Của giời, ai cướp được thì cướp!

Google News

(Kiến Thức) - PGS.TS Lê Quý Đức lý giải như vậy cho việc "hôi bia" ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) gây bất bình dư luận những ngày qua.

Sự lạc hậu của nhận thức
Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án Công nhiên chiếm đoạt tài sản để điều tra hành vi của hàng chục người liên quan đến việc "cướp" trên 1.000 thùng bia, trong vụ tai nạn lật xe chở bia ngày 4/12 vừa qua. Tôi tò mò muốn biết quan điểm của ông, dưới góc độ là một nhà nghiên cứu văn hóa?
Tôi đồng tình với cách làm của cơ quan chức năng TP Biên Hòa. Đó là việc cần phải làm, không thể trì hoãn.
Đây không phải là lần đầu tiên có chuyện người ta "hôi của" từ người bị nạn nhưng hầu như chưa có vụ nào bị đưa ra xét xử cả. Theo ông thì vì sao?
Cũng có thể do lần này, lượng thiệt hại rất lớn khi mà số bia bị cướp lên tới hơn 300 triệu đồng. Nhưng dù sao, nó cũng cho thấy pháp luật có những kẽ hở. Nó thể hiện sự lạc hậu về mặt nhận thức. Bởi, nếu làm ngay từ đầu, xử ngay từ những vụ "hôi của" nhỏ hơn, có lẽ đã không đến mức hàng chục người lao vào xe bia đổ, mang cả xe ba gác ra để lấy bia về như thế. Đó thật sự là một việc làm rất đáng xấu hổ.
Ngay sau vụ "hôi bia" này, một người dân TP Biên Hòa đã treo băng rôn, đại ý họ thấy rất xấu hổ vì chuyện này. Ông Bí thư Thành ủy Biên Hòa cũng thổ lộ rằng ông rất "mắc cỡ" vì vụ việc. Nhưng có lẽ, "xấu hổ", "mắc cỡ" là một phạm trù chỉ áp dụng với... người ngoài cuộc?
Đúng. Nếu những người trong cuộc thấy xấu hổ thì họ đã chẳng làm vậy rồi. Và tôi nghĩ, đó là việc làm không có cớ gì để biện minh và đáng được tha thứ cả.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Viện phó Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nói về việc "hôi của". 
"Hôi" tài sàn nhà nước về làm của riêng
"Suy đi suy lại, cuối cùng vẫn là những người có vai trò, trách nhiệm trong xã hội phải là những người tốt, làm gương cho dân chúng, đừng để dân chúng nghĩ rằng, cán bộ lấy được thì mình cũng lấy được. Bởi tham nhũng và hôi của, xét cho cùng có khác gì nhau đâu, cũng là đi lấy làm của mình. Có chăng, tham nhũng là sự "hôi của" diễn ra trong bí mật, của một nhóm, một tập đoàn cán bộ. Còn "hôi của" là của một đám đông dân chúng diễn ra công khai".
PGS.TS Lê Quý Đức

 

