Một đơn vị được cấp phép, cát tặc lợi dụng khai thác “ké”, chính quyền...bó tay
Qua chuyến thâm nhập thực tế tại thánh địa cát tặc khu vực giáp ranh thôn Quán Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão, TP Hải Phòng) với huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), nhóm phóng viên đã mang những hình ảnh tư liệu ghi nhận cảnh hàng chục tàu lớn nhỏ đua nhau oanh tạc lòng sông Lạch Tray qua khu vực này đến làm việc với các cấp chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND xã Bát Trang (huyện An Lão, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, xã Bát Trang có một bãi khai thác cát với diện tích 8,5 ha của Hợp tác xã Thương binh Đoàn 2180 (gọi tắt Đoàn 2180) được cấp giấy phép khai thác cát theo nội dung Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 23/10/2013 của UBND TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện Đoàn 2180 đã hạn chế khai thác cát ở bãi này. Khảo sát của PV tại bãi Soi Mờ, khu vực được cấp phép khai thác cát hiện nay không có nhiều tàu, cây cối um tùm. Người dân thôn Quán Trang cho biết, khu vực đó là đất nông nghiệp. Do không thể canh tác được nên người dân bán lại cho Đoàn 2180. Cán bộ địa chính của xã Bát Trang cũng cho biết, toàn bộ đất bàn giao cho Đoàn 2180 là đất nông nghiệp và hiện tại khu bãi chỉ có người trông coi. Tuy nhiên, theo lời ông chủ tịch xã Bát Trang, hiện trong xã vẫn còn mấy chủ tàu với tổng số hơn 10 tàu khai thác cát. Những tàu này đều không được cấp phép và chính quyền địa phương cũng công nhận điều này.
|
Tàu cát ngang nhiên khai thác giữa ban ngày. |
Ông Nguyễn Văn Tòng, trưởng thôn Quán Trang, địa phương nơi trực tiếp quản lý khu vực trên thì tỏ ra nắm khá rõ hoạt động khai thác cát dưới lòng sông.
“Trước đây, Đoàn 2180 mỗi ngày khai thác mấy chục tàu cát dưới sông nhưng giờ hiếm lắm mới có tàu của Đoàn khai thác. Các chủ tàu khai thác trái phép ở xã đều biết khi họ hút cát lên bờ sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nên tìm mọi cách để lẩn tránh. Mỗi lần trưởng thôn, Trưởng công an xã hay Chủ tịch chuẩn bị đi ra ngoài kiểm tra là có người của các chủ tàu “trông coi” từng bước đi. Nếu thấy có dấu hiệu kiểm tra tàu, các tàu dừng hoạt động. Vì thế, việc bắt quả tang tàu cát khai thác cát trái phép rất khó. Họ có tàu, làm gì, ở đâu mình không thể quản lý được. Phía Công an xã chỉ có thể bắt quả tang hành vi khai thác cát trên sông thôi”, ông Tòng cho biết.
|
Oanh tạc cả ban đêm để khai thác cát ở lòng sông. |
Lật giở lại hồ sơ UBND TP Hải Phòng cấp phép cho Hợp tác xã Thương binh Đoàn 2180 khai thác cát là số lượng là bao nhiêu, khai thác đến bao giờ? Nhóm PV đã tra cứu trong danh sách quản lý khoáng sản của UBND TP. Hải Phòng thì UBND TP. Hải Phòng cấp phép cho 16 điểm khai thác cát trên toàn địa bàn thành phố với trữ lượng tối đa 1 năm là 6.400.000 m3 cát. Tại khu vực sông Lạch Tray, khu vực bãi Soi Mờ, UBND TP. Hải Phòng cho phép Hợp tác xã thương binh Đoàn 2180 mỗi năm chỉ được khai thác tối đa 145.000m3.
