Dự án càng lớn, quy mô càng rộng... ăn càng nhiều

Google News

(Kiến Thức) - “Người ta không muốn cổ phần hóa là vì dự án càng lớn, quy mô càng rộng thì ăn càng nhiều", PGS.TS Đỗ Đức Định chia sẻ.

Không ai dám nói “tôi đã sai”!
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gồm các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước là lộ trình đã vạch ra từ rất lâu rồi. Nhưng đến nay, số doanh nghiệp cổ phần được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hệ quả là DNNN làm ăn bê bết, thua lỗ, không hiệu quả, không trở thành đòn bẩy nền kinh tế mà lại trở thành gánh nặng. Vì đâu nên nỗi ấy thưa ông?
Từ cách đây hơn 20 năm đã có nghị quyết của trung ương Đảng về vấn đề cổ phần hóa DNNN. Thực tế cho thấy, đáng lẽ nếu giao cho tư nhân làm thì lãi nhưng nhà nước làm thì lại lỗ. Một thời, cửa hàng cắt tóc nhà nước được mở ngay trên phố Tràng Thi (Hà Nội), sau đó cho các doanh nghiệp thuê lại thì họ làm lợi biết bao nhiêu. Đó là một ví dụ cho thấy sự cực đoan của doanh nghiệp nhà nước. Nghị quyết đưa ra, nhưng thực tế thì chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ. Trước năm 2007 thì chúng ta có cổ phần hóa được một số doanh nghiệp. Nhưng từ đó đến nay thì xu hướng đó thay đổi hoàn toàn ngược lại. Người ta mở rộng đầu tư, xây dựng các tập đoàn, dự án lớn.
Việc mở rộng quy mô đó là sai lầm?
Đó là sai lầm lớn nhất của DNNN, là nguyên nhân chính kéo nền kinh tế bị tụt lại. Trước năm 2007 không có những sai lầm lớn như lập tập đoàn lớn, dự án lớn, tổng công ty lớn gây ra những thất thoát cực lớn. Trước đó không có những vụ việc như ụ nổi, đồ cũ nói thành đồ mới, đồ vứt đi nói thành đồ hiện đại. Số tiền mất đi không chỉ là một vài tỷ đồng. Giờ lại tuyên bố cổ phần hóa, tưởng như là cái mới nhưng thực ra chỉ là khắc phục sai lầm của 10 năm qua.
Tôi không thấy ai nói đến việc “khắc phục sai lầm” trong việc cổ phần hóa cả?
Người Việt Nam không muốn nhận sai lầm, không ai dám nói là “tôi đã làm sai, giờ tôi phải sửa chữa” mà lại dùng từ đổi mới. Vì không nhận diện được sai lầm nên mới không có văn hóa từ chức. Vì cái sự loanh quanh dối trá đó dẫn đến cổ phần hóa chậm. Đó chính là vấn đề tư duy.
PGS.TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội nói về tiến độ CPH DNNN. 
Ung thư rồi!
Ông đánh giá thế nào về mô hình các DNNN chúng ta đang có?
Rõ ràng, 10 năm trước thì mô hình hoạt động này không kém, chưa thực sự xuất sắc nhưng có thể nói là tạm được, bước đầu đã có kết quả. Sai lầm bắt đầu từ việc mở rộng trong 10 năm qua, mà nguyên nhân dễ thấy nhất là tư duy của những người đứng đầu sai lầm. Họ tư duy sai nên tiêu hàng trăm tỷ không lo gì, lập các công ty khủng chẳng phải lo gì, không chịu trách nhiệm gì. Ban đầu họ lập một công ty to, họ thấy à, kiếm được đây. Thế là họ mở rộng nó ra nữa thì họ ăn được thêm nữa, càng rộng, càng to, ăn càng nhiều. Rồi họ mở rộng lĩnh vực, thủy điện đi làm ngân hàng, dầu khí đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản... Mở rộng một cách vô tội vạ mà không nghĩ gì đến hiệu quả.
Cái lầm lẫn trong tư duy ở đây cụ thể là gì?
Họ lầm lẫn giữa vấn đề kinh tế và xã hội, đóng góp cho xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. DNNN không chỉ có nhiệm vụ kinh tế mà còn có nhiệm vụ xã hội. Đằng này họ chỉ nghĩ đến kinh tế, đến cái lợi của họ. Lập càng to, càng rộng, hiệu quả càng kém và họ càng kiếm được nhiều. Cho đến nay, tôi chưa thấy cái to nào hiệu quả, tất cả đều thất bại. Các DNNN mở rộng các tập đoàn, mở rộng ngành nghề kinh doanh, nhưng càng mở rộng càng lỗ.
