Dự đoán dầu khí tại vịnh Bắc Bộ... TQ đặt giàn khoan Nam Hải 9

Google News

(Kiến Thức) - Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho hay, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí...

Ngày 18/6, website của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này đang đưa giàn khoan Nam Hải 9 vào Biển Đông. Đây là giàn khoan thứ hai mà Trung Quốc đưa ra biển Đông, sau giàn khoan Hải Dương 981 đang đặt phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Giàn khoan Nam Hải 9 sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc - 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc - 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông, với tốc độ 4 hải lý/giờ.
Theo đó, tọa độ xuất phát của giàn khoan này chính là từ đảo Hải Nam, trong khi điểm đến của nó là khu vực cửa vịnh Bắc Bộ - nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải.
Vậy, khu vực cửa vịnh Bắc Bộ, nơi mà Trung Quốc đưa giàn khoan thứ 2 có tên Nam Hải 9 ra, nói riêng và khu vực vịnh Bắc Bộ nói chung, tiềm năng dầu khí như thế nào?
Giàn khoan Nam Hải 9. 
Khu vực vịnh Bắc Bộ có khả năng có dầu khí
Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí.
“Thực ra trong nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc đã có sự hợp tác nhằm thăm dò và khai thác dầu khí trên vịnh Bắc Bộ, ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển. Những gì liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia, hai bên đều tôn trọng, đề cao trong quá trình hợp tác này. Nếu có ai đó, không tôn trọng chủ quyền của nhau, thì chúng tôi sẽ phản đối”, ông Hậu nói.
Trước đó, hồi tháng 6/2013, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc ký thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò, khai thác dầu khí chung trong khu vực ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.
Khi đó, trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, thỏa thuận hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc được ký lần đầu từ năm 2006 phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ. Thỏa thuận này đã được gia hạn 3 lần. Lần này là lần thứ 4 với thời hạn đến năm 2016.
Theo đó, Việt Nam và phía Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau về một vùng biển nằm trên vịnh Bắc Bộ, nằm trên đường phân định hai quốc gia; cùng nhau thăm dò và cùng nhau khai thác khi phát hiện có dầu khí.
Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên vịnh Bắc Bộ của hai nước lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006.
Khu vực này được chia đều qua đường phân định trên vịnh Bắc Bộ, một nửa nằm phía Việt Nam và một nửa nằm bên phía Trung Quốc. Trên khu vực này, hai tổng công ty của hai Nhà nước sẽ cùng nhau tiến hành thăm dò, nhằm phát hiện các cấu tạo địa chất có chứa dầu khí. Khi phát hiện có dầu khí, hai bên sẽ tiếp tục bàn thảo, để cùng nhau hợp tác khai thác.
Giàn khoan Nam Hải 9 không có khả năng khai thác dầu khí
Theo nhận định của chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình, Hội viên Hội Khoa học biển Việt Nam, giàn khoan Hải Dương 981 có nhiệm vụ chính là thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu và khai thác dầu khí nước sâu. Còn giàn khoan Nam Hải 09 là giàn khoan thế hệ cũ, chỉ có khả năng khai thác vùng thềm lục địa, không có khả năng thăm dò dầu khí.
“Nếu đã có sự di chuyển giàn khoan kiểu này thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành khai thác dầu. Nếu họ chỉ khai thác trên biển họ thì không vấn đề, nhưng nếu khai thác trên vùng biển của Việt Nam thì phải kiên quyết đấu tranh", ông Bình nói.
Trung Quốc có thể kéo giàn khoan tới Trường Sa
Trong buổi tọa đàm về tình hình an ninh Biển Đông diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ngày 20/6, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, cho biết, Trung Quốc có thể kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Đỉnh điểm của căng thẳng trên biển Đông vẫn còn nằm ở phía trước và Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra những quân cờ mới.
Sơ đồ khu vực xác định thỏa thuận thăm dò chung Việt Nam - Trung Quốc tại vịnh Bắc Bộ.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết, qua trao đổi, nhiều học giả của Việt Nam cho rằng từ nay đến thời điểm 15/8, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vị trí hiện nay do không muốn để giàn khoan làm mục tiêu cho thế giới chỉ trích. Tuy nhiên, hướng đi sắp tới sau khi rút đi giàn khoan Hải Dương 981 là rất khó dự đoán.
Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, có 3 kịch bản mà Trung Quốc sử dụng với giàn khoan Hải Dương 981 trong thời gian tới gồm: rút ra vùng biển quốc tế, rút về vùng biển của Trung Quốc và nguy hiểm nhất là vẫn duy trì giàn khoan này ở trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kéo hướng về phía quần đảo Trường Sa.
Tại các vị trí mà giàn khoan Hải Dương 981 đã “khảo sát, thăm dò”, Trung Quốc có thể đưa vào đó những giàn khoan khác cùng lực lượng tàu bảo vệ, tàu cá… “Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ hợp tác với một bên thứ ba để khai thác, hoạt động. Đó là lúc họ hiện thực hóa việc xâm chiếm vùng biển của Việt Nam cả trên mặt biển, trên không và dưới đáy biển”, thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Theo nhận định của thiếu tướng Lê Văn Cương, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp đấu tranh hòa bình buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Tuy nhiên, đỉnh điểm của những căng thẳng trên biển Đông vẫn còn nằm ở phía trước. “Trung Quốc hiện mới đang tung ra những quân tốt, quân mã cho ván cờ của mình mà chưa đưa ra xe, pháo... ”, thiếu tướng Cương nói
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng khẳng định Việt Nam muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình nhưng không hề sợ hãi nếu buộc phải sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Minh Hiếu