Theo các chuyên gia, việc xử lý hóa chất, chất thải độc hại không đúng quy trình, kỹ thuật sẽ gây tác hại khôn lường tới môi trường sinh thái và sức khoẻ con người.
Gián tiếp gây hại sức khoẻ
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện TNMT, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, những thùng phuy hóa chất và bao bì thuốc trừ sâu được chôn trong lòng đất từ nhiều năm nay đều có thể gây độc hại cho môi trường sinh thái và sức khoẻ con người, nhất là với thuốc trừ sâu thuộc độc bảng 1 đa số có các thành phần độc như methyl, Pural, etyl, DDT, 666, thuốc diệt nấm, bóc đô...
Toàn bộ chất độc hại nguy hiểm, nếu chôn xuống đất dù có để trong bao bì là thùng phuy thì chỉ vài ba năm là gỉ sét, nhất là khi chôn xuống vùng nước bị nhiễm axit, thì nguy cơ khi gỉ sét rất cao, hóa chất sẽ thấm vào môi trường đất, mạch nước ngầm, những giếng khoan 40 - 50m đều bị nhiễm nhanh chóng, nhiễm vào túi nước ngầm, nước thổ nhưỡng ở tầng cạn 2 - 3m. Hóa chất nhiễm vào không khí gây độc hại nhanh nhưng dễ xử lý còn ngấm vào đất thì gọi là "đất chết" vì khâu xử lý cần nhiều công đoạn, quy trình tốn kém. Nguy hại nhất là ngấm vào mạch nước ngầm thì "bó tay" không thể cứu chữa. Hệ sinh thái biến đổi hoàn toàn, hệ vi sinh vật, cây cỏ không thể sinh trưởng phát triển
Nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ dễ nhận thấy nhất là gây ngứa lở da, dị ứng. Sau đó là tích lũy vào cơ thể gây những bệnh cấp và mạn tính. Cấp tính gây ngộ độc như nôn mửa, chóng mặt. Có thể mắc các bệnh mù lòa, tê liệt thần kinh, suy hô hấp. Nếu lượng chất độc ảnh hưởng thấp thì sẽ tích lũy trong mỡ, gan, thận, khoảng 5 - 7 năm sau, có khi hàng chục năm mới phát ra các bệnh như ung thư.
|
Xe tải chở 15 thùng hoá chất do Công ty Cổ phần Nicotex tẩu tán bị người dân bắt giữ. Ảnh: Anh Tuấn |
Phải xử lý hóa chất độc đúng quy trình
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường TP.HCM cho rằng, các sản phẩm như thùng phuy chứa thuốc trừ sâu, bao bì đựng thuốc cho tới thuốc trừ sâu quá hạn đều quy vào chất nguy hại, chất thải, hóa chất nguy hại. Để xử lý chất thải này có nhiều phương pháp. Biện pháp xử lý đốt ở nhiệt độ cao trong lò chuyên dụng. Lò này có hệ thống đốt và hệ thống xử lý khí thải ngay tại chỗ. Trước đây, có những lô thuốc trừ sâu quá hạn sử dụng được giao cho Bộ Tư lệnh Hóa học xử lý. Để thực hiện nhiệm vụ xử lý hóa chất độc, đơn vị xử lý này phải kéo lò đi theo tới địa phương có thuốc quá hạn để xử lý tại chỗ, đi tới đâu đốt tới đó.
Do đó, những thùng phuy hóa chất trên sau khi lôi lên việc xử lý phải theo quy trình, quy định chặt chẽ, phải đem phân hủy ở nhiệt độ cao. Riêng đối với đất nơi chôn thuốc trừ sâu tại khu vực này phải khoanh vùng đem phân tích, kiểm tra tiêu chuẩn, hàm lượng độc hại, nếu thành phần chất độc vượt chỉ tiêu thì phải hót lên đem đốt hoặc phân hủy bằng cách chôn an toàn, lấy "đất chôn đất" bằng cách: Làm hố, lót vải chống thấm hai lớp, thu hồi nước gỉ ra để xử lý, chôn lấp đất trên bề mặt, trồng cây lên để bảo vệ và cắm biển báo khu vực nguy hiểm.
Sau thời gian chờ phân hủy, tiến hành kiểm tra lại hàm lượng tiêu chuẩn đất sạch thì mới được đưa vào sử dụng. Đối với nguồn nước ngầm thì rất khó khăn xử lý, nước giếng khoan ở tầng nông hay tầng sâu đều có thể bị ô nhiễm, nhiễm do thấm ngang, thấm dọc. Do đó, đều phải lấy mẫu phân tích, xét nghiệm. Phải kiểm tra nước giếng khoan, nồng độ ô nhiễm không khí và khám sức khoẻ cho nhân dân sống tại vùng này.
Gần 1.000 chữ ký khởi kiện Nicotex Thanh Thái. Chị Lê Thị Hạnh - trú tại thôn Hành Chính, xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) vừa thay mặt cho một số bà con ở trong vùng có nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu Nicotex Thanh Thái gửi đơn kêu cứu kèm theo gần 1.000 chữ ký bày tỏ nguyện vọng của người dân khởi kiện Nicotex Thanh Thái ra tòa để đòi bồi thường những thiệt hại về môi trường, sức khoẻ, sự sống của con người trong vùng bị ảnh hưởng.
Quỳnh Hương