Đi tìm bé gái 7 tuổi nhử lính Mỹ vào ổ phục kích (2)

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi được "tẩy da", cô bé Nguyễn Thị Lý cùng bà K'pă Chong (chị gái ông tỉnh trưởng Gia Lai K'pă Thìn) lọt sâu vào vùng địch, thu thập nhiều thông tin cho bộ đội.

Gặp địch, phải phi tang thuốc nổ
Tháng 1/1968, Lý được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu một số vị trí để trinh sát nắm bắt tình hình cũng như quy luật hoạt động của địch trên tuyến đèo Mang Yang. Khoảng tháng 1/1969, phát hiện có 8 chiếc xe tăng đi tuần từ Hà Lừng xuống cầu Ayun, Lý đã nhanh chóng báo cho bộ đội. 
"Hồi ấy, vũ khí khan hiếm nên biết có bao nhiêu xe, bộ đội chuẩn bị bấy nhiêu quả B40. Trận này, Đại đội trưởng X18 Tỉnh đội Gia Lai là ông Trịnh Xuân Thiềng bị trúng đạn găm, hy sinh và được chôn ở rãnh tăng, cách ống dẫn dầu 50 bước chân người lớn về hướng cầu Ayun và cách cây đa Độc Lập 20 bước chân người lớn", chị Lý kể. Sau trận đánh, cấp trên đã quyết định cho Lý cùng chiến đấu bằng việc đi quan sát trực tiếp.
Theo đó, trước khi đi quan sát địa hình, Lý được các bác trang bị cho khối thuốc nổ tự chế chừng 3kg. Phía sau Lý là trinh sát, bộ binh... "Đại tá Nguyễn Ngọc Liên chỉ đạo: Nếu gặp địch, tôi phải phi tang khối thuốc nổ để báo động cho đồng đội, nguy cấp hơn thì xác định cảm tử bởi nếu rơi vào tay chúng còn bị hành hạ dã man hơn. Ba ngày sau mà không thấy tôi về, đồng đội sẽ tổ chức truy điệu", chị Lý nhớ lại.
Chị Lý cũng thừa nhận: "Trong chiến đấu, ai có kinh nghiệm thì cơ hội sống nhiều hơn". Một trong những kinh nghiệm của Lý là khi thấy địch trước mặt, để báo động cho bộ đội phía sau, Lý sẽ rút chốt lựu đạn ném về phía dự tính sẽ là đường rút lui của mình. Khi ấy, theo phản xạ, quân địch sẽ nằm xuống thì cô bé ném tiếp phát nữa về phía chúng rồi chạy về phía mìn ném trước đó để ẩn nấp. Cứ như thế cho đến khi tìm được chỗ trú an toàn. "Với một đứa trẻ như tôi, tìm chỗ trú ẩn không hề khó, có thể núp trong bụi rậm, trong hốc cây, một cái hố bom hay chui vào trong hang mà người lớn không thể chui qua nổi", chị bảo. Cách đánh ấy chỉ mình Lý biết, bởi "rất có thể trong lực lượng của mình có chân trong của địch, nếu tiết lộ sẽ khó bảo toàn tính mạng".
Chính vì phải thâm nhập vùng địch để quan sát địa hình nên địa bàn hoạt động của Lý thay đổi liên tục để tránh bị phát hiện. Cứ đánh xong một trận ở vùng này thì cấp trên lại rút Lý đi nơi khác. Điều đó lý giải vì sao Lý có mặt ở cả chiến trường Lào, Campuchia, miền Tây Nam Bộ, nhưng hoạt động chủ yếu vẫn ở Gia Lai.
Hỏi chị về trận đánh nhớ nhất, chị bảo nhiều lắm. Trong đó có trận ngày 25/5/1970, quân ta bị bao vây từ Phú Yên qua eo Tử Thần đến cầu Ayun - Quốc lộ 19. Lý được giao nhiệm vụ bám sát ống dẫn dầu để theo dõi địch ở đâu, đặt bộc phá chỗ nào nhằm đốt cháy ống dẫn dầu. Đi sau Lý chừng 50m là một chiến sĩ đặc công đoàn 408 và một trinh sát H15 ôm 3 khối bộc phá. Trận đó, quân ta làm cháy 3km ống dẫn dầu, làm sập một đoạn đường 19 khiến quân địch náo loạn. Vòng vây được phá.
Năm 1971, Lý được chuyển sang chiến trường Lào. Tại đây, cô bé gặp bố nuôi là Thiếu tá Nguyễn Công Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Cục kỹ thuật, đơn vị Tiểu đoàn 110, Trung đoàn 284, Mặt trận 47. Đầu năm 1972, Lý trở lại chiến trường Tây Nguyên, sau đó vào miền Tây Nam Bộ, rồi quay lại Tây Nguyên và sang Campuchia trước khi chuyển ra Bắc điều trị vết thương.
