Dương Chí Dũng thoát án tử nhờ khai người mật báo?

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, Dương Chí Dũng đã khai một thứ trưởng Bộ Công an là người mật báo để ông bỏ trốn. Liệu lời khai này có giúp Dương Chí Dũng thoát án tử hình.

Mới đây, tại phiên xét xử Dương Tự Trọng về hành vi tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng có khai tại tòa rằng, người mật báo cho ông Dũng về quyết định ông bị khởi tố, bắt tạm giam chính là ông P.Q.N, Thứ trưởng Bộ Công an. Ngoài việc mật báo thông tin này, Dương Chí Dũng còn khai đã đưa tiền hối lộ cho ông N. và một số người khác, trong đó ông N. đã nhận 1 triệu USD.
Liên quan đến việc này, nhiều người băn khoăn, nếu lời khai trên của Dương Chí Dũng được các cơ quan chức năng điều tra và kết luận là đúng sự thật thì liệu ông Dũng có được giảm nhẹ tội và tình tiết giảm nhẹ tội này có giúp ông thoát được án tử hình hay không?
Duong Chi Dung thoat an tu nho khai nguoi mat bao?
 Bị cáo Dương Chí Dũng. 
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nếu cơ quan điều tra xác định lời khai về việc ông N. là người mật báo cho Dương Chí Dũng đúng là sự thật thì Dương Chí Dũng sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ, đó là "tích cực giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm" theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Tình tiết giảm nhẹ thì chỉ là căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn có quyết định cho giảm hay không thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác của vụ án, mà quan trọng nhất là mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Không phải cứ có tình tiết giảm nhẹ là sẽ được giảm trách nhiệm hình sự. Thực tế có nhiều tội phạm do mức độ nguy hiểm cho xã hộ quá cao nên khi có thêm tình tiết giảm nhẹ thì cũng không được giảm hình phạt.
Nếu Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm sắp tới chấp nhận giảm nhẹ hình phạt thì ông Dũng sẽ thoát án tử hình.
Ngoài lời khai này ra, nếu tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới, ông Dũng tiếp tục khai báo thành khẩn các thông tin liên quan đến hành vi phạm tội, đồng thời tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi đó, thì có thể xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ khác nữa theo quy định tại Điểm p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự là “thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải” thì cơ hội được giảm án từ tử hình xuống chung thân sẽ cao hơn.
"Còn về trách nhiệm của ông Dũng đối với lời khai của mình, bản thân lời khai của ông Dũng đã là chứng cứ. Nếu cơ quan điều tra cho rằng, lời khai này chưa đủ căn cứ để khẳng định ông N. đã mật báo và nhận tiền của ông Dũng thì ông Dũng không phải chịu trách nhiệm gì, vì như tôi nói bản thân đó đã là chứng cứ rồi, trách nhiệm chứng minh thêm là của cơ quan điều tra.
Nếu cơ quan điều tra chứng minh ông Dũng cố tình bịa đặt để vu oan cho người khác thì ông Dũng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “Vu khống” theo Điều 121 Bộ luật Hình sự và bị áp dụng tình tiết định khung tại Khoản 2 là vu khống “đối với người thi hành công vụ” và “vu khống người khác phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” – mức hình phạt tại Khoản 2 là từ 1 đến 7 năm tù. Thực ra tình tiết này còn thỏa mãn cả tội danh “khai báo gian dối” theo Điều 307 Bộ luật Hình sự, nhưng quan điểm của tôi là chỉ xử lý một tội danh là tội Vu khống thôi", Luật sư Thạch phân tích.
Việc lời khai của ông Dũng có bao nhiêu phần trăm sự thật trong đó cũng đang là câu hỏi mà dư luận băn khoăn. Theo ý kiến một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, việc điều tra ở những “vụ án lớn”, phức tạp như thế này sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan Điều tra Bộ Công an. Theo lời khai của ông Dũng thì ông P.Q.N. sẽ bị xem xét và điều tra về tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Dù tội này không thuộc tội xâm phạm hoạt động tư pháp nhưng liên quan đến lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng thì trong trường hợp đặc biệt, vụ án này cũng có thể sẽ được giao cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành điều tra.
Về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ theo quy định tại điều 119, 162, 166, 168, 176 bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.
Minh Hiếu