Mới đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc UBND TP Hải Phòng gửi văn bản “ưu tiên” Techcombank với mục đích “chỉ đạo” các sở, ban ngành, đơn vị quận huyện…mở tài khoản, gửi tiền, thực hiện giao dịch qua hệ thống Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Thiếu minh bạch trong quá trình cạnh tranh
Cụ thể, trong văn bản số 3470/UBND-DN của UBND TP Hải Phòng, ban hành ngày 17/7/2015 gửi Thủ trưởng các Sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các quận huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập; các Ban Quản lý dự án thuộc thành phố; các doanh nghiệp trên địa bàn, nêu rõ: “Ngày 31/3/2015, UBND TP Hải Phòng đã ký Thỏa thuận hợp tác Techcombank, song “việc triển khai còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và yêu cầu trong Thỏa thuận hợp tác”. Để thực hiện tốt hơn nữa thỏa thuận hợp tác, UBND TP Hải Phòng yêu cầu:
Đối với việc trả lương qua tài khoản: Giám đốc các Sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố “xem xét ưu tiên” thực hiện việc mở tài khoản thanh toán tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình (tài khoản ATM) tại Techcombank. Thời gian hoàn thành trong Quý III/2015.
Đối với các Quỹ thuộc thành phố quản lý: UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo đầy đủ số dư tại thời điểm 30/6/2015, của các Quỹ do thành phố quản lý theo quy định không phải gửi tại Kho bạc Nhà nước (bao gồm cả các tổ chức hội, đoàn thể thuộc thành phố). Thủ trưởng các ngành, đoàn thể, đơn vị quản lý Quỹ có trách nhiệm mở tài khoản giao dịch tại Techcombank của các Quỹ đã được Sở Tài chính báo cáo. Thời gian hoàn thành trong tháng 8/2015.
Đối với các ban quản lý dự án do TP quản lý: Yêu cầu tập trung chuyển ngay tài khoản về giao dịch thanh toán và trả lương tại Techcombank”, thời hạn thực hiện trong tháng 8/2015.
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố: Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tích cực ủng hộ tham gia triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa UBND TP với Techcombank (trả lương qua tài khoản và giao dịch thanh toán.
|
Văn bản UBND TP Hải Phòng gửi các sở, ban ngành, quận huyện... |
|
Văn bản "chỉ đạo" ưu tiên Techcombank. |
Ngoài ra văn bản cũng yêu cầu, định kỳ vào ngày 10 và 20 hàng tháng, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND thành phố tình hình và kết quả việc triển khai thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận hợp tác giữa UBND thành phố và Techcombank.
Dư luận cho rằng, việc UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản trên là một sự thiên vị, thiếu công bằng, vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh khi ưu tiên Techcombank. Bởi bản thân Techcombank khi ký kết các thỏa thuận hợp tác với địa phương chỉ để nhận sự ưu tiên thay vì đa dạng hóa các dịch vụ, hấp dẫn khách hàng bằng sự tiện ích, an toàn và hiệu quả. Điều đó đã thể hiện sự thiếu minh bạch trong quá trình cạnh tranh.
Có dấu hiệu vi phạm luật
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, trong nền kinh tế thị trường, các sản phẩm, dịch vụ phải cạnh tranh một cách lành mạnh, không có sự ưu tiên ưu đãi của bất kỳ một cơ quan nhà nước nào. Không có văn bản nào quy định thẩm quyền của cấp chính quyền lại yêu cầu người dân phải sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào trên thị trường. Việc tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ là do nhu cầu mỗi người dân.
Do đó, văn bản kể trên của chính quyền địa phương có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh. Với một văn bản hành chính như vậy, địa phương đã tạo được đặc quyền và ưu ái cho một thương hiệu một sản phẩm, không khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, đồng thời không tạo được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các hoạt động kinh tế.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Thái. |
“Chính quyền địa phương làm như vậy cực kỳ nguy hiểm cho thương hiệu. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như luật Cạnh tranh đều không cho phép các cơ quan Nhà nước được quyền ban hành các quy định, chỉ thị và mệnh lệnh có nội dung “ưu ái”, “phân biệt đối xử” giữa các doanh nghiệp, hoặc bắt buộc các cơ quan, đơn vị và người dân phải sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của một doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật" Luật sư Nguyễn Hồng Thái đánh giá.
Theo ông Thái, việc UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản “chỉ đạo” trên đã vi phạm điều 6 luật cạnh tranh. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: 1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; 3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường; 4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
“Với những dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh, cần xem xét xử lý theo quy định tại Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh”. Luật sư Thái đề nghị.
Hải Ninh