Trong Dự thảo Nghị định “Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ”, Bộ Công an đề xuất, nếu thấy hành vi chống đối sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mình hoặc người khác, cán bộ thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm... Xung quanh đề xuất này hiện có 3 luồng ý kiến khác nhau.
“Cho phép bắn kẻ chống người thi hành công vụ” là cần thiết
Thượng tá Phạm Văn Trung, Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội cho rằng, trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có rất nhiều đối tượng manh động, hết sức liều lĩnh, coi thường kỷ cương phép nước, sẵn sàng đáp trả lại lực lượng làm nhiệm vụ. Việc Bộ Công an cho phép sử dụng vũ khí để trấn áp các đối tượng chống người thi hành công vụ trong những trường hợp cụ thể là thực sự cần thiết, nhằm vô hiệu hóa đối tượng liều lĩnh, manh động phạm tội. Việc sử dụng vũ khí cũng nhằm ngăn chặn và thui chột ý đồ càn quấy, ngông nghênh của các đối tượng côn đồ, lưu manh. Bên cạnh đó, việc sử dụng súng để trấn áp tội phạm còn làm tăng uy lực cho lực lượng thực thi pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ công an phải hết sức lưu ý khi vận dụng đối với từng trường hợp cụ thể, bởi luật cũng đã ghi rõ công an được sử dụng vũ khí khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Cùng quan điểm, đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội- CA TP (PC45) cũng ủng hộ chủ trương của Bộ Công an và cho rằng nó phù hợp với thực tiễn.
“Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia cho phép lực lượng làm nhiệm vụ nổ súng vào đối tượng chống trả, vì vậy việc Bộ Công an đề xuất chủ trương trên là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của các loại tội phạm trong giai đoạn hiện nay”, đại tá Đào Thanh Hải nói.
|
“Cho phép bắn kẻ chống người thi hành công vụ” là cần thiết nhưng cần cụ thể, "đặt tên" cho hành vi tấn công người thi hành công vụ để chống lạm quyền.
|
Ông Trương Tất Bạt, Trưởng phòng Tuyên truyền Phát triển lực lượng, Cục Kiểm lâm cũng cho biết, thực tiễn công tác bảo vệ rừng cho thấy tình trạng lâm tặc chống đối cán bộ kiểm lâm đang diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Nhiều trường hợp lâm tặc tấn công một cách quyết liệt, bất chấp mạng sống của kiểm lâm. Trong khi đó, ở quy định hiện hành, ranh giới giữa trường hợp được phép, không được phép nổ súng chưa được rõ ràng. Dẫn tới, anh em được “giao súng nhưng không dám bắn”. Vì vậy, việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ là hết sức cần thiết.
Theo ông Bạt, để ngăn chặn tình trạng lạm quyền, các cơ quan thực thi đã và sẽ quán triệt, tập huấn kỹ lưỡng cho anh em các kỹ năng nhận định và xử lý tình huống theo đúng quy định của pháp luật. Nếu người nào vi phạm, người nào lạm quyền, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nghị định tối nghĩa, dễ lạm dụng?
Bên cạnh một số ý ủng hộ đề xuất của Bộ công an, nhiều ý kiến khác cho rằng, không cần thiết ban hành một nghị định mới trong khi nó tối nghĩa hơn quy định hiện hành và dễ xảy ra tình trạng lạm dụng quyền hạn, quy định.
Theo luật sư Nguyễn Trường Thành - Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ, cho đến nay, chưa có một tổng kết nào trên bình diện quốc gia về vấn đề chống người thi hành công vụ, theo đó chưa thể xác định một cách đầy đủ nguyên nhân, hậu quả do người chống thi hành công vụ gây ra nên cần thiết phải tiến hành công việc này trước khi đánh giá và đưa ra giải pháp, do vậy việc quy định như trong dự thảo nghị định chưa phù hợp với thực tế phát sinh, đồng thời cũng trái với quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt là quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Bộ luật Hình sự, 2 điều luật này đã xác định bất cứ hành vi nào của bất cứ ai “kể cả người thi hành công vụ” chỉ được xem là không phạm tội trong trường hợp phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.
Do vậy, về nguyên lý dự thảo nghị định chung chỉ có thể xác định việc nổ súng trực tiếp vào người chống người thi hành công vụ trong trường hợp xác định là “phòng vệ chính đáng hoặc rơi vào tình thế cấp thiết”. Ngoài 2 trường hợp trên, việc nổ súng trực tiếp xâm phạm tính mạng sức khỏe của người khác - kể cả người chống người thi hành công vụ - có thể bị xác định là tội phạm hình sự.
Giảng viên Nguyễn Đình Thắm (khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) cũng nhận xét: “Quy định này của dự thảo có phần tối nghĩa hơn các quy định hiện hành”.
“Sẽ không ổn nếu để lực lượng thi hành công vụ tự dựa vào những dấu hiệu ban đầu để xác định tội phạm ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cái gọi là căn cứ thực tế để nổ súng cũng không rõ vì chưa đưa ra định lượng cụ thể. Trên thực tế có nhiều vụ chống người thi hành công vụ có tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô khác nhau. Có trường hợp người thực thi nhiệm vụ chia thành nhiều nhóm, nhiều đội nhỏ với tính chất công việc khác nhau. Nếu không xác định đúng tính chất, mức độ chống đối mà nổ súng khi chưa thật sự cần thiết thì sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và định tội danh”, ông Thắm phân tích.
