Choáng váng bội chi ngân sách vì... tiếp khách

Google News

(Kiến Thức) - "Chi hàng trăm triệu đồng cho tiếp khách, thậm chí bội chi ngân sách vì tiếp khách không phải hiếm..." - ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra TƯ nói.

Họp 1 tiếng, nhậu thâu trưa
- Ông Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồng Dân (Bạc Liêu) vừa gửi văn bản đến lãnh đạo cấp trên đề nghị làm rõ bội chi ngân sách trong thời gian chính ông làm Chủ tịch UBND huyện. Số tiền bội chi ngân sách lên đến trên 8 tỷ đồng, trong đó có khoản như chi tiếp khách lên đến 1,2 tỷ đồng. Ông có giật mình với câu chuyện này?
Trước nay có tình trạng tiếp khách tràn lan, cấp xã, cấp huyện hay cấp trung ương đều có tình trạng đó. Tiền tiếp khách đều từ ngân sách chứ có ai bỏ tiền túi ra tiếp khách đâu. Tôi nghĩ đây không phải là chuyện gì cá biệt, có điều ở nơi này nơi khác thì mức độ nó khác nhau.
- Tiếp khách thì đương nhiên và bình thường. Nhưng theo lẽ thường, nơi nào phát triển nhiều, cơ hội giao thương lớn, dịch vụ sôi động... thì hoạt động tiếp khách mới nhiều. Chứ một huyện nghèo như Hồng Dân mà khách đến thăm tấp nập thế thì người ta đặt câu hỏi?
Đúng là khách đến một nơi nào đó phải có một nhu cầu nhất định. Những nơi có "màu" nhiều thì khách đến nhiều. Không có "màu" gì thì chắc là không ai đến đâu. Nhưng một huyện nghèo mà chi tiền tiếp khách như thế thì đúng là quá lớn. Thế thì không hiểu những nơi có dự án nọ, dự án kia thì tiền tiếp khách sẽ như thế nào. Những khoản đó đều là từ ngân sách, từ tiền của dân mà ra thôi.
- Theo ông vấn đề này thực sự đã đến mức báo động?
Tôi không có trong tay con số cụ thể của các địa phương, nhưng tôi cũng tiếp xúc nhiều với việc kiểm tra ở địa phương và biết rõ việc tiếp khách đang là một vấn đề nan giải ở nhiều nơi.
- Ông có cho rằng nguyên nhân là do cán bộ thích tiếp khách?
Gốc của vấn đề là cán bộ. Cán bộ có quyền quyết định việc tiếp khách như thế nào. Nhưng ở phía "ông khách", cũng có thể vì một lợi ích nào đó mà ông ấy mới xuống cơ sở để viếng thăm. Rồi có thể địa phương có dự án A dự án B, thì cũng phải tổ chức việc đón tiếp sao cho chu đáo, long trọng để còn "tranh thủ" chứ.
- Ý ông là thực trạng xuất phát từ cả hai phía?
Đúng thế. Chủ nhà phải có ý nào đó, phải có quyền lực thì mới quyết định việc tiếp khách được. Có thể vì lợi ích riêng, nhưng cũng có thể vì lợi ích của địa phương mình. Còn "ông khách", nếu không nghiêm túc thì công việc đáng lẽ họp một tiếng xong, ông cứ dềnh dang đến tận trưa. Thế là vì phép lịch sự, người ta lại phải tổ chức mời cơm. Trước đây tôi ở cơ sở, tôi thường hay gặp tình trạng này lắm. Nếu địa phương đón tiếp không nhiệt tình là có thể gặp những khó khăn cho công việc sau này.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 
Chả lẽ, cấp trên xuống đến bữa mà không mời!
- Theo ông thì "chủ nhà" là các địa phương có thích việc tiếp khách không?
Cũng có thể họ không thích đâu, nhưng buộc phải thích. Không muốn, nhưng vẫn phải chiều. Đặc biệt là những địa phương mà ngân sách còn khó khăn, họ không thích nhưng họ vẫn buộc phải chi cho những khoản quà cáp, họp hành, ăn uống. Chẳng nhẽ một đoàn công tác cấp trên xuống, mà bữa trưa đến rồi lại để các ông ấy về không. Mà chừng đó người, cộng với dăm bảy người địa phương nữa mà ra quán thì một vài triệu đồng đâu có nghĩa lý gì.
