Có “sổ đỏ” mới được vào lớp 1: Sao lắm cái khổ!

Google News

(Kiến Thức) - “Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc quyền được đến trường của trẻ em chứ sao lại đặt ra lắm yêu cầu thế!”.

Đó là ý kiến của PGS. TS Văn Như Cương khi biết thông tin ở phường 9 TP.Vũng Tàu, các em muốn được đi học lớp 1, ngoài giấy tờ thông thường còn cần thêm… “sổ đỏ”.

Cuộc đua của phụ huynh khi con vào lớp 1

Năm 2012, để mua được hồ sơ vào lớp 1 trường Thực nghiệm Hà Nội cho con, nhiều bậc phụ huynh đã xếp hàng cả đêm. Đến sáng, khi cổng trường còn chưa mở đã diễn ra cảnh chen lấn xô đẩy đổ cả cổng trường. Cảnh tượng hỗn loạn đó khiến nhà trường phải tạm hoãn việc bán hồ sơ, lùi tới ngày hôm sau, còn dư luận thì thấy… vô cùng ngán ngẩm.

Để hạn chế cảnh phụ huynh “trắng đêm” vì con, năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh, yêu cầu các phòng giáo dục quận, huyện trên địa bàn tiến hành điều tra chính xác số trẻ ở độ tuổi vào lớp 1, phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.

 Cảnh chen lấn hỗn loạn trước cổng trường để mua hồ sơ xin cho con vào lớp 1 trường Thực nghiệm Hà Nội 2012.

Đồng thời, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương “Ba tăng, ba giảm” (ba tăng: tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; ba giảm: giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn). Tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày.

Khác với hình ảnh đạp đổ cổng trường năm ngoái, năm nay công tác tuyển sinh trường Thực nghiệm Hà Nội quy củ hơn nhiều, không còn cảnh tượng chen lấn xô đẩy như những năm trước.

 

Trường tiểu học Thực hành sư phạm Kon Tum tuyển chọn học sinh vào lớp 1 bằng hình thức… bốc thăm.

 

Ở tỉnh Kon Tum, để tránh xảy ra việc phụ huynh xếp hàng từ đêm và cảnh chen lấn xô đẩy, lần đầu tiên, Trường tiểu học Thực hành sư phạm Kon Tum trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển chọn học sinh vào lớp 1 bằng hình thức… bốc thăm. Lá thăm khiến “kẻ khóc, người cười” nhưng lại khách quan, minh bạch. Không chỉ con cháu thầy cô giáo trong trường bị “trượt” mà kể cả con em một số thầy cô giáo hiện công tác tại Sở GD-ĐT và ngành giáo dục Kon Tum cùng chung số phận.


Con vào lớp 1, bố mẹ… khổ cực

Không chỉ ở Hà Nội, một số tỉnh thành khác, vấn đề tuyển sinh vào lớp 1 cũng vẫn trong tình trạng… “sốt xình xịch”.

Có sổ đỏ con mới được vào lớp 1. Ảnh minh họa internet

 

Đơn cử như ở Vũng Tàu, ngày 18/7, bà Lê Thị Hiệp, Phó chủ tịch UBND phường 9, TP.Vũng Tàu cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP.Vũng Tàu các em nhỏ cư trú tại phường này muốn vào học lớp 1 tại hai trường tiểu học Trưng Vương và Quang Trung đóng trên địa bàn của phường ngoài giấy tờ thông thường phải có thêm… “sổ đỏ”.


Ông Vũ Xuân Hưng, Phó chủ tịch UBND phường 9, cho biết thêm, phường 9 có nhiều cơ quan dầu khí đóng trên địa bàn với hàng chục ngàn công nhân. Quy định sổ đỏ chỉ áp dụng đối với phường này, gia đình nào không có sổ đỏ hoặc mới về cư trú sẽ không đủ tiêu chuẩn học các trường trong phường mà phải tới các trường xa hơn còn chỉ tiêu.

  PGS. TS Văn Như Cương

 

Nghe thông tin này, PGS. TS Văn Như Cương than thở: “Phải có sổ đỏ hả, sao mà rắc rối thế! Thế không có sổ đỏ thì con cái người ta không được đi học à? Sao mà nhiều cái khổ cực!


Tôi nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc quyền đi học của học sinh đặc biệt là các em vào lớp 1. Đòi hỏi “sổ đỏ” mà người ta chỉ có hộ khẩu rồi xảy ra chuyện thất học thì chính quyền địa phương hoàn toàn phải chịu trách nhiệm”.

PGS.TS Văn Như Cương cho rằng, giải thích như ông Vũ Xuân Hưng, Phó chủ tịch UBND phường 9 thì không được. Nếu là công nhân làm cơ quan dầu khí trên địa bàn thì càng cần được ưu tiên cho con em họ.

Về tình trạng chạy trường, PGS.TS Văn Như Cương khẳng định là có, nhưng diễn ra âm thầm nên cũng… khó nói.
Tiểu Phong