Sau khi công an quận Tân Bình (TP HCM) thông báo sẽ bàn giao hơn 5 triệu yen (khoảng 1 tỷ đồng) vào chiều 19/5, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: "Cảm giác của tôi giờ vui lắm vì vụ việc sắp được giải quyết, chỉ còn vài ngày thôi, không phải chờ đợi trong hồi hộp nữa".
|
Người phụ nữ mua ve chai cười vui khi biết mình sẽ được giao lại 5 triệu yen. |
Từ trụ sở công an quận về, chị Hồng liền đẩy chiếc xe mua ve chai đi làm vì có mối quen gọi. Có người sửa nhà, cần bỏ bớt một số vật dụng nên nhờ chị chở đi, tiền công được 150.000 đồng. "Đây là ngày 'trúng mánh' của tôi, vì không phải lúc nào cũng kiếm được số tiền đó", chị cho biết.
Có người hỏi chị làm việc với công an cả buổi sáng, sao không nghỉ một ngày cho khỏe? Chị ve chai nhặt được 5 triệu yên trả lời: "Làm nghề ve chai nhờ có mối, họ tin tưởng nên mới gọi, nên đâu thể nghỉ. Mà tôi đã nhận được đồng nào đâu, vẫn phải đi làm để có tiền sinh sống".
Chị chia sẻ nếu nhận được tiền, đầu tiên sẽ đi mua gạo cho hội người mù, tật nguyền và trẻ mồ côi trong khu vực. "Tôi ấp ủ dự định này từ lâu, mình đã nghèo nhưng thấy họ còn khổ hơn. Sau đó, gửi một phần về quê cho cha mẹ hai bên nội, ngoại sửa nhà vì sắp đến mùa mưa lũ mà nhà cửa đã xuống cấp", chị Hồng tâm sự.
Ngoài ra, 2 vợ chồng chị dành khoản tiền làm vốn mưu sinh, lo cho 2 con (con gái lớp 8, con trai lớp 5). Chị nói dù có tiền ít hay nhiều, vẫn tiếp tục nghề thu mua ve chai, bởi nó đã gắn bó hơn 17 năm.
Trái với niềm vui của chị Hồng là sự thất vọng của bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM). Bà Ngọt cho biết chiều 18/5, Công an quận Tân Bình trao quyết định bác đơn xin nhận 5 triệu yen của mình, với lý do thời hạn một năm xác minh chủ sở hữu đã hết.
Bà nói: "Sau khi nhận quyết định của công an, tôi không còn hy vọng gì nữa, bởi vụ việc đã được quyết định. Một số người quen khuyên tôi bỏ cuộc, vì tất cả những giấy tờ liên quan không còn và ông Caleb không thể qua Việt Nam do đang trị bệnh ở Nigeria. Tôi đang cố gắng chấp nhận sự thật này".
Người phụ nữ này cho biết, thời gian qua bà rất mệt mỏi vì phải liên hệ các bên để tìm giấy tờ chứng minh số tiền là của chồng mình. Vì vụ này mà công việc buôn bán bị ảnh hưởng và tâm lý luôn căng thẳng.
"Tôi rất buồn vì nhiều người không hiểu sự việc, nói chồng tôi sử dụng giấy tờ giả, còn tôi là người tham lam nên mới xuất hiện đòi tiền. Chỉ đến khi nào người ta mất số tiền lớn như vậy, họ sẽ hiểu được những gì tôi trải qua", bà Ngọt tâm sự.
Theo Zing