Trưa 20/11, nhiều chuyến bay trong nước và quốc tế không thể hạ cánh được vì thiếu thông tin dẫn đường từ đài kiểm soát không lưu. Lý do, sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM bị mất điện.
|
Bốn chuyến bay của Vietnam Airlines phải bay chờ từ 20-30 phút trên trời. |
Nguyên nhân dẫn đến sự cố này chưa từng có trong lịch sử của ngành hàng không Việt Nam lẫn lịch sử hàng không thế giới.
Mất điện sân bay: kịch bản cũ tái diễn?
Sự việc xảy ra lần này không phải là lần đầu tiên sân bay Tân Sơn Nhất bị mất điện, không sử dụng được hệ thống điện dự phòng ngay lập tức.
13h ngày 16/6/2013, sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM đột ngột bị mất điện. Gần 1 tiếng đồng hồ sau (14h), điện mới được cung cấp lại cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Mới đây, sự cố mất điện lặp lại trưa ngày 20/11/2014. Sự cố xảy ra từ 11h05 đến 12h19 thì trở lại bình thường.
Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không cho biết, nguyên nhân của vụ mất điện toàn phần này là do mất nguồn cung cấp điện từ các thiết bị cung cấp điện dự phòng (UPS) cho hệ thống thiết bị điều hành bay của trung tâm (để điều khiển bay).
Cụ thể hơn, nguyên nhân trực tiếp do 1 trong 3 UPS bị hỏng (mỗi UPS có khả năng cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống thiết bị điều hành bay hoạt động), khi khởi động lại thì 2 UPS còn lại cũng bị hỏng. Hệ thống thiết bị điều hành bay không tiếp nhận được nguồn điện để hoạt động.
Đây là sự cố an toàn kỹ thuật nghiêm trọng và chưa từng xảy ra. Ông Thanh nói: Sự cố mất điều hành trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh xảy ra ảnh hưởng đến hàng loạt chuyến bay, nhiều chuyến phải lơ lửng trên trời. Có chuyến phải đáp xuống sân bay dự bị, có chuyến phải chuyển hướng bay … và được điều hành bằng phương pháp cổ điển không ra-đa.
Cũng sau sự cố này, Cục Hàng không VN đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) tạm thời đình chỉ nhân viên kỹ thuật, kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố.
Tại thời điểm xảy ra sự cố có 54 máy bay trong khu vực trách nhiệm của ACC HCM và trong thời gian xảy ra sự cố có tổng số 92 máy bay bị ảnh hưởng. Nhiều máy bay trong Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh và các FIR Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hoặc hạ cánh tại sân bay dự bị.
“Nên thay thế cán bộ không đủ chuẩn”
Phản ứng về sự cố trên, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP.HCM) chia sẻ, đây là một sự cố nghiêm trọng mang tính hệ thống và thiệt hại lớn hơn cả sự cố suýt va chạm nhau của 2 máy bay.
Ông Nghĩa khẳng định: “Phải mau chóng xem xét lại nguyên nhân một cách toàn diện và chuẩn xác để có biện pháp khắc phục ngay”
Cũng theo ông Nghĩa, cần phải tìm hiểu bản chất, quy mô và tính chất của sự cố. Sau đó xác định nguyên nhân là do cá nhân hay hệ thống để có hướng xử lý. Nếu như đã từng xảy ra sự việc này từ trước thì nên rút bài học, không nên để cho chỉ một mình tổ chức, nơi xảy ra sự cố điều tra xem xét. Mà cần có sự điều tra bởi những nhóm độc lập, khách quan, thậm chí nếu cần, hãy mời chuyên gia quốc tế.
Ông Nghĩa cho rằng, ngành hàng không là một ngành chất lượng cao nên cần phải có chuẩn, thậm chí là chuẩn “zero” về sai sót. Ngoài ra, phải thường xuyên rà soát lại, kiểm tra đánh giá và thay thế những cán bộ không đủ chuẩn, kể cả với những cá nhân được tuyển chọn đúng đắn.
Người dân phẫn nộ với nguyên nhân
Khó có thể chấp nhận được nguyên nhân có tới ba nguồn điện để phục vụ điều hành bay lại mất hết cả ba.
Theo anh Lê Hồng Lợi (Q. Thủ Đức) thì sự cố này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cấp quản lý, không kiểm tra sát sao. “Nếu dự phòng mà hư thì dự phòng làm gì?”. Anh cho rằng đây không chỉ là an toàn bay, an toàn tính mạng con người mà nó còn là bộ mặt của một quốc gia.
Đề xuất thêm về hướng giải quyết vấn đề, anh Hồng Lợi (Thủ Đức , TP.HCM) cho rằng, theo báo cáo trong hoạt động quản lý bay mà báo chí thông tin thì chất lượng trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng của đội ngũ còn thấp.
Do vậy cần phải xem xét, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ lại một cách toàn diện và toàn bộ.
Bạn đọc Công Đôn comment: Hàng không VN “dính” quá nhiều vụ việc trong năm vừa qua: máy bay rơi bánh, đáp sai sân bay, cấp lệnh bay sai do nhân viên thực tập, trực thăng quân sự và máy bay dân dụng suýt đâm nhau, xếp hạng sân bay tồi của châu Á..? Vậy thử hỏi các lãnh đạo nghĩ gì? Hay là tai nạn rồi mới...rút kinh nghiệm?
Bạn đọc Hoàng Nam Long nói: “chuyện cứ như đùa, đài không lưu mà mất điện cả giờ đồng hồ. Khi nói việc xây dựng sân bay Long Thành người ta nói là để nâng tầm sân bay, rồi để thành sân bay lớn trong khu vực. Với cách quản lý thế này thì liệu xây dựng xong sân bay Long Thành rồi nó sẽ ra sao?”
Bạn đọc Huynh Chi Khai hoảng hốt : “Giống như trên phim, khi sân bay bị bọn khủng bố ngắt điện làm cho hàng loạt máy bay không thể hạ cánh phải bay vòng vòng trên bầu trời để …hết xăng rồi rơi xuống. Chỉ nghĩ đó là sự cố giả lập trên phim ảnh, ai ngờ ở VN xảy ra hiện tượng gần giống. Chỉ nghĩ thôi đã rùng mình!!!”
Độc giả Trịnh Hòa Bình đề nghị : “Sự cố này không những thiệt hại nặng nhiều hãng hàng không và nhất là làm mất uy tín hàng không Việt Nam, Cục trưởng cục hàng không phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên .
Theo tôi, dự phòng cho việc mất điện được chuẩn bị trước nhưng cơ sở không tập dượt, lãnh đạo buông xuôi không kiểm tra nên khi sự cố xảy ra, trở tay không kịp. Hãy kỷ luật nghiêm những cá nhân liên quan thiếu trách nhiệm để không bao giờ xảy ra sự cố như vừa rồi”
Theo Tuổi Trẻ