 Hình ảnh cô bé Nguyễn Thị Lý trong bộ phim "Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày" của đạo diễn Michael Maclear (ảnh chụp từ clip).
Mồi nhử
Không chỉ đi quan sát địa hình, hoạt động như một người lính tình báo thực thụ, Lý còn được cấp trên giao cho nhiệm vụ quan trọng: Làm mồi nhử lính Mỹ vào trận địa mai phục.
Chị kể, ngày ấy, Mỹ hay mở các đợt càn vào tổ chức của ta. Để phục vụ cho chiến dịch này, chúng huy động xe tăng, xe bọc thép, xe tải... cùng những vũ khí hạng nặng, tàn sát cả một vùng.
Nhận được tin địch sắp mở trận càn, bộ đội ta sẽ chế bom nổ chậm, mìn chống tăng... rồi đặt ở một bãi đất trống. Quanh đó sẽ rải những chiếc ống bơ đựng đồ ăn thừa của địch. Lý vào vai một đứa trẻ nghèo đói đi lượm ống bơ, cốt sao để lọt vào tầm ngắm của máy bay trực chiến F105. Khi phát hiện có người ở khu vực đó, chúng sẽ cho quân đổ bộ mở trận càn.
"Trước khi tôi đi, các bác dặn chỉ được đi vào chỗ có ống bơ vì quanh đó cài bom, mìn. Điểm cuối sẽ là một cái hang có bà K'pă Chong cùng vài đứa trẻ nữa, để nếu quân địch có tìm đến thì chúng chỉ nghĩ đó là mấy mẹ con người Ba Na đang phải sống nhờ nguồn thức ăn thừa nhặt được của địch", chị Lý thuật lại.
Chính cách làm này đã khiến quân địch mắc bẫy, bị tiêu diệt một thiết đoàn vệ binh xe tăng, một hạm đội dù 173, một tiểu đoàn dù không vận số 10, nhiều lính bộ binh... "Sau này, khi xem bộ phim "Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày, Đại sứ Mỹ có nhắc đến chuyện đứa bé gái 7 tuổi nhử lính Mỹ vào trận địa phục kích của bộ đội Bắc Việt, tôi mới nhận ra hình ảnh của mình trong đó chứ ngày ấy nào có biết người ta lưu lại hình ảnh gì đâu", chị Lý cho hay. Đồng đội của chị cũng đã xác nhận chuyện này trong lần gặp gỡ chị, khi chị quay trở lại chiến trường tìm hài cốt đồng đội, được ghi lại trong một cuốn băng đĩa mà chị giữ như một báu vật.
Chị Lý giữ tờ giấy chứng nhận được tặng Huy hiệu Xuân 68 và chiến thắng 1972 này như bảo vật. 
Sợ... chết
Giữa lằn ranh sống chết mong manh, chứng kiến biết bao nhiêu cái chết của đồng đội, tưởng như cô bé Lý đã dạn dĩ lắm, gan lì lắm, đến mức chẳng còn phải sợ chết là gì. Ấy thế mà, khi cận kề cái chết, bản năng mách bảo Lý sẽ chẳng còn cơ hội được quay về quê, gặp lại bố mẹ, các chị em, sẽ mãi mãi nằm lại ở núi rừng Tây Nguyên này khiến cô bé thảng thốt, hốt hoảng.
Chị kể: Sáng hôm ấy, trước khi đi quan sát địa hình, tôi được ăn một suất mỳ ống. Tối về, khi chuẩn bị tắm gội, thấy cổ ngứa ngứa, theo phản xạ tôi đưa tay lên gãi thì một nắm vắt rơi xuống đất, lúc nhúc, con nào con nấy tròn căng, máu ở cổ ra đầm đìa. Tôi sợ quá, nôn thốc nôn tháo. Miếng mỳ ăn ban sáng đã trương lên, màu trắng ngà xen lẫn máu khiến tôi tưởng như vắt chui cả vào dạ dày. Tôi sợ quá mà ngất đi. 
Đêm ấy, tôi bị đánh thức bởi tiếng ngáy của một bác bộ đội. Mọi người trong hang tỉnh lại. Nghĩ mình sắp chết rồi nên tôi hỏi bác đang ôm tôi ngủ để truyền hơi ấm sang cho tôi: "Bác ơi, cháu chưa chết à? Bao giờ cháu chết hả bác?". Rồi tôi khóc, vì sợ. Những người có mặt ở đó cũng nghẹn ngào.
Năm ấy, Lý lên 9 tuổi.
(còn nữa)
Đại tá Phạm Xuân Dư, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum, nghỉ hưu năm 1992 xác nhận: Năm 1969 - đầu tháng 4/1970, tôi là Trung úy, Chính trị viên Đại đội thông tin tỉnh đội Gia Lai. Tôi đã gặp đồng chí Nguyễn Thị Lý hoạt động chiến đấu trên trục đường 19 Gia Lai, hang đá ông Dê... Lời khai trong lý lịch của đồng chí Lý là sự thật.
Thanh Thủy