Trong hồ sơ khai thác cát của Đoàn 2180 do UBND xã Bát Trang và UBND huyện An Lão cung cấp cho PV có biên bản bàn giao 8,58 ha đất nông nghiệp thuộc bãi Soi Mờ, địa phận xã Bát Trang, huyện An Lão và giấy phép khai thác khoáng sản số 615/GP-UBND do UBND TP. Hải Phòng cấp ngày 25/4/2011. Tuy nhiên, theo tính toán thông thường, mỗi ngày ở khu vực này có hàng chục tàu khai thác cát, trong đó nhiều tàu trái phép như UBND xã Bát Trang đã thừa nhận thì tại sông Lạch Tray, khu vực qua xã Bát Trang mất tối thiểu khoảng 10.000m3 cát; 1 tháng, chỉ riêng khúc sông này sẽ mất khoảng 300.000m3 cát; một năm khu vực sông này sẽ mất khoảng 3.600.000m3 cát. Trữ lượng khai thác tối thiểu này chỉ trên một đoạn sông Lạch Tray bằng 1/2 trữ lượng khai tác của 16 điểm khai thác cát trên toàn thành phố Hải Phòng. Các tàu “cát tặc” khai thác bền bỉ trong vòng hơn 10 năm ở sông Lạch Tray như vậy đã lấy đi của lòng sông một khối lượng cát khổng lồ. Tuy nhiên, do cát nằm dưới dòng nước nên cũng khó để có thể kiểm kê.
Hơn nữa, như ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bát Trang và ông Nguyễn Văn Tòng, trưởng thôn Quán Trang, xã Bát Trang thì, thời gian này Đoàn 2180 cũng đã hạn chế, không còn khai thác nhiều cát ở khu mà Đoàn 2180 được cấp phép với lí do ở đây không có cát nhiều. Theo nguồn tin của Nhóm PV, mỗi ngày tối thiểu hơn 10 tàu cát (có sức chứa từ 200 đến 400m3 cát) hút cát rồi chuyển vào bãi khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương, TP Hải Phòng) để phục vụ san lấp nền với tối thiểu khoảng 5.000m3. Trong số những tàu này có cả tàu chưa được cấp phép. Câu hỏi đặt ra, làm cách nào để hợp thức hóa hóa đơn mua bán cát số lượng cát này?
Ai hợp thức hóa lượng cát trái phép?
Để hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện từ việc các tàu cát khai thác tại khu vực này đến việc bảo kê quá trình khai thác cát cũng như hợp thức hóa lượng cát để giao dịch mua bán. Nhóm Phóng viên đã trao đổi với L.V.H. là một chủ tàu cát, đồng thời là dân xã hội có tàu khai thác cát trái phép khu vực gần bãi Soi Mờ, xã Bát Trang. Khi chúng tôi tiếp xúc H. để hỏi quy trình hút cát vào bãi an toàn, H. kể: “Các tàu cát khi hút cát lên thì mang đến đổ cát vào bãi của ông L. ở khu công nghiệp Tràng Duệ. Ông L. và ông N.Đ.M. đã nói với chúng tôi là bị bắt bớ làm sao trên sông ông M. và ông L. sẽ lo hết. Ông L. và ông M. nhận mua cát từ một nhân vật bảo kê có tên là Th. L. Tàu chúng tôi bán trực tiếp cho ông M. và ông L. với giá 42.000 đồng/m3 cát; sau đó ông M. và ông L. bán cát cho khu công nghiệp Tràng Duệ phục vụ việc san lấp nền là 85.000 đồng/m3 cát. Bản thân Th.L. không có tàu nhưng mỗi tầu sẽ phải làm luật với ông ta là 5000 đồng/m3 cát. Dưới tay ông L. và ông M. còn có một người tên Th., khoảng trên 50 tuổi làm việc trực tiếp với các tàu”.
|
Một lượng cát lớn đã bị những tàu ngày hút khỏi lòng sông Lạch Tray. |
Mang thông tin trên từ L.V.H cung cấp, nhóm Phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Văn Tòng, Trưởng thôn Quán Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão, TP Hải Phòng), ông Tòng xác nhận có một nhân vật tên Th. L., người ở xã Trường Thọ, không có tàu khai thác tại khu vực này nhưng chuyên nhận và lo các bãi cho các tàu không được phép khai thác cát trên sông Lạch Tray. Tuy nhiên, việc Th. L. có phải bảo kê cho các tàu hay không, ông trưởng thôn không khẳng định.
