.
Nộp phạt xong để có tiền trả cho mẹ vợ, anh phải tranh thủ làm thuê làm mướn vào hai ngày nghỉ mỗi tuần. Ngày nghỉ, vị Phó Công an xã đi nhổ sắn thuê đến tối mịt mới về nhà trong bộ dạng lem luốc.
Kiếm được hơn 100.000 đồng mỗi ngày nhưng phải làm lụng vất vả vô cùng. Chẳng những khổ vì nợ nần, Ksor Dơr lại khổ tâm vì nỗi oan khó xóa mà với người dân nơi đây thì luật tục còn mạnh hơn cả luật pháp, bởi “phép vua thua lệ làng”.
Vụ việc bi hài này khiến người trong cuộc người thì xấu hổ, bẽ bàng, người thì còng lưng làm trả nợ, mà không biết đến bao giờ mới hết.
Theo An Ninh Thủ Đô