|
ĐB Hoàng Hữu Phước
|
Thảo luận về Luật Thủ đô
Chiều 27/10/2012, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủ đô. Tại các tổ thảo luận, nhiều ĐB bày tỏ quan điểm cần xem xét cho thấu đáo hơn việc chọn Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) là biểu tượng của Thủ đô. Một phần lý do được đưa ra là vì từ lâu nay, trong mắt bạn bè thế giới và người dân cả nước, luôn thấy Hà Nội gắn liền với hình ảnh Hồ Gươm và Chùa Một Cột.
ĐB Hoàng Hữu Phước bày tỏ quan điểm: "Tôi ủng hộ biểu tượng Khuê Văn Các. Chùa Một Cột là một phiên bản, còn Tháp Rùa nhìn quen mắt, nhưng không có người ở, không ý nghĩa bằng Khuê Văn Các. Đây là công trình do một đấng minh quân xây dựng, vừa khuyến học, vừa ghi danh nhân tài, nên làm".
Thảo luận về dự thảo luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân
Chiều 05/11/2012, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Tại Đoàn đại biểu TP.HCM, tất cả ý kiến đều ủng hộ dự luật có hiệu lực từ 1/1/2013, thay vì 1/7/2013, để sớm khoan sức dân, góp phần kích thích tiêu dùng, giảm hàng tồn kho.
Có ý kiến về vấn đề này, ĐB Hoàng Hữu Phước nói: “Các khó khăn như tờ trình của Chính phủ nêu, hoàn toàn có thể gỡ, trong tầm tay, do vậy cần quyết tâm khắc phục để kịp áp dụng từ 1/1/2013”.
Thảo luận về Luật Biểu tình
Có nên đưa Luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ QH khóa 13 hay không là một trong những nội dung gây tranh cãi giữa các ĐBQH khi thảo luận tại nghị trường sáng 17/11/2011.
Trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa 13, Ủy ban TVQH đề xuất đưa Luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị. Bày tỏ chính kiến trước QH, ĐB Hoàng Hữu Phước đề nghị QH “loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ khóa 13”.
Để thuyết phục cho đề xuất của mình, ĐB Phước dẫn lại hàng loạt sự kiện biểu tình ở nhiều nước trên thế giới và quả quyết “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ”. Từ góc nhìn này, ông Phước đặt vấn đề: “VN có cần cuộc biểu tình hay không?”.
Ông Phước từng so sánh: “Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân? Dự án Luật Biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang..., những nhà tu hành chân chính chưa, hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm?”. Và ông Phước khẳng định: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền
Chiều 9/11/2011, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Từ kinh nghiệm làm việc với các công ty tài chính quốc tế, ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền “có tầm quan trọng sống còn đối với các doanh nghiệp tài chính”.
ĐB Hoàng Hữu Phước cho rằng, Luật Phòng, chống rửa tiền nên được thông qua càng sớm càng tốt bởi, ngay trong quy mô một doanh nghiệp, vấn đề này cũng được đặc biệt quan tâm từ nhiều năm trước.
“Năm 2002, tôi làm giám đốc nhân sự của công ty Manulife nhưng đã phải căng đầu ra để làm các nội dung xoay quanh phòng, chống rửa tiền, chứng tỏ lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài họ rất chú ý đến loại tội phạm này”, đại biểu Phước nói.
Bảo Châu