Suốt hơn một tuần trong đau thương, khắc khoải, chứng kiến người dân cả nước tiễn biệt Đại tướng, mới hiểu hết tầm vóc vĩ đại của một con người đã dành trọn cuộc đời hơn một thế kỉ của mình chiến đấu, hi sinh vì dân vì nước.
Quốc tang kết thúc, thỏa mãn ước nguyện của dân dành cho vị Tướng yêu quí của mình. Nhưng trong lòng dân, không khí Quốc tang dường như vẫn chưa dứt. Hàng ngàn người vẫn đổ về Vũng Chùa dâng hoa bái biệt Đại tướng. Nhân dân cầu nguyện cho Người yên giấc ngàn thu.
Có lẽ thế mà dư âm hai ngày Quốc tang vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi người, để rồi có những chuyện không thể không suy ngẫm. Âu cũng là vì lòng kính yêu ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp!
1. Sáng 12/10, cử hành Lễ viếng Đại tướng. Hàng triệu người dân vì không thể có mặt trong Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) nên đành phải ngồi trước màn hình vô tuyến chờ đợi giờ phút trọng đại này. Kim đồng hồ nhích từng phút, từng phút. 7h30, 7h35 rồi 8h... Vậy là không có truyền hình trực tiếp Lễ viếng. Dân, triệu người như một, câu hỏi bật ra từ con tim: Tại sao?
2. Sáng 13/10, Lễ truy điệu Đại tướng. Mọi người dậy sớm, bật sẵn ti vi, chuẩn bị tâm thế để vĩnh biệt Người trong tâm tưởng và hòa cùng nỗi đau của triệu người Hà Nội, người Quảng Bình và người dân trên khắp mọi miền đất nước. Niềm đau đang dâng trào bỗng chững lại. Đoàn xe tang đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay Nội Bài về quê hương Quảng Bình vừa ra khỏi khu vực Nhà tang lễ Quốc gia thì truyền hình bỗng nhiên chuyển cảnh. Những tưởng chỉ là một vài phút trữ tình ngoại đề vốn có của nhà đài. Ai dè… trái tim triệu triệu con người đang theo dõi như thắt lại. Sao nỡ vậy, người ơi?
3. Đúng 12h trưa 13/10, khi đoàn linh xa chuẩn bị rời sân bay Đồng Hới ra Vũng Chùa, nơi tiến hành nghi lễ an táng Đại tướng thì thời gian qui định cho hai ngày Quốc tang cũng vừa hết và tại Quảng trường Ba Đình lúc ấy, cờ rủ Quốc tang được hạ xuống... chính xác đến từng giây.
4. 16h ngày 13/10: Lễ an táng Đại tướng ở quê Mẹ bắt đầu. Hàng triệu người dân chắp tay thành kính đứng trước màn hình ti vi. Dù không trực tiếp có mặt tại Vũng Chùa nhưng trong lòng ai cũng nghĩ, mình đang chứng kiến thời khắc của lịch sử: tiễn biệt lần cuối vị Đại tướng Anh hùng của Nhân Dân.
Bỗng, giật mình sửng sốt. Trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng ấy xuất hiện ông “nhà thơ nhập đồng” mà theo cô dẫn chương trình, đến Vũng Chùa chỉ để được lên hình đọc thơ.
Người đàn ông ấy tên là Hoàng Quang Thuận, người tự nhận là nhà thơ thần phật sau khi ra ba tập thơ. Thực tế, ông Thuận đang là Viện trưởng Viện công nghệ viễn thông, Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia tại TPHCM.
Ông Thuận quê ở Quảng Bình, người từng gây sốc khi tự dịch ra tiếng Anh hai trong ba tập thơ Thi Vân Yên Tử, Ngọa Vân Yên Tử và Hoa Lư thi tập để ứng cử dự giải Nobel văn chương năm 2009.
Giới văn chương đều coi ông Thuận mượn văn chương để PR tên tuổi và là người không từ một “thủ đoạn” nào để lăng xê mình trước truyền thông. Hành động “lên tivi” của ông Thuận sau đó cũng bị nhiều người làm văn nghệ vô cùng bức xúc. Trên thực tế, sau khi đọc thơ trước giờ chính thức phát truyền hình trực tiếp lễ an táng Đại Tướng, ông Hoàng Quang Thuận còn cố tình chen chân vào khu vực của các chính khách, sau đó tự đăng ảnh và thông tin: Nhà thơ Hoàng Quang Thuận và các lãnh đạo tham gia lễ tang Đại Tướng ở Quảng Bình trên trang cá nhân của mình.
5. Lễ tang Đại tướng diễn ra không giống với bất kì một lễ tang nguyên thủ nào, bởi linh cữu Người đi qua một chặng đường có lẽ là một kỉ lục guiness: 40 km từ Nhà tang lễ Quốc gia ra sân bay Nội Bài, 300 km đường hàng không từ Hà Nội vào Đồng Hới, rồi lại vượt 60 km đường bộ ra Vũng Chùa.
Nhìn cái hành trình đó, mọi người không phải không có lí do để mà lo lắng về an ninh, an toàn giao thông. Chỉ đến khi máy bay chở linh cữu Đại tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới lúc 11h55, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chưa thể yên tâm. Còn chặng đường 60 km từ Đồng Hới theo quốc lộ 1A ra Vũng Chùa? Thật may mắn, tất cả đều diễn ra tốt đẹp. Trời Quảng Bình sau mấy ngày mưa tầm tã, hôm ấy bỗng nắng ráo. Đất trời quê hương dường như cũng chiều theo lòng người, để giờ phút cuối cùng tiễn biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng diễn ra trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, xúc động.
6. Tuy nhiên, vẫn còn một chút lo lắng cuối cùng. Ấy là khi linh cữu đã được hạ huyệt. 5 phút, 10 phút, rồi 20 phút trôi qua mà những sợi dây dùng để nâng đỡ quan tài vẫn chưa rút lên được. Người linh thiêng để rồi cuối cùng, mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp.
Thế là Đại tướng đã từ biệt Nhân Dân đi vào cõi vĩnh hằng, yên giấc ngàn thu trong lòng Đất Mẹ Việt Nam.
Những câu chuyện trên có vẻ chẳng đáng chi nhưng muốn được giãi bày để lòng ta trong sáng hơn mỗi khi nghĩ về Đại tướng!
Nguyễn Duy Xuân