Luật sư Phạm Hải Bình (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng quy định “nổ súng trực tiếp” như trong dự thảo nghị định có một số điểm chưa cụ thể khiến nhiều người lo ngại về sự lạm dụng. Bộ Công an cần nghiên cứu thêm, đưa ra định nghĩa rõ ràng và giới hạn rành mạch, quy định thật chi tiết khi áp dụng biện pháp này.
“Nổ súng trực tiếp” thì chúng ta hiểu là “xử” ngay tại hiện trường, mà đã “xử” ngay tại hiện trường thì quy định càng chi tiết càng ràng buộc trách nhiệm tốt hơn”, ông Bình nói.
Phải “đặt tên” cho hành vi chống đối
Đứng giữa hai quan điểm trái chiều, một số ý kiến cho rằng nên ủng hộ ngành Công an áp dụng những biện pháp mạnh như nổ súng đối với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng nhưng cần phải quy định thật chặt chẽ, cụ thể để tránh tình trạng lạm dụng quyền hạn, lạm dụng quy định.
Theo ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, ngày càng nhiều những trường hợp phạm tội, nhất là tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thường hung hãn, thực hiện chống đối người thi hành công vụ đến cùng, quyết liệt, bất kể mạng sống nhằm quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội hoặc để tẩu thoát. Với những đối tượng như vậy, pháp luật không thể nhân nhượng. Ngành Công an áp dụng biện pháp mạnh như được bắn trực tiếp để ngăn chặn hậu quả là việc làm cần thiết và đáng được ủng hộ. Tuy nhiên, quy định cụ thể như thế nào thì phải thật chặt chẽ.
“Một số điểm đưa ra trong dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn một số điểm tù mù, có thể khiến nhiều người lo ngại về khả năng lạm dụng, càng khiến xã hội thêm bất an. “Quy định được bắn" mà như thế thì chưa ổn”, ông Khiển góp ý.
Ông Khiển cho rằng, điều cần làm lúc này là cụ thể hóa, thật rõ ràng chi tiết trong từng hoàn cảnh cụ thể để tránh lạm dụng, góp phần hiệu quả và giữ gìn trật tự trị an.
“Quy định trong bản dự thảo Nghị định còn tù mù mù quá, như thế thì dứt khoát không được. Khái niệm “dấu hiệu” quá rộng. Trong trường hợp giữa người thi hành công vụ và chống người thi hành công vụ, ai xác định dấu hiệu đó cho anh? Người thi hành công vụ bảo có “dấu hiệu” là hoàn toàn mang ý chủ quan. Tôi lo ngại chuyện lạm dụng trong trường hợp này.
Luật pháp quy định là phải rất cụ thể. Nếu quy định theo kiểu “xét thấy cần thiết” hoặc “có dấu hiệu” là rất tù mù và người có quyền dễ lạm dụng. Phải nói rõ, “xét thấy cần thiết” thì cần thiết trong trường hợp nào, quy định rõ ra. Tương tự “dấu hiệu” là như thế nào, phải nói rõ ra”, ông Khiên chỉ rõ.
Mặc dù đánh giá việc cho phép lực lượng chức năng sử dụng súng trấn áp, ngăn chặn hành vi phạm tội nghiêm trọng là cần thiết nhưng ông Khiên cho rằng chỉ nên cho phép mộ số trường hợp cụ thể, còn sử dụng một cách rộng rãi là dứt khoát không được.
“Trong trường hợp lâm tặc chống người thi hành công vụ một cách quyết liệt, bất kể mạng sống kiểm lâm thì phải nổ súng. Hoặc đối tượng buôn lậu trên sông, khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng tàu, thuyền để kiểm tra mà quyết lao vào người thi hành công vụ thì phải nổ súng trấn áp.
Nhưng giờ trên đường phố, một người vi phạm giao thông thì phải đặc biệt cân nhắc, cứ chống người thi hành công vụ mà nổ súng là không được. Ví dụ như đối tượng không chấp hành dừng đèn xanh đèn đỏ, bỏ chạy thì nổ súng cũng là việc không cần thiết.
Nếu cảnh sát ra hiệu lệnh, người vi phạm không chấp hành, còn dùng hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, súng để tấn công lại, thì việc nổ súng là cần thiết”, ông Khiên ví dụ.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao) lưu ý, hành vi tấn công người đang thi hành công vụ phải được “đặt tên” rõ để ngăn chặn chứ không thể trao quyền cho người thi hành công vụ nhận diện. Khi nghi ngờ tội phạm, các cơ quan tố tụng phải thực hiện các biện pháp tư pháp để củng cố chứng cứ trong thời gian dài mới có thể kết luận được. "Do vậy, không thể cho rằng cứ thấy có dấu hiệu nguy hiểm là có thể nổ súng, điều này rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng, lạm quyền nổ súng tràn lan”, ông Hùng nói
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Thuần Lương (T.H)