Đó là ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội quanh phương án điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình của Sở GTVT Hà Nội.
Doanh nghiệp kêu trời
Thời gian qua, tại khu vực bến xe khách
Mỹ Đình thường xuyên xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. Hiện tượng phương tiện đón trả khách không đúng nơi quy định (xe dù), phương tiện đủ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định vẫn đón, trả khách xung quanh các bến xe của thành phố (bến cóc) hoạt động ngày càng gia tăng gây bức xúc trong nhân dân. Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương đã tăng cường ngăn chặn, kiểm tra, xử lý hàng trăm xe khách vi phạm, trong đó hàng chục trường hợp bị đình chỉ hoạt động.
Để chấm dứt hiện tượng mất trật tự
an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT TP. Hà Nội đã lên phương án điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến Mỹ Đình về một số bến khác trên địa bàn. Chủ trương giảm tải bến xe Mỹ Đình do các cơ quan chức năng của Hà Nội đưa ra đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
|
Nhiều doanh nghiệp vận tải các tỉnh quyết liệt phản đối phương án của Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: GDVN
|
Phía các doanh nghiệp vận tải cả trên địa bàn Thủ đô và ngoại tỉnh, đang khai thác ở các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm quyết liệt phản đối phương án của Sở GTVT Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, và nhiều doanh nghiệp vận tải Thủ đô gửi công văn kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Họ đưa ra những lý lẽ khẳng định phương án điều chuyển hướng tuyến của Sở GTVT Hà Nội không phù hợp trong tình hình hiện tại.
Cụ thể là cơ sở hạ tầng chưa đủ, đường vành đai 4 chưa xây dựng xong, xe khách của các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ phải đi theo đường vành đai 3, xuống Hà Đông về Yên Nghĩa, như vậy lại gây áp lực giao thông rất lớn trên tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông, mà trước đó các cơ quan chức năng từng nỗ lực để “giải tỏa” cho tuyến đường này.
Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp bày tỏ, họ phải cầm cố nhà, vay lãi ngân hàng đầu tư xe, mất nhiều năm mới quen bến, quen tuyến, quen khách hàng. Giờ họ mới đang trong quá trình thu hồi vốn, thì "đùng một cái" phải chuyển đi, các doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn cùng nỗi lo sẽ dẫn đến phá sản.
Theo các doanh nghiệp, Sở GTVT Hà Nội đã có thiếu sót khi không lấy ý kiến, trao đổi với doanh nghiệp để đi đến đồng thuận. Bởi lẽ, các doanh nghiệp khi di chuyển đều phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, cần có lộ trình chuẩn bị...
Phương án chỉ lợi trước mắt?
Liên quan tới phương án giảm tải bến xe khách Mỹ Đình, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cho rằng, việc chuyển hướng ngay có cái lợi trước mắt, tuy nhiên chưa có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện. Nếu chuyển hướng như vậy thì các xe vẫn di chuyển trong nội đô gây ra cái vòng luẩn quẩn, gây ách tắc quận Hà Đông. Ông Liên cũng đánh giá, đây là một phương án… “nửa vời”!
Ông Liên cũng cho biết, ngày 17/6/2013, Hiệp hội GTVT Hà Nội đã gửi công văn đến Ban thường vụ thành ủy Hà Nội và UBND TP Hà Nội, đề nghị hoãn việc điều chỉnh phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình. Ông Bùi Danh Liên phân tích, về mặt pháp lý, phương án của Sở GTVT Hà Nội là trái với các văn bản quy hoạch còn hiệu lực.
Thứ nhất, Quyết định 165/2003/QĐ-UB do UBND TP. Hà Nội ban hành quy định rõ: “Đến năm 2020 trên địa bàn TP, bố trí từng bến xe khách liên tỉnh theo từng luồng khách liên tỉnh (theo hướng tuyến, khách đi khu vực nào thì bố trí bến xe theo hướng đó, tránh xuyên tâm đan chéo). Trong giai đoạn trước mắt, có thể sử dụng bến kết hợp (phục vụ không chỉ một hướng tuyến)”.
