Giám đốc "công ích" lấy đâu nhiều tiền chơi golf?

Google News

Ngoài việc đánh nhân viên sân golf ngất xỉu, điều dư luận quan tâm nữa là tổng giám đốc một doanh nghiệp công ích lấy đâu ra nhiều tiền để chơi golf, một môn thể thao tốn kém...

Liên quan đến vụ ông Nguyễn Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, bị Ban điều hành sân Golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tước quyền thành viên vì đánh người gây thương tích, chiều 23/9, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã có văn bản yêu cầu ông Sơn làm báo cáo giải trình (phải gửi trong ngày hôm nay 24/9) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
 Chi hàng triệu đồng mỗi lần chơi golf nhưng ông Sơn cho rằng chơi golf không tốn kém.
Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm là ông Sơn, tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước (DNNN), lấy đâu ra nhiều tiền để chơi golf, một môn thể thao chỉ dành riêng cho giới lắm tiền nhiều của.
Theo tìm hiểu của PV, tại sân golf Tam Đảo, hội viên chính thức sẽ phải nộp phí ghi danh tối thiểu là 38 nghìn USD (25 năm), chưa kể hằng năm phải nộp hàng chục triệu đồng làm phí bảo dưỡng thẻ hội viên.
Đối với người chơi lẻ, tức không phải hội viên, mỗi lần chơi phải phải tốn kém từ 82 USD, vào ngày thường, hoặc 172 USD, vào ngày cuối tuần.
Dù là thành viên hay khách lẻ thì người chơi golf cũng phải mất hàng triệu đồng cho một lần chơi. Thường phải là những người có thu nhập cao mới dám chơi môn thể thao tốn kém này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Sơn cho biết thông thường mỗi tuần ông đi chơi golf một đến hai lần. Chi phí cho mỗi lần đi chơi thường hết khoảng hơn 1 triệu đồng.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, ông mới chơi golf chưa lâu, chỉ từ khoảng sau tết Quý Tỵ vừa qua. “Ngoài chơi ở Tam Đảo, tôi còn chơi ở nhiều sân golf khác quanh Hà Nội, thi thoảng mới đến đấy. Anh em chơi cùng rủ đi chơi ở đâu thì đi đó”, ông Sơn nói thêm.
Ông Sơn cũng cho rằng ở Hà Nội có rất đông công chức vẫn đi chơi golf, đông nhất vào ngày nghỉ cuối tuần. “Chơi golf bây giờ đã quá bình thường và phổ biến rồi”, ông Sơn giãi bày.
Ông Sơn cũng cho biết thêm hiện nay mức lương của ông theo hệ số cơ bản là hơn 6 phẩy. “Tính ra cũng chỉ được khoảng 8 triệu/tháng. Còn doanh thu công ty tôi cũng chỉ khoảng hơn 100 tỉ đồng/năm, đều nộp ngân sách hết. Sau đó, ngân sách trích lại trả lương cho nhân viên công ty”, ông Sơn nói.
Trước đó, trao đổi với PV về vụ chơi golf lại gây thương tích cho người khác, ông Nguyễn Đức Sơn cho rằng đây là một sự việc đáng tiếc.
Theo tìm hiểu của PV, cách đây khoảng nửa năm, nhóm ông Sơn chơi ở sân Golf Tam Đảo có liên quan đến một vụ khiến một caddie (người cầm gậy, hỗ trợ khách chơi golf - NV) bị thương nặng. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng mình không phải trực tiếp gây thương tích cho caddie này, mà “chỉ là một nhân chứng”.
“Bản chất vụ việc này không phải là gây lộn mà do người bạn trong nhóm đánh bóng trúng vào mắt caddie. Sau đó, mọi người đã đưa caddie đi khám, chi trả hoàn toàn tiền viện phí là 13 triệu đồng”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (trực thuộc UBND TP.Hà Nội) được chuyển đổi từ Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) từ tháng 3/2010.

Công ty có nhiệm vụ chủ yếu là quản lý và phát triển các loại nhà ở tại Hà Nội như quản lý nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhà ở đối với người có công với cách mạng, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm của Nhà nước và thành phố, nhà thuê ở phục vụ cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà thuê ở cho học sinh, sinh viên... phát triển các dự án nhà ở theo quy hoạch của thành phố đã phê duyệt.

Theo Thanh Niên