Để tìm hiểu rõ quá trình “bảo kê” của nhân vật Th. L., được cho là bảo kê cho các tàu cát khai thác tại khu vực xã Bát Trang, giáp ranh với xã Đại Đức (huyện Kim Thành, Hải Dương), trong vai một người làm việc cho phía ông L. ở bãi cát khu công nghiệp Tràng Duệ. PV hỏi: “Tàu 0380 (tàu số hiệu HP 0380 khai thác cát trái phép mà Th.L. đang bảo kê) có vấn đề gì không?”, Th.L. đã hỏi một cách đề phòng: “Tại sao ông L. và ông Th. không liên hệ làm việc trực tiếp với tôi mà lại để người mới liên lạc?”. Sau đó, có chút tin tưởng, Th.L mới cho biết, tàu HP 0380 vẫn hoạt động bình thường, không bị công an bắt.
Tiếp tục trong vai người làm việc cho Th.L, chúng tôi liên hệ với nhân vật tên Th. mà các chủ tầu và Th.L. nhắc tới làm việc trực tiếp với chủ tàu ở bãi hút cát trong khu công nghiệp Tràng Duệ. Khi PV hỏi hai tàu khai thác trái phép là 0380 và 0099 với câu chuyện hai tàu này bị công an hỏi. Ông Th. đang cho các tàu hút cát từ tàu lên bãi và khẳng định: “Tàu 0380 và tàu 0099 không có vấn đề gì và vẫn trở cát, hút cát bình thường”. Ông Th. cũng cho biết, thời điểm chúng tôi nói chuyện với ông, bãi cát chỗ ông L. trong khu công nghiệp Tràng Duệ có cả hơn chục con tàu đang bơm cát và không có chủ tàu nào phản ánh về việc bị công an hỏi tới. Khi được hỏi, ông L. có được thông báo hai tàu bị công an hỏi không? Ông Th. khẳng định chắc chắn là ông L. không được thông báo gì về trục trặc tàu và tất cả tàu vẫn hoạt động bình thường.
|
Và được tập kết lên bờ để vận chuyển mua bán cho việc san lấp mặt bằng. |
Để làm rõ thông tin việc lấy cát từ những tàu khai thác cát trái phép phục vụ việc san lấp mặt bằng KCN Tràng Duệ? Nhóm phóng viên đã liên lạc với ông L. (người có bãi cát trong khu công nghiệp Tràng Duệ). Khi hỏi về nguồn gốc cát nhận về có đảm bảo là cát “sạch”, ông L. cho biết: “Cát tôi lấy có làm hợp đồng rõ ràng từ nơi được phép khai thác cát. Chúng tôi không chỉ lấy ở các mỏ Hải Phòng vì trữ lượng ở Hải Phòng không đủ. Chúng tôi lấy ở nhiều tỉnh khác. Cả Hải Phòng và Hải Dương đều nạo vét sông hồ. Chúng tôi làm có sự chỉ đạo của TP. và huyện, không phải tự ý làm”. Khi được hỏi về số lượng cát trái phép hút lên bãi cát trong khu công nghiệp Tràng Duệ, ông L. thách thức PV: “Muốn điều tra về cát không rõ nguồn gốc, cát “bẩn” thì thanh tra đường quốc lộ 5B ấy, nhiều hơn ở khu công nghiệp Tràng Duệ nhiều. Tràng Duệ đáng là bao nhiêu?”.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến vụ việc này…
Nhóm Phóng viên