Thế vì sao lại khó cổ phần hóa?
Ở các nước khác, họ thường tư nhân hóa DNNN luôn dù có phải chịu những khó khăn, mất mát. Những lao động đang làm việc thì giải quyết thế nào để không gây bất ổn xã hội, các nước họ mất nhiều thời gian để giải quyết điều này. Việc định giá DNNN như thế nào cũng là cái khó. Đến thời điểm này thì có thể nói DNNN đã bị ung thư rồi, không thể chữa được nữa mà phải cắt đi khối u đó. Phải chấp nhận đau mới phát triển được. Mình không chịu được đau, nên cứ dây dưa mãi. Kiểu như thả con trâu ra ngoài vườn cho ăn cỏ, nhưng lại cột nó vào gốc tre. Thế là nó chỉ luẩn quẩn ăn quanh cái dây cột đó vì cái thừng buộc chặt quá rồi.
Biết là be bét vẫn không muốn cổ phần
Theo ông thì trong chính bản thân DNNN có muốn cổ phần hóa không?
Tôi nghĩ họ có 2 tâm trạng. Hầu hết là những người quản lý, kết cả công nhân họ cũng nhận thấy đáng phải thay đổi, rất muốn thay đổi rồi. Nhưng nếu cổ phần hóa thì họ thiệt, người lao động mất việc thì làm gì đây. Đối với người quản lý, cái bánh mình ăn ngon quá, mâm cỗ đang ngon mà bỏ đi thì hơi tiếc. 
Nghĩa là cũng có mâu thuẫn trong chính suy nghĩ của những người trong cuộc?
Chính trong công nhân họ cũng thấy bất cập chứ, thấy công ty mình làm ăn be bét quá, sếp ăn kinh quá mà nhân viên thì lẹt đẹt. Mấy công ty công ích ở trong TPHCM đấy, lương của sếp hàng trăm triệu đồng, công nhân có vài triệu đồng. Nhưng thay đổi, họ mất việc, thì thà có mấy triệu đồng còn hơn. Còn lãnh đạo đang “ăn ngon”, cổ phần hóa thì họ mất đi mấy trăm triệu đồng mỗi tháng, cũng tiếc chứ.
Giải pháp cổ phần hóa thời điểm này sẽ đem lại điều gì?
Có bệnh thì phải chữa, có u thì phải xem nó lành hay dữ mà cắt đi. Dù có đau cũng phải cắt, nếu không thì cả cơ thể sẽ bị phá hủy. Nợ công của chúng ta đã ở mức quá cao rồi, nếu không có giải pháp thì rồi chúng ta sẽ không khác gì các nước châu Phi. Hiện nợ của chúng ta phần lớn là của nhà nước và của các doanh nghiệp nhà nước. Nhất tội nhì nợ, không thoát ra khỏi cái nợ ấy thì không bao giờ phát triển được. 
Vừa rồi một số lãnh đạo ngành giao thông đã bị điều chuyển công tác vì không cổ phần hóa đúng thời hạn, rõ ràng, vai trò cá nhân của người lãnh đạo ở đây là mấu chốt?
Tư duy của người đứng đầu có vai trò quyết định, có sức mạnh lớn hơn nhiều các quy định. Thế nhưng đa phần họ đều nói nhưng không làm, làm loanh quanh. Nếu quyết liệt ngay từ người đứng đầu thì đã không có sự bê bết của DNNN, không có những vụ việc thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. DNNN chính là yếu tố làm sụt nền kinh tế, thì trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu là mấu chốt.
Xin cảm ơn ông!
Cổ phần hóa DNNN phải đặt trong một môi trường mới chứ không thể đứng độc lập ở nền kinh tế. Việc cổ phần hóa chỉ như những miếng vá của chiếc áo, là tốt, nhưng để có nền kinh tế phát triển toàn diện phải thực hiện đổi mới lần 2, giống như năm 1986 chúng ta đã làm.

Một đất nước mà quy mô kinh tế còn nhỏ thì đừng nghĩ đến những thứ quá to tát như 10 sân bay quốc tế, 10 cảng biển quốc tế, đường cao tốc nọ cao tốc kia, chưa đủ sức làm đâu. Đừng nghĩ những cái trên trời. Kêu là bô xít tuyệt đối an toàn nhưng bùn đỏ chảy ra cả huyện, thì có an toàn không? Rồi làm nhà máy điện hạt nhân, tập trung đầu tư trong khi nguồn nắng, gió, sóng biển... ngập tràn thì lại không đầu tư để phát triển.
Tô Hội (Thực hiện)