"Giấu" hàng nghìn lô đất TĐC: Trách nhiệm của Bí thư Đà Nẵng

Google News

Các Ban GPMB Đà Nẵng giấu hàng ngàn lô đất trong khi hằng năm, thành phố chi ngân sách hàng chục tỷ cho dân chưa được cấp đất TĐC thuê nhà.

Ngày 11/12, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu (ĐB) gay gắt chất vấn lãnh đạo Sở TT&TT, lãnh đạo UBND thành phố về tính hiệu quả của các dự án CNTT, cũng như việc phát hiện các Ban giải tỏa, Ban GPMB… giấu hàng ngàn lô đất trong khi hằng năm, thành phố chi ngân sách hàng chục tỷ cho dân chưa được cấp đất tái định cư (TĐC) thuê nhà.
“Thung lũng Silicon”: Nhờ đại sứ quán thẩm định năng lực nhà đầu tư
Về dự án khu CNTT tập trung (còn gọi là thung lũng Silicon), theo GĐ Sở TT&TT Phạm Kim Sơn, đến thời điểm này, là cơ quan tham mưu, Sở cũng không hề biết “ý” của nhà đầu tư là như thế nào. Dự án đã dừng mấy tháng nay, chủ đầu tư nợ tiền nhà thầu không trả. Gọi thì không ai trả lời, mời đến làm việc mấy lần thì im bặt. Theo Bí thư Trần Thọ, rõ ràng năng lực nhà đầu tư có vấn đề và sự tham mưu của Sở TT&TT cũng như vai trò của UBND thành phố trong câu chuyện này là rất lớn. Ông Phạm Kim Sơn bất ngờ tiết lộ: Sở TT&TT không thể nào thẩm định được năng lực nhà đầu tư là Tập đoàn Rocky Lai & Associates, Inc - (Texas - Hoa Kỳ) mà cái này là do UBND thành phố nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ thẩm định hộ. Đại sứ quán có văn bản báo về là tiềm lực rất ổn định.
Có tới 15 ngàn lô đất thừa, chưa bố trí cho dân. 
Phó Chủ tịch TP Phùng Tấn Viết thừa nhận: “Chúng tôi đã mời chủ đầu tư 3 lần nhưng họ không tới. Bây giờ nói lần cuối cùng, hết quý 1/2015 mà họ không triển khai nữa thì rút giấy phép, xử theo luật định”. Theo ĐB Trần Văn Sơn - GĐ Công an Đà Nẵng, để làm “thung lũng Silicon”, hơn 100 hộ dân đã phải đập nhà cửa, di dời để đến nay xảy ra tình trạng này. Riêng ngành công an đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo, hiện Công an Đà Nẵng cũng yêu cầu cấm xuất cảnh đối với một số trường hợp liên quan dự án này.
Giấu đất tái định cư: Có lợi ích nhóm
Con số mà Phó Chủ tịch Võ Duy Khương đưa ra trong sáng hôm qua, số lô đất TĐC qua thanh kiểm tra còn lớn hơn nhiều so với 10 ngàn lô như ban đầu. Cụ thể, năm 2014, qua kiểm tra của Thành ủy và UBND thành phố, trên địa bàn dư tới 14.562 lô đất TĐC (trong khi đó thành phố nợ dân hơn 1.700 lô, hằng năm phải chi hàng chục tỷ cho những hộ chưa được cấp đất TĐC thuê nhà). Trong số này, có hơn 6 ngàn lô đường 10,5 m, 462 lô biệt thự, 1.500 lô 2 mặt tiền chưa bố trí do dân không đủ điều kiện. Có 182 lô ở ngã ba đường dân không chịu nhận. Số còn lại là do các Ban GPMB, giải tỏa đền bù… giấu đất.
Ông Khương lý giải nguyên nhân giấu đất là do trước đây, thành phố có tới 17 ban, đơn vị cùng giải quyết chuyện này, nhập vào, tách ra nhiều lần nên có sai sót hồ sơ, số liệu không đầy đủ. “Phải nói thẳng là hoạt động của các ban này thiếu trách nhiệm, rất lỏng lẻo, không có đơn vị chịu trách nhiệm đầu mối. Có nhiều đơn vị hàng năm trời báo cáo không trung thực, khi buộc phải công khai lại giấu đất xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Thành phố không nắm được chuyện này. Đáng buồn là đất thừa, nhưng nhiều hộ dân phải thuê nhà 4 - 5 năm trời”. Theo ông Khương: Sẽ làm rõ trách nhiệm, truy đến cùng và xử lý nghiêm, nếu ai tội nặng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ, nói thẳng: Việc giấu đất là có dấu hiệu lợi ích nhóm, tùy tiện xử lý sai quy định, vượt thẩm quyền nhiều trường hợp. Từ đây, ông Thọ bắt lỗi cả hệ thống chính quyền. Đầu tiên là hai Sở Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư chưa chặt chẽ, ít sâu sát thực tế. Tiếp đến là vai trò của Văn phòng UBND thành phố tham mưu chưa tốt. Và sau nữa là trách nhiệm của lãnh đạo UBND ở đâu? Cuối cùng, ông Thọ xét đến trách nhiệm của HĐND thành phố. “Ban Kinh tế ngân sách, Ban Pháp chế ở đâu, rồi thường trực HĐND làm gì mà không phát hiện, ngăn chặn? “Cả tôi nữa, với tư cách Chủ tịch HĐND, không thể thoát trách nhiệm. Làm dự án thì nhiều mà năm nào cũng nghe nợ đất của dân. Chúng tôi xin nhận thiếu sót trước cử tri, nhân dân. Sắp tới sẽ xử lý trách nhiệm chung, trách nhiệm của từng người” - ông Thọ nói.
Dự án làng Vân, SVĐ Chi Lăng: Quá chậm, sẽ thu hồi theo luật
Về dự án Khu du lịch làng Vân, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, dự án đang tiến triển tốt. Hiện nhà đầu tư đã nộp ngân sách tiền chuyển quyền sử dụng đất 200 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ lập dự án tiền khả thi để năm 2015 sẽ khởi công.
Với dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng, theo ông Tuấn, từ năm 2010, thành phố kêu gọi đầu tư, sau thời gian chỉ duy nhất Tập đoàn Thiên Thanh gửi hồ sơ nên được giao quyền đầu tư. Tuy nhiên, hiện lãnh đạo tập đoàn đã bị bắt vì những vi phạm tài chính. “Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục đầu tư như quy hoạch ban đầu. Sắp tới nếu xét thấy dự án quá chậm trễ, sẽ xử lý theo hướng thu hồi. Sau khi thu hồi xong, dự án làm tiếp theo như thế nào phải trình HĐND thành phố quyết định”. Bí thư Trần Thọ yêu cầu.
Theo Tiền Phong