Điều cấm và thứ phải có... ở tiếp viên hàng không VN

Google News

(Kiến Thức) - Để được tuyển vào đội ngũ nhân viên hàng không, các tiếp viên ngoài đáp ứng đầy đủ các giấy phép, chứng chỉ, sẽ phải trải qua quy trình tuyển dụng khá nghiêm ngặt của Vietnam Airlines.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nhân viên hàng không phải có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận. Nhân viên hàng không khi thực hiện nhiệm vụ phải mang theo giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, thành viên tổ lái, tiếp viên hàng không, kiểm soát viên không lưu phải mang theo giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Nhân viên hàng không chỉ được cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nếu được đào tạo tại cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ được Bộ Giao thông vận tải cho phép hoặc công nhận.
 Để trở thành tiếp viên hàng không phải trải qua quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt (Ảnh minh họa).
Thực tế để được tuyển vào đội ngũ nhân viên hàng không, các tiếp viên hàng không ngoài việc đáp ứng đầy đủ các giấy phép, chứng chỉ, sẽ phải trải qua quy trình tuyển dụng khá nghiêm ngặt của các hãng hàng không.
Cụ thể, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa ra những tiêu chí tuyển chọn tiếp viên hết sức nghiêm ngặt, trong đó có tiêu chí về tiếng Anh. Các ứng viên tham gia dự tuyển phải có điểm tiếng Anh từ 400 TOEIC hoặc tương đương trở lên. Sau khi trúng tuyển, ứng viên sẽ được tham gia khóa đào tạo để trở thành tiếp viên hàng không. Căn cứ vào điểm TOEIC ứng viên sẽ được phân bay theo những tuyến đường bay trong nước và quốc tế thuộc các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Sau khi qua bước 1 gồm các khâu kiểm tra về ngoại hình, giao tiếp, ứng xử, kiến thức và tiếng Anh, ứng viên sẽ phải trải qua vòng kiểm tra sức khỏe của cơ quan y tế thuộc Cục Hàng không Việt Nam. Bước cuối cùng, ứng viên phải trải qua vòng kiểm tra lý lịch của Bộ Công an. Nếu ứng viên không đạt kết quả xác minh lý lịch sẽ không được đề nghị công nhận là tiếp viên chính thức mặc dù đã hoàn tất xong chương trình huấn luyện. Ứng viên đáp ứng yêu cầu về lý lịch và đạt kết quả học tập của chương trình huấn luyện sẽ được công nhận là tiếp viên của Vietnam Airlines.
Trong những tiêu chuẩn tuyển chọn tiếp viên hàng không thì tiêu chuẩn về ngoại hình cũng khá quan trọng. Đối với tiếp viên của Vietnam Airlines, nữ phải có chiều cao từ 158 cm - 175 cm, nam phải có chiều cao từ 165 cm - 182 cm. Ngoài ra, các ứng viên phải có khuôn mặt dễ nhìn, tươi tắn, duyên dáng cùng ngoại hình cân đối, không có khuyết tật trên mặt, cổ, gáy, tay, chân. Đồng thời, các ứng viên phải có khả năng giao tiếp tốt: cởi mở, mạnh dạn, tự tin, lịch sự, lễ phép và có tố chất phù hợp với nghề phục vụ.
Một số hãng hàng không tư nhân khác cũng đặt ra tiêu chí tiếng Anh khá cao (360 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên) khi tuyển dụng tiếp viên hàng không. Những tiêu chí về ngoại hình, giao tiếp, trình độ tiếng anh, sức khỏe... là vô cùng cần thiết.
Để có được một đội ngũ tiếp viên hàng không, các công ty hàng không sẽ phải tiêu tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian. Như việc tổ chức những khóa huấn luyện về an toàn đặc biệt, để đạt được chứng chỉ hành nghề của cơ quan chức năng. Tương xứng với công việc được giao, mức thu nhập của tiếp viên hàng không là khá lớn. Bình quân mức thu nhập trung bình của tiếp viên hàng không hạng thường là khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nếu tính theo thời gian bay và hưởng trợ cấp giờ bay thì mức thu nhập này có thể cao hơn.
Để quản lý tốt nhân viên hàng không trong đó có đội ngũ tiếp viên hàng không, Bộ GTVT đã ra Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT ngày 25/11/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Quy định tại Thông tư nêu rõ, nhân viên hàng không vi phạm các quy định, nội quy gây uy hiếp an toàn, an ninh hàng không; bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự; tự ý bỏ vị trí làm việc; uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ; trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân; lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định hoặc đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc sẽ bị tạm đình chỉ công việc đang đảm nhận ngay khi xảy ra vi phạm. Thời gian tạm đình chỉ và chế độ tiền lương trong thời gian này được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
 
Nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị Nhật bắt giữ - Ảnh cắt từ clip
Ngoài ra, đối với các nhân viên hàng không cố ý vi phạm các quy định, nội quy trực tiếp gây tai nạn hàng không hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng; trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân; lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định..., ngoài việc bị tạm đình chỉ công việc theo quy định nêu trên còn không được sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.
Dù đã có quy định ngặt nghèo và phải trải qua quá trình tuyển dụng nghiêm ngặt nhưng vì ham lợi, một số tiếp viên hàng không vẫn lợi dụng để buôn lậu hàng hóa. Cụ thể, ngày 26/3, cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) đã bắt tạm giam nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (25 tuổi) của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do nghi ngờ nhân viên này mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm cắp từ Nhật Bản về Việt Nam.
Tiếp viên Bích Ngọc, được cho là có ý định buôn lậu quần áo ăn cắp theo đặt hàng của một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi sống ở Nhật tên là Nguyễn Thị Ngọc Nga (người cầm đầu một nhóm trộm cắp và buôn lậu) để buôn lậu quần áo ăn cắp, thậm chí tuồn hàng cho các thành viên khác trong đoàn bay. Tuy nhiên, tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc đã phủ nhận mọi cáo buộc của cơ quan điều tra.
Không riêng tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc, cảnh sát Tokyo còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng tham gia vào đường dây buôn lậu này. Do vậy, họ đã kiểm tra văn phòng của Vietnam Airlines tại Tokyo ngay sau đó.
Vietnam Airlines đã yêu cầu Đoàn bay, Đoàn tiếp viên ra quyết định đình chỉ bay đối với 1 cơ phó và 4 nữ tiếp viên hàng không. Phi công và tiếp viên bị đình chỉ công tác sẽ phải làm báo cáo giải trình về việc chấp hành kỷ luật cơ quan và trình bày rõ việc có hay không hoạt động vận chuyển hàng trộm cắp từ Nhật Bản.
Hải Ninh