Hà Nội "trải thảm đỏ", nhân tài vẫn "quay lưng"?

Google News

(Kiến Thức) - Theo số liệu từ Sở Nội vụ Hà Nội. trong 10 năm qua, đã có 1.203 thủ khoa được TP vinh danh nhưng chỉ có 103 người ở lại Thủ đô làm việc.

4 ngày vinh danh thủ khoa
Chiều 13/8, Thành đoàn Hà Nội giới thiệu chương trình Gặp mặt thủ khoa và tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2013.
Theo đó, năm nay, Hà Nội tổ chức gặp mặt 205 thủ khoa và tuyên dương 123 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Chương trình năm nay được xây dựng thành 2 đợt hoạt động lớn.
Đợt 1 diễn ra trong 2 ngày 17-18/8 tại huyện Ba Vì (Hà Nội). Tại đây, các thủ khoa tham gia Lễ khởi công xây dựng sân chơi cho thiếu nhi tại xã Ba Trại, tham gia giao lưu giữa thủ khoa xuất sắc với học sinh trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú huyện Ba Vì với chủ đề “Bí quyết trở thành thủ khoa”, và tham gia tọa đàm “Thủ khoa với trách nhiệm xây dựng nông thôn mới”.
 Chương trình vinh danh thủ khoa 2013 được xây dựng thành 2 đợt hoạt động lớn. Ảnh: Internet
Đợt 2, vào ngày 24-25/8, gồm có các hoạt động như Lễ ghi danh Sổ vàng thủ khoa xuất sắc năm 2013; chương trình tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; thủ khoa dịp gặp gỡ thân mật các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
205 thủ khoa được gặp mặt và 123 thủ khoa được tuyên dương là những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện với số điểm rất cao trong số hàng vạn sinh viên tốt nghiệp năm 2013. Các bạn đến từ nhiều khoa, ngành đào tạo của các trường thuộc hệ đào tạo tập trung, chính quy theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong số đó, có nhiều bạn là đảng viên, có bạn là sinh viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã tự lực vươn lên, vượt khó trong học tập…
2013 là năm thứ 11 liên tiếp thành phố Hà Nội tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố.
Loay hoay thu hút nhân tài
Tại buổi gặp gỡ, công bố chương trình Vinh danh thủ khoa 2013, vấn đề thu hút nhân tài, trong đó thủ khoa là một trong số những đối tượng Thủ đô hướng tới, cũng được nhiều người quan tâm.
Đại diện Sở Nội vụ, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, vừa qua thành phố đã có nhiều chính sách trong tuyển dụng nhân tài, những đối tượng có thành tích đặc biệt xuất sắc. Theo đó, những đối tượng thành phố có nhu cầu sẽ được xét tuyển đặc cách không qua thi cử, hỗ trợ đãi ngộ thu hút 1 lần với giá trị hỗ trợ bằng 20 lần mức lương tối thiểu hiện thời; hỗ trợ 30 lần lương tối thiểu làm luận văn thạc sĩ, hỗ trợ bằng 80 lần lương tối thiểu khi làm luận án tiến sĩ, hỗ trợ đào tạo nước ngoài…
Theo bà Kim Dung, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ rà soát số lượng và ngành nghề để tiếp nhận nhân tài vào làm việc; sửa đổi bổ sung một số quy định tuyên dương, trọng dụng cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Mặc dù vậy, công tác thu hút nhân tài Thủ đô chưa thực sự hiệu quả. Trong 10 năm qua, đã có 1.203 thủ khoa được vinh danh nhưng chỉ thu hút được 103 người ở lại Thủ đô làm việc. “Tuy nhiên, các thủ khoa thường có 4 hướng lập nghiệp sau khi ra trường: ở lại trường làm công tác giảng dạy, một số bạn tìm học bổng để đi học nước ngoài, số khác làm việc cho các doanh nghiệp, và làm cho Nhà nước thường là lựa chọn cuối cùng” - ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, thừa nhận.
Theo ông Tuấn, có rất nhiều lý do để các em lựa chọn như vậy, nhưng cũng phải thừa nhận, công tác thu hút nhân tài Thủ đô chưa đạt kết quả như mong đợi. 
Vị Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Theo tôi, không nhất thiết các em thủ khoa phải làm việc ở Hà Nội mới là cống hiến. Hiện nay, có rất nhiều thủ khoa làm giáo sư ở các trường đại học trên thế giới, đó cũng là một cách cống hiến vì phía sau đó là thương hiệu quốc gia, dân tộc”.
Anh Tuấn