Thứ hai, trái với Quyết định 1259/QĐ – TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch xây dựng Thủ đô), về việc xây dựng các bến xe khách liên tỉnh, ngoại thành mỗi bến từ 5-7ha lộ trình từ 2015-2020.
Thứ ba, Quy hoạch xây dựng bến xe Mỹ Đình là 3,5ha nhưng hiện tại mới đạt 1,8ha. Cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng theo quy hoạch, lại bắt doanh nghiệp và người dân điều chuyển sang bến xe khác là không công bằng. Trong khi đó, khuôn viên bến xe hiện còn có gara gây lộn xộn và cây xăng rất nguy hiểm.
|
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội. |
Việc bến xe Mỹ Đình có thực sự quá tải hay không, theo ông Liên, cần có số liệu tính toán thực tế. Bến Mỹ Đình đông xe, nhưng chưa đến mức ách tắc và rõ ràng là sau khi giải quyết một số vấn đề thì hiện bến xe Mỹ Đình đã thông thoáng, không bị ách tắc, không còn xe dù, bến cóc. Các xe ra khỏi bến đều chạy thẳng lên cầu vành đai 3 để ra khỏi thành phố, không có xe khách chạy xuyên tâm nội đô.
Thêm nữa, ông Liên cho rằng, ở đây xuất hiện
tiêu cực của cơ quan tuần tra, kiểm soát, tiêu cực trong việc chạy nốt, bán nốt, sự tranh giành khách giữa các chủ xe, doanh nghiệp… “Tôi chỉ lấy một ví dụ là phía sau bến xe Mỹ Đình được các công ty tư nhân xây bãi đỗ xe, dần dần khách vào đó chứ không vào bến, tranh khách của các xe trong bến Mỹ Đình. Khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng biết, cho phá bến xe đó. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian lại “mọc” lên bến thứ hai, thứ ba… không thấy ý kiến của các cơ quan chức năng”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP.Hà Nội cho biết.
Ông Bùi Danh Liên nói thêm: “Tôi cho rằng, vấn đề ở cách tổ chức quản lý của bến xe Mỹ Đình và trách nhiệm của cơ quan tuần tra kiểm soát ngoài bến xe, chính là chính quyền địa phương. Theo tôi nên tạm dừng việc giảm tải bến xe Mỹ Đình và bố trí luồng tuyến theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc cho đến khi đầu tư xong các bến xe mới. Nên tiến hành trước việc dỡ bỏ gara và cây xăng trong khuôn viên của bến xe, cho thuê đất phía sau bến xe làm bãi đỗ xe cho các phương tiện của bến xe, duy trì trật tự trong và ngoài bến như hiện nay”.
Không phản đối phương án Sở GTVT Hà Nội đưa ra, tuy nhiên, ý kiến của Hiệp hội Vận tải Hà Nội là nên thực hiện theo lộ trình, có sự đồng thuận nhằm mục tiêu lợi cho người dân, doanh nghiệp, và tạo sự ổn định kinh tế của Thủ đô.
Phương án điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến Mỹ Đình về một số bến khác trên địa bàn (dự kiến thực hiện từ 3/6 đến 20/7), cụ thể:
Đối với tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ bố trí ở bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến đi tỉnh Nam Định, Thái Bình được bố trí chia đều cho hai bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm.
Tổng số 525 phương tiện sẽ được điều chuyển; số chuyến xe điều chuyển 433 chuyến/ngày thuộc 59 đơn vị vận tải.
Sau khi điều chuyển, bến xe Mỹ Đình chỉ còn 800 lượt xe/ngày; bến xe Yên Nghĩa tăng lên 626 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm 667 lượt xe/ngày.
Theo đó, từ bến xe Yên Nghĩa đi phía Tây Bắc theo quốc lộ 6, còn tuyến Thái Bình, Nam Định đi theo đường 70 hoặc đường Lê Trọng Tấn-Lê Văn Lương kéo dài-đường trên cao vành đai 3 để vào bến xe Yên Nghĩa; và đi theo quốc lộ 1-cầu Thanh Trì hoặc quốc lộ 39, quốc lộ 5 vào bến xe Gia Lâm.
|
Anh Tuấn