Vụ việc nghi án doanh nghiệp Nhật đưa hối lộ hơn 16 tỷ đồng cho quan chức đường sắt Việt Nam để được trúng thầu một dự án về đường sắt có sử dụng vốn ODA đang khiến dư luận Việt Nam xôn xao. Nhiều người băn khoăn, vì sao doanh nghiệp Nhật phải hối lộ phía Việt Nam để được làm chủ thầu một dự án ODA, số tiền hối lộ "khủng" đó họ sẽ hợp thức hóa như thế nào?
ODA là nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài bao gồm các khoản viện trợ và cho vay với điều kiện ưu đãi. Tính theo cách thức hoàn trả, ODA có ba loại: Viện trợ không hoàn lại; viện trợ có hoàn lại (còn gọi là tín dụng ưu đãi vì lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài, có khoảng thời gian không phải trả lãi hoặc trả nợ); ODA cho vay hỗn hợp (là loại ODA kết hợp hai dạng trên, bao gồm một phần không hoàn lại và tín dụng ưu đãi).
Như vậy, nhiều người thắc mắc, ODA là nguồn vốn ưu đãi, vậy tại sao với những dự án liên quan tới việc sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật, các doanh nghiệp Nhật Bản lại phải hối lộ Việt Nam để được cho vay, trong khi đáng lẽ Việt Nam phải hối lộ Nhật để nhận được những khoản vay ưu đãi này?
|
Mô hình phối cảnh nhà ga Long Biên trên tuyến đường sắt đô thị số 1. |
Giải thích cho điều này, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, cho biết, hiện nay, Nhật Bản là nước cung cấp nhiều Viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhất trên thế giới. Đối với Việt Nam, Nhật Bản cũng là nước cấp ODA nhiều nhất. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản được chia ra làm 2 loại: ODA song phương và ODA đa phương. Trong đó, ODA song phương bao gồm viện trợ và tín dụng. ODA đa phương được thực hiện thông qua kênh các tổ chức quốc tế mà Nhật Bản đóng góp vào như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... Khoản vay ODA thường lãi suất khá thấp (khoảng 1-2%/năm), thời gian đáo hạn trung bình cho một dự án vay là hơn 20 năm, có thể gia hạn thêm từ 7 - 10 năm sau đó.
Trong các dự án sử dụng vốn ODA, nước cấp ODA cũng là nước có doanh nghiệp, đơn vị thực hiện dự án. Với những dự án có nguồn vốn ODA từ Nhật, tùy từng dự án, nhưng thông thường Nhật Bản sẽ đưa ra một số “ứng cử viên” là các doanh nghiệp có thể triển khai, đảm nhận dự án. Tuy nhiên, doanh nghiệp, đơn vị nào được quyền thực hiện dự án thì đều phải thông qua đấu thầu, và Việt Nam được phép chọn nhà thầu. Do vậy mà một số doanh nghiệp Nhật Bản muốn được làm chủ thầu dự án đã tìm cách đút lót, hối lộ cho đơn vị quản lý dự án đó tại Việt Nam. Khi doanh nghiệp Nhật Bản triển khai dự án sử dụng vốn ODA tại Việt Nam, hầu như nguyên liệu, trang thiết bị, kỹ thuật, nhân sự cấp cao, thậm chí cả một phần nhân công… đều là từ Nhật. Và họ sẽ tìm cách hợp thức hóa chi phí đút lót vào các chi phí này.
“Thường các dự án ODA tại Việt Nam, việc đấu thầu không rộng rãi, công khai, minh bạch nên rất dễ tạo điện kiện cho việc doanh nghiệp và đơn vị quản lý cấu kết đưa nhận hối lộ để chọn ra nhà thầu. Thế nên để hạn chế tình trạng này, tôi nghĩ cần phải công khai, minh bạch hơn việc đấu thầu và tổ chức đấu thầu trong các dự án ODA. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chặt chẽ hơn để kiểm tra, giám sát từng quy trình, giai đoạn của dự án cả về chất lượng công trình cũng như nguồn tài chính”, TS Phong nói.
Còn chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, cho rằng, vụ việc này gợi nhớ lại vụ đã xảy ra ở dự án đại lộ Đông - Tây TP HCM trước đây, khi cũng một nhà thầu tư vấn của Nhật Bản là Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đã hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP HCM, để được trúng thầu gói tư vấn thiết kế của dự án. Đấu thầu là để minh bạch, để lựa chọn nhà thầu tốt nhất thực hiện dự án. Thế nên quy trình này cần phải làm nghiêm, giám sát chặt chẽ. Thế nhưng có không ít dự án ODA lớn, khi vụ việc bị xới ra rồi thì người ta mới biết nhà thầu được chọn là nhờ hối lộ.
"Vốn vay ODA đem lại cho Việt Nam những lợi ích to lớn, tuy nhiên, vẫn là vay nợ và phải trả. ODA không phải là cho không. Không ai cho không cả, vay hôm nay thì mai sau con cháu chúng ta phải trả. Trong điều kiện nợ công đang có dấu hiệu gia tăng như hiện nay, cần chủ động và tỉnh táo khống chế vay nợ ODA ở mức độ an toàn, theo những dự án đầu tư cụ thể, thiết thực, và giám sát chặt chẽ để tránh hao hụt do tham nhũng hay sử dụng vốn sai mục đích.
Viện trợ ODA của các nước giàu cho các nước đang phát triển như Việt Nam trở nên tốt hay không tốt, thì có lẽ, phụ thuộc vào phương thức tiếp nhận và quản lý của phía chúng ta hơn là phụ thuộc vào người cho", TS Lê Đăng Doanh nói.
Đông Nhiên