Đi ăn cắp cũng dùng... “binh pháp”
Về địa bàn hoạt động, các đối tượng giang hồ trong bệnh viện thường xoay “tour”, nên rất khó nhận biết đường đi, nước bước của chúng. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện lớn, có đông người đến khám, chữa bệnh thì chúng hoạt động thường có giờ giấc nhất định. Ông Huỳnh Ngọc Thành, Đội trưởng đội Bảo vệ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, có một người đàn ông cứ đến giờ nhất định là gọi vào số điện thoại bàn của ông Thành báo tại phòng nọ, phòng kia của bệnh viện có hai, ba đối tượng mặc áo đen rạch giỏ, móc túi. Lần đầu tưởng thật vì cứ nghĩ là quần chúng nhân dân báo tin, ông Thành có cử anh em chạy sang, nhưng thực tế không phải. Tuy nhiên, ngay lập tức, tại các chốt có bảo vệ sang khu đó liền xảy ra sự cố, nhiều đồ đạc của bệnh nhân không cánh mà bay. “Từ đó, khi có những cuộc gọi báo theo kiểu như thế thì chúng tôi đã bố trí cẩn thận, không rơi vào bẫy của bọn chúng. Nếu không có kinh nghiệm là cử anh em bảo vệ hướng về nơi “chỉ điểm” liền”, ông Thành nói.
Ông Thành kể tiếp: “Thậm chí, có khi còn có cả một số đối tượng đứng “canh” bảo vệ. Khi bảo vệ di chuyển, chúng dùng điện thoại hoặc một số phương tiện liên lạc khác thông báo cho nhau nhằm trốn tránh. Nghĩa là họ ở trong bóng tối, có thể quan sát được, còn mình thì rơi vào tình huống bị động, khó chống đỡ”. Bên cạnh các chiêu thức nói trên, một cán bộ Công an TP.HCM cho biết, chúng còn giở nhiều chiêu khó ngờ hơn. Ví như, tại một số bệnh viện lớn, lợi dụng lúc người bệnh chờ thanh toán tiền viện phí... bọn chúng giả vờ té ngã, làm đổ nước mắm lên người, khi họ vào nhà vệ sinh thay quần áo thì chúng vào phòng cạnh bên, thò tay lấy bộ đồ của bệnh nhân có tiền thanh toán viện phí trong đó. Rồi, các đối tượng này cũng thường trộm cắp vào buổi trưa, sau khi bệnh nhân ngủ, người nhà đi ăn trưa. Khi đó, kẻ gian ăn mặc lịch sự, trà trộn mang theo quà, trái cây... như người đi nuôi bệnh hoặc thăm bệnh vào buồng bệnh nhân, lợi dụng sơ hở để lấy tài sản của bệnh nhân. Một số đối tượng còn giả danh thăm người bệnh, sau đó đến các phòng bệnh mở cửa hỏi thăm. Nếu mở cửa, thấy trong phòng bệnh nhân đang ngủ là ra tay lấy tiền, điện thoại... Nếu gặp bệnh nhân còn thức thì nói... nhầm phòng.
|
Những điểm nhạy cảm như thế này thường là nơi kẻ gian ra tay. (ảnh chụp tại bệnh viện Ung bướu). |
Về “nghiệp vụ”, các đối tượng trộm cắp trong bệnh viện này hoạt động có tổ chức hết sức tinh vi và chuyên nghiệp. Việc rạch giỏ, móc túi, tuột vòng, nhẫn... chỉ trong tích tắc mà không ai có thể ngờ được. Khi ra tay thành công, chúng liền chuyền tay cho đối tượng khác và tìm cách tẩu tán rất nhanh. Lúc nào chúng cũng có 3 – 4 người trong nhóm cùng hành động. Và những đối tượng này hành nghề là có chăn dắt. Vì nếu không, rất dễ đụng nhau. Đồng thời, không phải ai muốn vào lãnh địa hoạt động cũng được. N.H., một “đạo chích” từng hành nghề này tại bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó bị bắt nay đã hoàn lương chạy xe ôm kiếm sống cho biết, khi đi làm thì có người dạy cho mình cách tiếp cận con mồi, móc túi, rạch giỏ như thế nào. Đồng thời, phải hoạt động dưới trướng một người đàn ông (mà anh không được biết tên).
H. cho biết thêm, kiếm được bao nhiêu thì nộp phần trăm cho ông ta, tùy vào thành quả của ngày hôm đó, chứ không theo tỉ lệ nhất định nào. “Tôi mới vào nghề, làm còn vụng về nên bị bắt ngay lần đầu tiên. Sau đó, được sự động viên, chia sẻ của mấy anh cán bộ nên hoàn lương luôn. Cũng vì nghĩ đến con cái sau này, không muốn chúng nó biết có một người cha như thế”, anh H. cho biết.
Ông Thành cũng cho hay, nếu không có người chăn dắt thì chúng rất dễ đụng nhau. Vì người này làm được, kẻ lại không có gì. Hơn nữa, đâu phải ai muốn vào địa bàn này hoạt động cũng được, thế nào cũng ăn đòn ngay. Minh chứng cụ thể là những khuôn mặt bị bắt lặp đi lặp lại, chứ có ai mới vào đâu hay từ nơi khác đến địa bàn này hoạt động được. Ví như, có ai mới đến “hành nghề” thì sẽ bị phát hiện ngay và sẽ không yên với băng nhóm này.