Ông lý giải thế nào về chuyện người ta "hôi của"?
"Hôi của", nhưng thực ra là cướp của, trước hết vì lòng tham vô đáy của con người. Lòng tham ấy nổi lên khi họ thấy những cái đó dễ kiếm, rồi thì tâm lý a dua, tâm lý đám đông khi người này cướp được thì người kia cũng đi cướp. Đáng lẽ sống trong xã hội có văn hóa, truyền thống "thương người như thể thương thân", người ta phải biết nâng đỡ nhau. Đằng này vì thiếu ý thức, thiếu nhân cách mà nhân lúc người ta hoạn nạn lại lao vào cướp giật. 
Cũng có thể do người ta có thói quen khi cho rằng hình như nó là của người khác, nhất là của Nhà nước, như của giời ơi, ai cướp được thì cướp. Nhân cách quá thấp, họ bất chấp đạo đức, bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, không những vô cảm mà còn gá họa thêm cho người khác. Điều đó là không thể chấp nhận được.
Dù có chấp nhận hay không thì nó vẫn đang diễn ra trong đời sống. Phải chăng, vì bây giờ, người Việt không còn biết "thương người như thể thương thân" nữa?
Nói thế thì cũng không hẳn đâu. Vì đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ thôi. Còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng từ thiện, xả thân cứu người, chia cơm sẻ áo cho người kém may mắn hơn mình.
Nếu chỉ một, hai vụ, người ta bộc lộ lòng tham, bất chấp luân thường đạo lý khi "hôi của" thì còn có thể hiểu rằng chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Đằng này, việc "hôi của" được dư luận liên tục nhắc tới, hẳn nó cũng nói lên phần nào thực trạng xã hội?
Đúng vậy. Nó nói lên rằng, xã hội ta cũng có tầng lớp dưới đáy về đạo đức, chứ không phải xã hội lúc nào cũng chỉ toàn đức tính tốt đẹp đâu. Ngay trong vụ tài xế bị đổ xe bia này, có khoảng 400 người sẵn sàng giúp đỡ anh tài xế đấy thôi. Nói đi cũng phải nói lại rằng, không tự dưng người ta làm thế. Người ta cũng học theo gương đấy!
Học theo gương của ai vậy, thưa ông?
Thì đấy, những người có địa vị, có chức có quyền vẫn "hôi" tài sản của Nhà nước về làm của riêng mình đấy thôi. Đó là tham nhũng chứ còn gì nữa. Người ta dễ sinh tâm lý: Ôi dào, họ còn lấy được thứ to hơn, mình dù lấy được thứ nhỏ hơn là vài lon bia, vài lít xăng dầu... thì tội gì mà không lấy. 
Chỉ cảnh báo người tự trọng
Ông có tin rằng, người ta nhặt vài lon bia, lấy được vài lít xăng dầu khi đường ống bị vỡ... là do họ... nghèo?
Đừng có mang cái nghèo ra để bao biện. Đừng đổ tội cho nghèo, rằng "đói ăn vụng, túng làm càn" được. Vì nếu anh có nhân cách thì "đói cho sạch, rách cho thơm" kia mà. Nhiều người nghèo nhưng vẫn sẵn sàng nhường cơm cho người khác, trong khi miếng bia không phải là thứ thiết yếu nuôi sống con người. Thêm nữa, nó lại diễn ra ngay tại phố thị nên tôi không tin chuyện đó đâu!
Việc "hôi bia" diễn ra ngay tại phố thị nói lên điều gì vậy?
Tôi không đảm bảo rằng, nếu có xe bia, xe chở kẹo đổ ở vùng nông thôn, người ta không làm thế. Cần phải thấy rằng, bất cứ xã hội nào cũng có những người đạo đức, nhân văn nhưng cũng có những người cặn bã về mặt đạo đức. Có điều, một thời gian dài, chúng ta chỉ nói điều tốt đẹp, chỉ thích được khen. Ai mà nói ra tính xấu là bị quy cho cái tội chê đồng bào. Đừng huyễn hoặc mình nữa mà phải nhìn vào thực tế để nâng cao giáo dục, phải sửa đổi.
Ông có cho rằng, để "hôi của" diễn ra như thế cũng là do sự dung túng của luật pháp?
Nói là dung túng thì không chuẩn đâu, nhưng đúng là có sự buông lơi. Giáo dục và pháp luật là hai trụ cột tạo lập một xã hội tiến bộ, tốt đẹp. Khi giáo dục chưa làm tốt thì pháp luật phải làm. Nhưng tôi cảm tưởng hai trụ cột ấy chưa phát huy được hiệu quả, khi mà liên tiếp xảy ra những chuyện phi đạo đức, con cháu giết ông bà cha mẹ, vợ chồng giết nhau, cướp giật...
Việc "hôi bia" ở Đồng Nai đã có quyết định khởi tố. Liệu có thể kỳ vọng điều đó sẽ làm cho người ta không dám "hôi của" không, thưa ông?
Tôi không tin đâu, nó chỉ cảnh báo những người biết tự trọng. Nhưng thôi, đành hy vọng vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 4/12, tại vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai xảy ra vụ tai nạn lật xe chở bia do tài xế Hồ Kim Hậu lái. Hơn 1.000 thùng bia rơi xuống đường. Hàng chục người đã lao vào cướp bia. Tổng thiệt hại lên tới hơn 300 triệu đồng. Ngày 11/12, Công an TP Biên Hòa ra quyết định khởi tố vụ án, triệu tập hơn 10 người có liên quan đến làm việc.
Hồi tháng 7/2013, tại TPHCM cũng xảy ra vụ việc tương tự, khi người dân mang bao tải ra lấy bia từ xe bị đổ do tài xế Phạm Viết Sơn điều khiển. Cũng trong tháng này, một chiếc container chở ống bê tông công trình và xăng dầu gặp nạn, rò rỉ, nhiều người mang can ra múc về đã gây ách tắc giao thông...
Vũ Thủy (Thực hiện)