- Ông đã bao giờ rơi vào trường hợp này khi ở vị trí là khách?
Có lần tôi đi kiểm tra ở địa phương, tôi thấy một vị nọ cứ lăng xăng chuẩn bị một chai rượu có giá vài triệu đồng, lúc đó vài triệu lớn lắm, để biếu một ông lãnh đạo cấp trên xuống công tác. Tôi hỏi vì sao lại phải biếu rượu đắt thế, họ bảo: "Việc phải thế. Giờ ai còn uống rượu cuốc lủi nữa. Muốn xong việc thì phải thế thôi". Qua theo dõi đến bây giờ thì tôi thấy tình trạng này không giảm là mấy, có địa phương thì nó còn nặng nề hơn. Có nơi còn "cắm quán để tiếp khách.
- "Cắm quán" để tiếp khách - ông giải thích thuật ngữ này thế nào?
Nghĩa là có sẵn một số cửa hàng chuyên để tiếp khách. Chỉ cần alo là chủ nhà hàng biết phải chuẩn bị những món gì, tiếp trong phòng nào. Có tiền thì thanh toán ngay, không có tiền thì cứ để đó, trả sau. Mà họ chỉ vào quán quen thôi chứ không tùy tiện đâu.
- Vì sao thế ạ?
Thì quán quen đã biết mặt, biết khách, biết thói quen rồi, nên việc thanh toán lúc nào cũng được. Hơn nữa, trong một vài trường hợp thì cũng phải chọn quán quen cho nó an toàn chứ. Nói chung, quán quen thì đỡ phức tạp.
Phải "biến hóa" khoản tiếp khách
- Vấn đề là trong những quy định về tài chính thì hình như không có khoản nào dành riêng cho tiếp khách?
Thực ra thì cũng có những quy định hành chính, trong đó có khoản chi tiếp khách, nhưng không ai quy định khách của huyện thì được mấy trăm triệu, khách của xã thì được mấy trăm triệu. Họ chỉ khoán chi hành chính trong cả năm là bao nhiêu tiền, trong đó có khoản tiếp khách. Để hợp thức hóa chứng từ hóa đơn thì các địa phương thường "biến hóa" khoản tiếp khách thành các khoản khác có trong danh mục cho phép chi.
- Những trường hợp "chủ nhà" không muốn mà vẫn phải tiếp thì chắn hẳn họ khổ tâm lắm?
Có người không muốn cũng phải tiếp, trong lòng có thấy xót ruột nhưng cũng không biết làm thế nào được. Nên phải tính toán chi bao nhiêu cho hợp lý. Giống như trong gia đình, thu nhập có như thế, dành bao nhiêu để tiếp đãi bạn bè thì cũng phải tính toán. Không thể cứ ăn uống mua bán tùm lum. Còn ở góc độ là khách, nếu biết ý một chút, biết rõ hoàn cảnh gia đình của gia chủ một chút, thì ông sẽ chỉ đi một mình, hoặc cùng lắm là rủ thêm một người nữa, chứ ông không túm tụm tụ tập lại cho vui.
- Ông nghĩ thế nào về hành động của ông phó bí thư tỉnh ủy đề nghị kiểm điểm chính mình vì để xảy ra bội chi ngân sách quá lớn của địa phương?
Ông ấy phải chịu trách nhiệm cụ thể bằng từng hành động, phải bị xử lý vì để xảy ra tình trạng này chứ không thể nói xin nhận lỗi là xong. Dù rằng hành động tự nhận đó là đáng hoan nghênh. Ai cũng để xảy ra lỗi và xin nhận trách nhiệm mà không bị xử lý gì thì xã hội nó sẽ cứ bùng nhùng mãi. Phải xử lý bằng cách chức hoặc thông báo rộng rãi thì nó mới có tính răn đe. 
- Theo ông thì liệu có khắc phục tình trạng này?
Cái gốc là công tác cán bộ. Nếu cán bộ xấu thì chẳng có cơ chế nào cả. Kể cả là những cán bộ cấp thấp nhất như trưởng thôn thì cũng có những kẽ hở để làm lợi.
- Xin cảm ơn ông!
"Để khắc phục tình trạng tiếp khách tràn lan thì càng ở cấp cao càng phải làm gương, cán bộ càng ở cấp trên thì lại càng phải gương mẫu. Đừng để việc ăn uống bia rượu trở thành gánh nặng cho chính bộ máy".
Tô Hội (Thực hiện)