Lẽ nào khoanh tay?
Trước thực trạng trộm cắp trên, các bệnh viện đều đưa ra những giải pháp khắc phục, tuy nhiên cũng lắm trở ngại và khó nhất là các đối tượng này chuyên đứng trong bóng tối, còn những người làm nhiệm vụ luôn bị động, đứng ở khu vực có ánh sáng. Tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, dù đã lắp camera quan sát nhưng vào mỗi sáng, vì lượng người đến khám chữa bệnh quá đông, không thể nào quan sát được các hành động như móc túi, rạch giỏ.
Ông Thành cho biết thêm, hiện nay, lực lượng bảo vệ có 15 người chia làm hai ca, trực 24/24, tuy nhiên cũng chỉ bố trí anh em đứng ở những điểm nhạy cảm, đông người như nhà thuốc, trước cửa phòng khám, thu tiền... để báo hiệu cho các đối tượng xấu không dám manh động và ngăn chặn kịp thời các tình huống xảy ra. Trong trường hợp bắt được nghi phạm thì lập tức gọi cho công an khu vực, đơn vị phối hợp xuống giải quyết ngay.
“Tương tự tại bệnh viện Bình Dân, hiện nay bảo vệ cũng đã được trang bị bộ đàm để liên lạc với nhau. Khi có sự cố thì anh em có thể hỗ trợ ngay tức thời”, ông Lê Văn Sàng, phụ trách bộ phận Hành chính – Tổ chức cán bộ bệnh viện Bình Dân cho biết. Cũng theo ông Sàng, bệnh viện đã ký quy chế phối hợp với Công an phường 4 (quận 3), Công an quận 3, để phối hợp thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng móc túi, rạch giỏ, trộm cắp tài sản... Phía công an cũng cử một số thành viên trong tổ bảo vệ dân phố xuống hỗ trợ, túc trực tại các phòng khám...
Ngoài ra, ông Sàng còn cho biết thêm, sắp tới bệnh viện cũng sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống camera quan sát tại các điểm nhạy cảm. Trong khi đó, đã cho dán các thông báo, cảnh báo, phát bằng loa... để người đến khám chữa bệnh cảnh giác, đề phòng. Đây cũng là những giải pháp mà nhiều bệnh viện đang áp dụng hiện nay.
Bên cạnh đó, một đại diện công an thành phố cũng cho biết, để góp phần giữ gìn an ninh trật tự chung, công an thành phố đã đề nghị lãnh đạo các bệnh viện, phòng khám bổ sung, chấn chỉnh công tác bảo vệ và tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, thân nhân, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tích cực tham gia phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Trong đó, tăng cường lực lượng bảo vệ, phân bố đều ở các điểm tập trung đông bệnh nhân, thân nhân chờ: Phòng khám, quầy thuốc, đóng viện phí... và hướng dẫn mọi người giữ trật tự, không để kẻ gian lợi dụng sơ hở ra tay. Đồng thời, thông báo kịp thời về những đối tượng nghi vấn cho công an địa phương nơi bệnh viện trú đóng, lực lượng bảo vệ theo dõi, ngăn chặn, không để đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, để giải quyết và tiến tới loại bỏ vấn nạn này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, nhất là công an và lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội. Bởi, nhiều đối tượng bị bắt với tang chứng, vật chứng nhưng vì mức độ vi phạm, tài sản có giá trị chưa nhiều... nên xử lý hình sự khó, chỉ xử phạt hành chính. Sau khi nộp phạt, chúng lại tiếp tục hành nghề... nên việc giải quyết như làm kiểu bắt cóc bỏ đĩa.
Do đó, cần có sự hỗ trợ của lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội để giúp họ “cai nghề”, hỗ trợ việc làm, vận động về lại địa phương để lao động, sản xuất, có như vậy mới bền vững. Bởi, “những lần gần đây, chưa bao giờ bắt được đối tượng nào có gương mặt lạ cả, trong vài ba năm nay, cứ mười mấy tên đó xoay đi xoay lại không à”, ông Thành phân trần. Đồng thời, nhiều người, nhất là lãnh đạo, những người làm công tác bảo vệ tại các bệnh viện cũng khuyến nghị phải có cách gì để xử lý triệt để, chứ để kiểu này không ổn.
Đe dọa bảo vệ
Một cán bộ bảo vệ (xin giấu tên) trước cổng bệnh viện Ung bướu cho biết, “dù biết mặt, điểm từng tên chuyên “cò mồi”, dẫn người bệnh đi vào các phòng khám tư hay các đối tượng chuyên móc túi, rạch giỏ, trộm cắp tài sản… tuy nhiên, nếu động vào là không yên với chúng nó. Thậm chí, chúng còn dàn cảnh đánh, đe dọa người nhà của bảo vệ nên không ai dám làm gì cả. Chỉ khi nào chúng vào trong khuôn viên bệnh viện thì đuổi ra thôi”.
Theo Đời Sống Pháp Luật